VĂN HÓA

Một cú ‘Plot Twist’ của Mai Trung Thứ

Tiểu Vũ - Lý Đợi • 06-12-2021 • Lượt xem: 426
Một cú ‘Plot Twist’ của Mai Trung Thứ

Trong tiểu thuyết, phim, kịch, hoặc các chương trình giải trí, một cú plot twist (thắt mở nút) luôn làm người theo dõi thấy thú vị, hoặc ú tim. Trong thị trường mỹ thuật, Mai Trung Thứ đã và đang có các cú thắt mở nút như vậy.

Suốt nửa thế kỷ qua, về giá bán, tranh của ông trên thị trường công khai thường xếp sau Lê Phổ và vài họa sĩ VN khác.

Thế nhưng hai ba năm gần đây thì tình hình dần xoay chuyển; từ khi “Chân dung cô Phượng” (sơn dầu trên toan, 135,5cm x 80cm, 1930) bán hơn 3,1 triệu USD tại nhà Sotheby’s Hong Kong hồi 18/4/2021, Mai Trung Thứ trở thành quán quân.

Chia sẻ cách nhìn của nhà phê bình Nguyên Hưng, đại ý Lê Phổ không phải là họa sĩ giàu sáng tạo nhất của bộ tứ Paris, nhưng được quảng bá tốt hơn và làm thị trường xuyên suốt hơn.

"Trong bộ tứ Paris, từ lâu, tui thích tranh Mai Trung Thứ nhất, vì nó không quá hướng vào câu chuyện Việt Nam như Vũ Cao Đàm, mà cũng không quá hướng về trang trí như Lê Phổ. (Xin được dành bình luận về Lê Thị Lựu vào một dịp khác) - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi chia sẻ.

Tác phẩm "Thiếu phụ bên sông" của Mai Trung Thứ

Tranh của Mai Trung Thứ có nhiều sự hài hòa hơn trong cách kể chuyện và phối hợp Đông Tây, không chỉ ở vật liệu, cấu trúc, bảng màu, mà còn ở cách tạo bản sắc riêng cho câu chuyện.

Nói nôm na, dù kể câu chuyện Việt, nhưng nó không quá khu biệt, riêng tư để người châu Âu cảm thấy bị cách biệt.

Vào lúc 14h ngày 14/12 tới đây, Sotheby’s Hong Kong mở phiên Mapping Modernities (tạm dịch: Bản đồ hiện đại), bức “Femme au chapeau conique le long de la rivière” (tạm dịch: Thiếu phụ bên sông, sơn mài trên toan, 98cm x 7cm, 1937) của Mai Trung Thứ có giá ước định cao thứ nhì.

Với giá ước định từ 5.000.000 đến 7.000.000 HKD, bức này dễ dàng bán đến 10.000.000 HKD, tương đương gần 1,3 triệu USD.

Nếu hôm ấy có sự tham dự đủ của 3-4 nhà sưu tập cỡ bự đang thích tranh Mai Trung Thứ, thì giá cuối cùng của bức này hoàn toàn có thể cạnh tranh với bức “Chân dung cô Phượng”.

Bức "Chân dung cô Phượng" của Mai Trung Thứ

Có thể thấy hai bức này đều được vẽ trong thời điểm tạm gọi là giai đoạn đi dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Dù “Thiếu phụ bên sông” được ký năm 1937, nghĩa là sau 1 năm định cư tại Paris. (Theo thông tin của nhà nghiện cứu Phạm Long trong tin nhắn, thì phải là năm 1938).

Có vẻ như cả hai tranh đều dùng một người mẫu, nên “Thiếu phụ bên sông” cũng có thể là cô Phượng đứng bên sông.

Mà sông ở đây là sông Hương, một biểu tượng của Huế, nên nhân vật chính cũng phảng phất nhiều chất Huế qua chiếc nón, qua màu áo xanh.

Tuy nhiên, Mai Trung Thứ vẫn giữ lại chút hương vị Bắc, đó là kiểu áo dài tân thời được tạm gọi là may theo phong cách Lê Phổ.

 

Tag: