Duyên Dáng Việt Nam

Nếu con bạn bị chê, thay vì bức xúc hãy bình tĩnh làm những việc sau

Cẩm Tú - NM • 22-09-2020 • Lượt xem: 3570
Nếu con bạn bị chê, thay vì bức xúc hãy bình tĩnh làm những việc sau

Nga vừa hoàn thành chương trình thạc sỹ tại Newzealand. Nga có một cô con gái nhỏ và đó là cả thế giới của cô ấy. Trước ngày về nước, điều lo lắng lớn nhất của Nga không phải là thiếu việc làm, khó khăn tài chính… mà là những lời chê bai nhằm vào cô con gái nhỏ.

Xin đừng phán xét

Bi - tên cô gái nhỏ, là một cô bé sống nội tâm, hay khóc và nhút nhát khi gặp người lạ, chậm nói, đôi khi hay nhõng nhẽo, chưa tự giác. Bù lại Bi có một nụ cười tỏa nắng và một trái tim ấm áp, luôn biết an ủi mẹ bằng những cái ôm, cô bé nhạy cảm, yêu động vật, thích quan sát và thích âm thầm làm theo những gì mình học được.

Vậy nên, Nga chọn cho cô gái hướng nội của mình thật nhiều xếp hình và sách cho con, luôn ôm con vào lòng và thủ thỉ mỗi khi con khép nép, rụt rè. Mỗi đứa trẻ dù hướng nội hay hướng ngoại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Chỉ cần biết yêu thương đúng cách, tác động đúng cách bé sẽ phát triển toàn diện và hạnh phúc.

Nga cho biết, ở Newzealand trẻ em luôn được động viên và khuyến khích. Vì vậy cô rất lo sợ khi con phải đổi môi trường. Nguyên nhân khiến cô lo lắng là vì, cô từng sống trong thế hệ bị bao vây bởi những chuẩn mực “hỡi ơi”, những lời nhận xét, chê bai, soi mói, Nga lo lắng con gái của mình cũng phải nhận những lời tiêu cực “sao còi thế” “nhát quá” “hư quá” “xấu”…

Tại cao nguyên Mộc Châu, Sơn La người nông dân cho bò nghe nhạc để tiết ra nhiều sữa và chất lượng tốt hơn. Một thí nghiệm của IKEA - hãng nội thất đến từ Thụy Điển cho thấy cây cối phát triển xanh tốt khi được nghe những lời yêu thương. Trẻ em cũng vậy, để chúng lớn khôn cần rất nhiều yêu thương, kiên nhẫn và bao dung. Phán xét một đứa trẻ không phải là việc nên làm của những người văn minh.

Thay vì phán xét, chê bai để con lớn lên gai góc, mạnh mẽ nhưng chỉ là vỏ bọc che đậy một trái tim tổn thương. Cha mẹ hãy chọn yêu thương để con lớn lên với một tâm hồn mạnh mẽ và trái tim đầy trắc ẩn.

Trẻ em là một điều kỳ diệu. Ngay từ trong bụng mẹ, bé đã có thể cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của mẹ. Trong khoảng thời gian rất dài, nhận định “trẻ con không biết gì” đã trở thành quan niệm chung của xã hội. Người ta vin vào quan niệm ấy, áp đặt trẻ em theo những quy tắc, chuẩn mực tự phát. Một thế hệ trẻ em đã lớn lên luôn tự ti, rụt rè và lệ thuộc. Trong khi đó, những đứa trẻ mạnh mẽ dám phản kháng, sống đúng với đam mê, biết yêu thương bản thân lại trở thành những kẻ nổi loạn.

Người ta hay trách những người mẹ dám “bật” lại những lời chê bai vô ý thức của người đời để bảo vệ con mình là “ghê gớm” “làm quá” “đanh đá” “hỗn xược”. Nhưng chính những người buông lời chê bai con người khác cũng sẵn sàng “xù lông” để bảo vệ con mình. Bởi vậy, trước khi cất lời chê bai ai đó hãy nghĩ đến cảm giác của bản thân trong tình huống tương tự.

Dịu dàng, mềm mại là đặc điểm giới trời ban cho người phụ nữ, nhưng đừng coi thường sự phản kháng của họ khi những người thân yêu bị tổn thương.

Phán xét một đứa trẻ là hành vi vô ý, thiếu văn minh. Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương và tôn trọng. Trẻ em hồn nhiên như cây cỏ nhưng cũng đủ nhạy cảm để tổn thương. Người mẹ nào cũng sẵn sang xù lông để bảo vệ con mình.

Hình minh họa: Internet

Trẻ cần có cha mẹ là "bộ lọc" tốt cho con phát triển

Người ta nói trẻ em như búp trên cành, nghĩa là nó hoàn toàn non nớt, và trong sự non nớt ấy, còn có cả nét tươi mới, như cái mầm non, vừa hé mắt nhìn đời, bằng tất cả sự trong trẻo của chúng. Làm sao nó biết được ngoài kia có cả nắng gắt, gió to và cả những đổi thay của bốn mùa.

Nhưng dần dà, cái mầm non ấy, nếu không có những gắt gao của thời tiết cũng như những thay đổi của môi trường, sao nó có thể xanh lên, mạnh mẽ lên vươn mình thành những cành cây to lớn, cứng cáp.

Một đứa trẻ cũng như vậy, môi trường cho dù khắc nghiệt và đa dạng tới đâu, một quá trình đi  từ bỡ ngỡ, dần dà con cũng sẽ thích nghi. Nhưng thích nghi để phát triển, lĩnh hội cái tốt để đi lên, không phải là nhận tất cả mọi thứ vào mình, kể cả cái xấu.

Trẻ cần có một "bộ lọc". Và bộ lọc" ấy không ai khác, chính là bố mẹ của chúng. Bố mẹ sẽ là người quan sát con trong học tập, trong môi trường sống, cách con phản ứng với những đổi thay, tương tác với môi trường xung quanh con như thế nào. Để từ đó bố mẹ sẽ biết gạn lọc khơi trong, thấy chỗ nào nguy hiểm với con thì nhắc nhở, tìm giải pháp, chỗ nào tốt cho con, khiến trẻ phát triển thể chất và trí năng thì tạo điều kiện cho con phát huy.

Mỗi một môi trường đều không giống nhau, chỉ từ thành phố tới nông thôn đã là sự khác biệt. Đằng này, từ nước này qua nước khác càng khác biệt nhiều. Đối với những bà mẹ có con nhỏ chuyển trường xuyên quốc gia như câu chuyện phía trên, là người mẹ, xin hãy gói lại những băn khoăn của mình, gạt qua nỗi sợ hãi con không thích nghi... Hãy coi những gì con được học tập, rèn luyện ở nước ngoài là nền tảng, kiến thức bổ sung cho con thêm phong phú, hoàn thiện khả năng tự thích nghi của mình. Một đứa trẻ được nhập học tại Việt Nam và chúng tới từ môi trường giáo dục nước khác, hẳn nhiên chúng phải là đứa trẻ may mắn, chứ không phải đó là một rủi ro. Vì chúng có được cả hai môi trường để hoàn thiện chính mình.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)