VĂN HÓA

Nghĩ về tâm lý của người An Nam

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy • 13-09-2019 • Lượt xem: 7326
Nghĩ về tâm lý của người An Nam

Đọc xong cuốn sách Tâm lý người An Nam cảm giác đầu tiên của tôi là phẫn nộ - một phản ứng tâm lý tự nhiên của kẻ bị “điểm trúng huyệt”, bị "bóc mẽ". Paul Giran, vốn là một công chức trong phủ Toàn quyền Đông Dương, trong cuốn sách này đã chỉ ra nhiều hạn chế của người Việt, mà tôi buộc phải thừa nhận là đúng.

Tin, bài liên quan:

‘Gai sắc’ trong truyện Trần Vũ (kỳ 1)

“Gai sắc” trong truyện ngắn Trần Vũ (Kỳ 2)

Tính cách xuề xòa chấp nhận thực tại; sự tôn sùng tập thể dẫn đến việc triệt tiêu cá nhân với những sáng tạo và suy nghĩ riêng; xã hội đề cao tính thực dụng và khuyến khích làm theo những khuôn mẫu cổ cho an toàn; giáo dục loanh quanh với Tứ thưNgũ kinh như một chân lý bất di bất dịch thay vì khơi gợi khả năng tư duy trừu tượng, tưởng tượng và mộng mơ, khiến khoa học và nghệ thuật gần như không tồn tại; nền quan trường do dựa trên thi cử giáo điều vừa không thực chất vừa dẫn đến tình trạng quan liêu và tham nhũng nặng nề, trong khi người dân chỉ biết nem nép phục tùng quyền lực...

Hệ lụy của những điều này có thể quan sát thấy ngay trong xã hội chúng ta bây giờ. Giáo dục dù đã cải tiến nhiều vẫn nặng về thành tích, do đó ép học sinh vào khuôn mẫu thay vì chú trọng phát triển con người. Làm quan vẫn được coi là một nghề tốt để kiếm ăn, “vinh thân phì gia” thay vì để kiến thiết xã hội. Người dân sợ hãi quyền lực không dám bày tỏ ý kiến. Trong nhiều gia đình, chữ Hiếu là một sự cầm tù đối với cá nhân, khi đứa con phải nghe theo lời cha mẹ bỏ qua khát vọng riêng trong sự nghiệp hoặc hôn nhân, chỉ để cha mẹ "đẹp mặt" với xã hội. Sự gia trưởng của người đàn ông chưa từng mất đi, thậm chí trong nhiều trường hợp nó còn được sự cộng hưởng của tiện nghi để trở nên mạnh mẽ hơn.

Bìa sách "Tâm lý người An Nam" của Paul Giran - Nguyễn Tiến Văn dịch - Nxb Hội Nhà Văn 9/2019

Paul Giran có lẽ có phần lớn cuộc đời gắn bó với các xứ thuộc địa. Tổng thời gian ông ở trên đất An Nam là khoảng hai mươi đến ba mươi năm. Công việc của ông trải qua nhiều vị trí khác nhau - bắt đầu là viên chức phụ trách dân sự trong Phủ Toàn quyền năm 1899, đến Phó Công sứ tại một số tỉnh ở Bắc kỳ, đến Công sứ ở Phan Rang năm 1913. Sau đó ông sang Lào, được bổ làm ủy viên chính phủ (Commissaire) tại Vạn Tượng cho đến năm 1921. Ông trở lại An Nam làm Công sứ tỉnh Đắk Lắk từ 1925 đến 1931. Thời gian này ông cho xây dựng Biệt Điện, mà người dân gọi là tòa Công sứ, nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Paul Giran xuất bản cuốn sách Tâm lý người An Nam (Psychologie du Peuple Annamite) năm 1904, sau thời gian làm việc chưa lâu tại Đông Dương. Nhưng rõ ràng là ông có tố chất nghiên cứu, khi biên khảo này được trình bày gọn gàng mạch lạc, có lớp lang. Năm 1912 ông in một cuốn nữa, là Bùa chú và tôn giáo An Nam (Magie et Religion Annamites). Nhã Nam hiện xuất bản cuốn thứ nhất, do Nguyễn Tiến Văn dịch.

Dịch giả Nguyễn Tiến Văn (Ảnh: Nhà nhiếp ảnh Trần Nguyên Anh)

Tuy nhiên, sau cảm giác đầu tiên, thì cảm giác tiếp sau cũng vẫn là phẫn nộ! Như Paul Giran nói trong lời dẫn nhập, khảo cứu này nhằm "khám phá ra những động lực thâm sâu trong sinh hoạt công cộng hay riêng tư của dân tộc ấy; để rút ra những nguyên lý tối thượng đã chủ trì việc thiết lập những định chế xã hội hay chính trị của dân tộc ấy; phân tích những ảnh hưởng toàn năng đã quyết định lịch sử và tiến hóa của dân tộc". Và mục đích cao nhất của cuốn sách đã được tuyên bố rõ ràng: "để cai trị cho tốt một dân tộc". Đặt ra một mục tiêu thực dụng như vậy, ở tư cách bề trên như vậy, Paul Giran nhanh chóng sa vào suy diễn và tư biện. Ông có thể nhìn ra đúng một số điểm trong tính cách người An Nam và xã hội An Nam, nhưng lại cho đó là tất cả, lờ lướt các yếu tố trái với góc nhìn của ông, để từ đó đi tới những kết luận phiến diện, khiến có nhiều vấn đề trong cuốn sách tôi không thể nào đồng tình.

Ví dụ, Paul Giran coi việc người An Nam vùng lên chống ách đô hộ một ngàn năm của Trung Hoa thực chất chỉ là mặt bên kia của tính ù lì thụ động phổ biến như một thứ đặc sản của người An Nam, rằng họ làm thế chẳng qua do bị thúc ép, rằng người An Nam không có ý niệm nào về dân tộc, tổ quốc. Điều ấy là phi lý. Nếu không có ý chí, người Việt lấy đâu ra sức mạnh để nổi dậy hết lần này đến lần khác, trong một khoảng thời gian dài đến không tưởng, với điều kiện sống hẳn là tệ hại, rốt cuộc vẫn giành được độc lập, và suốt thời gian ấy vẫn bảo tồn được thứ ngôn ngữ riêng với nhiều phong tục tập quán riêng không bị đồng hóa. Đây phải chăng là mặt tích cực của ý thức cộng đồng sâu sắc, là thứ ý chí khi cần thiết mới bộc lộ ra?

Tôi tò mò muốn biết cảm giác của Paul Giran thế nào nếu được chứng kiến ngày Pháp phải rút lui khỏi Đông Dương. Paul Giran cho rằng bản chất người An Nam là hòa hiếu, kiểu dĩ hòa vi quý. Nhu cầu được sống trong yên bình và chỉ vùng lên do bị thúc ép của họ, được ông diễn giải là một tình trạng tuyệt vọng. Ông viết: "Năng lượng tuyệt vọng, nói cho đúng thì không phải là thứ năng lượng đích thực". Sự phê phán này thể hiện rõ quan điểm thực dân của ông. Như vậy theo ông, năng lượng chủ động đi khai hóa khắp thế giới để vơ vét tài nguyên và đồng hóa văn hóa, mới là thứ năng lượng đích thực? Nhưng cho đến nay, vấn đề thực dân vẫn là một nỗi hổ thẹn của lịch sử thế giới.

ThS.Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (giữa) đang điều phối một chương trình tọa đàm văn học tại Hà Nội, 8/2019

Cái sai của Paul Giran còn là ở chỗ, ông cho rằng người Pháp trong sự nghiệp thực dân của mình, không cần dạy người An Nam tiếng Pháp làm gì, không cần trang bị hệ thống luật pháp và tòa án, những ý niệm và giáo điều của người Pháp, chỉ cần tập trung phát triển ở đây nền công nghệ, làm cho đất đai màu mỡ, rồi xây dựng những công trình công cộng vượt lên "sự dốt nát và vô cảm của người dân". Tất nhiên rồi, việc ưu tiên phát triển công nghệ và canh nông sẽ làm giàu có cho chính quốc, còn việc không phát triển giáo dục, hạn chế sự tiếp cận những giá trị văn minh của kiến trúc thượng tầng, không khác gì hơn là chính sách ngu dân. Đồng thời điều này cũng có hàm ý rằng người Việt khó mà giáo dục được. Ông viết: “Trong tổ chức não bộ của các chủng tộc, có những giới hạn không thể vượt qua”. Nhưng rõ ràng người Pháp đã không thể chỉ tập trung vào công nghệ, canh nông mà không phát triển các mặt khác, vì nếu không sự nghiệp thuộc địa không thể thực hiện. Và người Việt chỉ cần có vậy, mặc dù được hưởng nền giáo dục hạn chế do người Pháp tổ chức, người Việt đã tự tìm tòi, tự khai phá, tạo nên một lớp trí thức đông đảo những năm đầu thế kỷ 20, vừa thạo Hán văn vừa thông Pháp văn, tiếp thu nhanh chóng các tư tưởng triết học, các công trình khoa học, nghệ thuật, tạo nên một cú cựa mình vĩ đại của Việt Nam mà hẳn nước Pháp sẽ không sao hình dung được.

Nhưng nếu không có cú hích của người Pháp thì sao? Có thể Việt Nam vẫn là một xứ sở chậm phát triển, hoặc phát triển theo cách riêng của nó. Nhưng ở đây có một câu hỏi đặt ra là: liệu nền văn minh kỹ nghệ hiện đại như bây giờ có nhất thiết là điểm phải đến của mọi dân tộc? Đấy lại là một câu chuyện lớn khác ngoài tầm của tôi.

Có người nói tại sao Nhã Nam in một cuốn sách sặc mùi thực dân như thế này? Tôi muốn hỏi lại: thế tại sao không in? Thứ nhất, ta không in nó, không có nghĩa là nó không tồn tại. Thứ hai, chúng ta không phải là trẻ con để lảng tránh những thứ chúng ta không thích. Cuốn sách này có giá trị tư liệu. Nhìn thẳng vào nó chính là biểu hiện của sự trưởng thành trong tinh thần. In cuốn sách này thể hiện sự tự tin không chỉ của Nhã Nam, của các cơ quan xuất bản, nó còn là niềm tin rằng xã hội chúng ta đã có nhiều khác biệt, với những độc giả giàu tinh thần tự phê phán và có khả năng phản biện mạnh mẽ.

"Đặt mình vào dân tộc văn minh, vào sứ mệnh “khai hóa”, P. Giran không thể vượt qua nhược điểm chết người của thao tác phân loại, quy nạp tính cách/văn hóa An Nam vào thang bậc thấp kém, man khai. Kết quả của P. Giran, vì thế, không thực sự đem đến những hiểu biết toàn diện, kĩ càng về xã hội, con người An Nam trong tính dị biệt và đa dạng của nó. Các nhà nhân học văn hóa về sau, từ F. Boas (1858-1942) trở đi, phản đối cách tiếp cận phiến diện của thuyết tiến hóa văn hóa khi đề cao tiếng nói, cách tự nói lên của người bản xứ. Trong bối cảnh hôm nay, cách thức và mục đích khảo cứu của P. Giran sẽ trở nên rất lạc lõng vì giới khoa học nhân văn đang và sẽ cho rằng, không bao giờ có sự hơn/thua, cao/thấp mà chỉ có sự đa dạng và khác biệt ở mỗi nền văn hóa/văn minh dân tộc" .

Mai Anh Tuấn, khoahocphattrien.vn

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy sinh năm 1980 tại Thái Nguyên. Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành văn học sau 1975. Hiện chị là Phó ban Tiếng Việt của Nhà xuất bản Nhã Nam, biên tập viên của nhiều tác giả quan trọng mà Nhã Nam đã xuất bản, đồng thời viết các bài điểm sách, làm diễn giả và điều phối viên cho các cuộc tọa đàm.