Trong gia đình tôi, có một đám giỗ mà mọi người quan tâm nhất. Đó là giỗ cụ nội tôi vào ngày 27 tháng chạp hằng năm. Cụ nội tôi mất trước khi tôi ra đời có vài ngày vào năm 1947 - cụ bị Tây đi càn sát hại.
Ông nội tôi là con trưởng và tôi là chắt đích tôn. Thế nên từ mấy tuần trước, các ông trẻ, bà trẻ tôi đã về gặp ông bà tôi bàn làm giỗ.
Người thì chuẩn bị gạo, đỗ, đong rượu, lo thu gom bát đĩa của mỗi gia đình. Ông tôi và mấy ông trẻ khỏe mạnh nhất thì lo chuyện mổ lợn, dựng rạp. Con lợn nuôi cả năm để chờ đến ngày giỗ béo nung núc trong chuồng. Cái sân lát gạch Bát Tràng nối từ nhà ông tôi ra bể nước và bếp phía sau nhà được các ông trẻ tôi lấy tre gác ngang tường rồi dùng nong úp lên trên. Cả khoảng sân nay đã trở thành một gian nhà rộng, nền được trải chiếu. Từ đêm trước, các ông trẻ tôi đã cắt đặt mọi công việc, việc hệ trọng, sôi nổi nhất vẫn là thịt lợn.
Hồi ấy, đám giỗ, đám cưới mà không có tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc là coi như đám giỗ, đám cưới xoàng. Cái việc mổ lợn làm cỗ nó như một màn biểu diễn không thể thiếu được trong nghi lễ của đám hiếu, hỉ ngày ấy. Hồi đó tôi còn nhỏ, nhưng là chắt đích tôn nên được các cụ chiều lắm. Lợn mổ xong, thế nào cũng được cái bong bóng lợn đem sát tro rửa sạch, rồi thổi phồng lên làm quả bóng chơi rất thú vị. Khi giã giò, bao giờ ông tôi cũng gói riêng cho thằng chắt đích tôn một cái giò lụa nhỏ xíu ăn ngon vô cùng.
Một gia đình ở Hà Nội ngày nay vẫn trải chiếu ngồi quây quần bên nhau trong đám giỗ (Ảnh: Ngọc Thắng)
Các cụ bà thì cắt đặt mọi công việc bếp núc, từ ngâm gạo, đãi đỗ, thổi xôi đến bày đặt các món. Đặc biệt, giả cầy, măng... là những món mà sinh thời cụ nội tôi rất ưa dùng, bao giờ cũng phải có. Các bà cũng tranh thủ bổ cau têm trầu, cọ rửa đồ thờ và làm bao việc lặt vặt. Chẳng ai bảo ai, nhưng công việc cứ nhanh thoăn thoắt đâu vào đấy cả. Đây cũng là dịp để các bà, các cô thi nhau trổ tài nấu nướng. Với những ai mới về làm dâu trong họ thì đây còn là một dịp “sát hạch” về tài nội trợ. Nhiều bà được khen nhưng cũng có bà không tránh khỏi tiếng chê vì vụng về bếp núc hay trong ứng xử chưa phải phép.
Cỗ đã nấu xong, các cụ bà sắp đặt cẩn thận đồ ăn thức uống lên mâm đồng rồi dâng lên bàn thờ, hương khói nghi ngút. Lần lượt ông nội tôi rồi đến các ông, các bà trẻ khăn áo chỉnh tề, thắp hương khấn vái tổ tiên ông bà và cụ tôi.
Trong những năm chiến tranh ly tán, những đám giỗ linh đình như hồi tôi còn nhỏ đã giảm nhiều. Phần vì không có điều kiện tụ họp do đất nước hãy còn bị chia cắt, phần vì kinh tế khó khăn. Tuy vậy, đến ngày giỗ cụ tôi, mọi nhà vẫn đến thắp hương bàn thờ và làm mâm cơm cúng bình dị nhưng thành kính nhớ đến tổ tiên. Trong gia đình, cũng có nhiều người đi xa hoặc sống ở nước ngoài nhưng đến ngày ấy, ai cũng thắp nén hương trước bàn thờ ông bà tổ tiên để tưởng nhớ người đã khuất.
Bên cạnh đó, đám giỗ ông bác - anh ruột mẹ tôi, một y sĩ nổi tiếng ở Hà Nội - cũng là dịp gia đình, anh em chúng tôi lại tập trung về nhà anh trưởng, nơi đặt bàn thờ bác, để thắp hương và cả nhà lại tất bật làm một bữa cỗ thịnh soạn mời họ hàng. Nhà chật, trời mùa hè nóng. Đến ngày giỗ là phải trải chiếu phủ giấy báo xuống đất, ngồi kín cả gian nhà. Người nọ ngồi sát người kia, ăn xong bữa cỗ thì mồ hôi vã ra như tắm và chân mỏi nhừ vì phải ngồi bó giò cả buổi. Đồ ăn, thức uống thì ê hề và tuyệt ngon vì các bà chị tôi vẫn giữ được các kỹ thuật nấu nướng mà ông bác tôi truyền lại. Chỉ có cái khổ là nhà quá chật lại nằm trong ngõ giữa khu phố xưa của Hà Nội, có muốn dựng rạp cũng chẳng biết dựng vào đâu. Tuy chật, tuy nóng, nhưng mỗi lần về dự đám giỗ bác tôi là các anh chị em chúng tôi đều cảm thấy đầm ấm, quây quần bên nhau. Bác gái tôi tuy đã trên 90 tuổi, chỉ ngồi một góc giường, nhưng khi người thân về dự giỗ, trên mặt cụ vẫn rạng lên nét vui mừng vì được gặp lại họ hàng con cháu.
Chúng tôi ngồi ăn uống, cụng ly dưới sàn gạch hoa trải giấy báo và hướng lên bàn thờ nghi ngút khói hương, nơi bác tôi đang mỉm cụ cười hiền từ trong khung ảnh. Ai cũng cảm thấy trong giờ phút thiêng liêng ấy, bác tôi đang về với con, với cháu và gia đình. Những câu chuyện, những kỷ niệm vui buồn với ông lại tuôn ra như suối. Lũ trẻ con có đứa chưa hề biết ông là ai thì cứ nghệt mặt, vểnh tai ngồi nghe và tự hào vì cụ mình là một thầy thuốc tài giỏi và thương người.
Còn nhiều hình ảnh của đám giỗ mà không sao kể hết. Tôi chỉ nhớ đấy là một ngày hệ trọng nhất trong năm của gia đình dòng họ. Nhiều anh chị em họ tôi cả năm chỉ có một ngày ấy là được gặp mặt nhau. Sau này lớn lên, phiêu bạt khắp nơi, con đàn cháu đống cả nhưng mỗi lần hội họp, chúng tôi đều nhớ đến kỷ niệm của những ngày giỗ thuở xưa. Ông nội, bà nội tôi cùng thế hệ các cụ đều ra đi cả nhưng ký ức về người đã khuất và sâu đậm nhất là những ngày giỗ năm xưa thì chẳng bao giờ quên.
Theo Vũ Thế Long/Thanhnien.vn