Duyên Dáng Việt Nam

Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc - Người tiếp nối sự sống cho nhiều trẻ em sinh non

Hà My (TH) • 17-11-2020 • Lượt xem: 687
Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc - Người tiếp nối sự sống cho nhiều trẻ em sinh non

Nhà phát minh, doanh nhân, Trần Ngọc Phúc không chỉ có những đóng góp quan trọng cho ngành y tế Việt Nam, Nhật Bản mà còn cho cả thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 vừa rồi. Nói về những năm tháng học tập và nghiên cứu ở Nhật Bản, ông cho biết: “Đi học ở Nhật khó hơn các nước phương Tây vì vấn đề ngôn ngữ, nhưng học ở Nhật ta tìm thấy cái tinh thần gầy dựng một quốc gia, vượt qua các tai biến để vươn lên, rất gần với Việt Nam”.

Trần Ngọc Phúc và phát minh máy trợ thở cứu mạng hàng ngàn trẻ sơ sinh

Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947, trong một gia đình khá giả tại Huế. Năm 1968, ông sang Nhật du học, sau đó gia đình gặp biến cố, ông bặt tin gia đình mình trong 18 năm dài đằng đẵng. Xuất thân từ một gia đình có điều kiện, nhưng sau biến cố, ông phải vất vả làm đủ việc chân tay như cuốc đường, dọn dẹp ga tàu điện, phục vụ quán ăn... để tự trang trải cho việc học và cuộc sống của mình ở Nhật. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư đại học Tokai University, ông vào làm việc cho công ty Senko.

Năm 1982, ông phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird đã vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức.

Phát minh của ông đã tạo ra một bước ngoặt mới cho nền y tế. Trước khi có Hummingbird, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong; sau khi có chiếc máy này, 99,7% trẻ sinh non được cứu sống. 35 năm qua, các dòng máy trợ thở của doanh nghiệp đã cứu sống hàng triệu trẻ sinh non thiếu tháng tại Nhật Bản và hơn 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước ở châu Âu, Trung Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam.

Trước khi máy trợ thở HFO của Trần Ngọc Phúc ra đời, trong các ca sinh nở khó khăn, các bác sĩ thường phải lựa chọn hoặc mẹ hoặc con. Hoặc nếu cứu được cả 2 mẹ con thì đứa con cũng không phát triển được bình thường.

“Khi biết 90% các cháu sinh non sẽ qua đời, nếu sống cũng sẽ bị dị tật, tôi đã nghĩ mình phải làm gì đó. Tôi bắt tay vào nghiên cứu máy thở cho trẻ sinh non, lúc đó ở Nhật chưa có ai làm cả”.

Sự khác biệt trong máy trợ thở của Metran với các máy trợ thở trước đó là Hummingbird có khả năng khuấy đều CO2 và O2 trong phổi cùng lúc. Nó có khả năng kiểm soát CO2 rất tinh tế, với mức độ điều chỉnh nhỏ như sợi tóc, đưa lượng không khí nhỏ và khuếch tán nhanh phù hợp với nhịp thở của trẻ sinh non.

Mục tiêu của máy trợ thở là cứu được cả mẹ và cả con. Người mẹ sống không có di chứng, còn đứa bé thì phát triển khỏe mạnh. Đứa trẻ bé nhất ở Nhật được cứu sống chỉ nặng 265g, dùng máy trợ thở trong vòng 3 tháng, bé phát triển bình thường.

Với phát minh của mình, Trần Ngọc Phúc vinh dự được nhận nhiều giải thưởng danh giá.

Năm 1984, ông sáng lập Công ty Metran, giữ chức vụ tổng giám đốc và sau này là chủ tích.

Tháng 7/2012, Công ty Metran vinh dự được đón Nhật Hoàng Akihito ghé thăm và nói lời cảm ơn công ty vì đã cứu được nhiều sinh mạng là trẻ sinh non.

Tháng 11/2018, ông nhận Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng bạc từ chính phủ Nhật Bản cho những đóng góp to lớn của mình ở đất nước mặt trời mọc này. Metran hiện là hội trưởng Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản.

Nhà khoa học Trần Ngọc Phúc giới thiệu chiếc máy thở không xâm lấn, không nội khí quản JFLO của mình dành riêng cho Việt Nam.

Khởi nghiệp ở tuổi 70 và những quan niệm khởi nghiệp mới mẻ

Truyền lại cả gia tài của mình cho thế hệ trẻ, ông Trần Ngọc Phúc tiếp tục con đường khởi nghiệp của mình bằng cách mở phòng nghiên cứu mới để tiếp tục đam mê nghiên cứu, phụng sự cộng đồng.

Mục đích khởi nghiệp của ông là tìm những người bạn đồng hành mới, lập môi trường mới, và nếu như trước đây là để cứu thật nhiều trẻ sinh non thì giờ đây sẽ là ở lĩnh vực chăm sóc người già.

“Tôi trao lại Metran cho thế hệ trẻ hơn, để họ đi tiếp. Nếu tôi vẫn ngồi đó, họ sẽ phải nể nang, phải hỏi ý kiến mọi thứ và không được tự do, sáng tạo. Tôi cũng cần tìm môi trường khác để tiếp tục phát minh”, ông chia sẻ.

Mặc dù khởi nghiệp ở tuổi 70, nhưng đối với Trần Ngọc Phúc, tuổi tác không quan trọng. Ông tâm sự rằng: “Ở Nhật, người ta nói rằng tuổi thọ của con người bây giờ không phải 70 nữa mà 100 tuổi, 70 tính lại theo hồi xưa chỉ mới 40, 50 mà thôi. Vì thế tuổi tác không thành vấn đề”.

Đối với nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, một khi khởi nghiệp là phải dựa vào sức lực của mình, đã làm thì phải miệt mài thì việc mình làm sẽ có kết quả. Ông quan niệm rằng only one (giải pháp duy nhất) không quan trọng bằng next one (bước tiếp theo). Vì tất cả mọi thứ luôn luôn biến đổi, vì vậy nếu trong khởi nghiệp, bạn không có năng lực next one (triển khai bước tiếp theo) thì bạn sẽ bị mai một.

Bức ảnh kỷ niệm trong một lần Nhật Hoàng ghé thăm trụ sở công ty Metran của ông Trần Ngọc Phúc.

Luôn hướng về quê nhà

Mặc dù sống ở Nhật Bản tới nửa thế kỷ, người bạn đời cũng là người Nhật. Nhưng Trần Ngọc Phúc chia sẻ rằng trong gia đình ông “phe” Việt Nam lúc nào cũng đông hơn. Ông luôn một lòng hướng về quê nhà, và các con ông cũng mong muốn sau này lớn lên sẽ được làm việc tại Việt Nam.

Trong y khoa nước nhà, Metran Trần Ngọc Phúc có nhiều đóng góp đáng kể. Chiếc máy tần số cao đầu tiên được Metran tặng cho Bệnh viện Nhi Hà Nội cách đây gần 10 năm. Năm 2016, bệnh viện Từ Dũ được sử dụng máy thở HFO do Công ty Metran tài trợ.

Metran cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm ra loại máy trợ thở tốt hơn, phù hợp hơn cho người Việt Nam. Gần đây, ông cho ra mắt máy thở dành cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với trọng lượng nhỏ gọn và trong lần trở về nước dip tết vừa rồi, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc đã mang chiếc máy thở JFLO dành cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông nói rằng, nguyện vọng từ lâu của ông là làm một cái máy thở cho người Việt Nam. Chiếc máy này rất nhẹ, có thể đeo bên người.

Theo PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, cách đây nhiều năm, bệnh viện đã sử dụng máy giúp thở metran với giá thành thấp, nhưng có hiệu quả cao trong việc cứu sống nhiều bé sinh non tháng và cực non. Các bé sau đó có sức khỏe bình thường, phát triển tốt.

"Ngoài hỗ trợ máy, một điều đáng quý khác của ông Phúc là tấm lòng với quê nhà. Ông thường hỗ trợ hết mình cho các bác sĩ khoa sơ sinh của bệnh viện trong thời gian học tập ở Nhật Bản. Khi các bác sĩ gặp khó khăn trong việc đi lại hay quan hệ làm việc, ông Phúc sẵn sàng giúp đỡ, liên hệ chuyên gia đầu ngành ở Nhật Bản giúp các bác sĩ Việt thuận lợi hơn trong việc học tập, công tác" - ông Xuân chia sẻ.

Đặc biệt, trong đợt Covid-19 diễn tiến phức tạp vừa rồi công ty Metran đã chuyển giao thành công 2.000 chiếc máy thở MV20 cho Việt Nam với giá thành thấp nhất để phục vụ công tác điều trị dịch. Sản phẩm được lựa chọn để triển khai tại Việt Nam là một mẫu máy thở đơn giản với giá thành thấp, dễ sử dụng, có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn tuổi. 

Việc làm của ông đã giúp ích nhiều cho nước nhà và tạo được nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng cộng đồng người Việt.