VĂN HÓA

Nhà thờ Lớn Hà Nội - Kiến trúc tiêu biểu của thủ đô

Bài và ảnh: Hà Thành • 22-12-2022 • Lượt xem: 967
Nhà thờ Lớn Hà Nội - Kiến trúc tiêu biểu của thủ đô

Nhà thờ Lớn Hà Nội, hay ngắn gọn hơn là Nhà thờ Lớn – là cách gọi dân dã, quen thuộc của người Hà Nội khi nhắc tới công trình này, có tên chính thức là Nhà thờ chính toà Thánh Giuse. Đây là nhà thờ chính toà của Tổng giáo phận Hà Nội. Nhà thờ Lớn Hà Nội cũng là một trong những công trình Thiên chúa giáo được xây dựng sớm nhất ở Hà Nội và cũng là một trong những kiến trúc nhà thờ đẹp nhất.

 

Từ nền cũ chùa Báo Thiên và những thăng trầm của lịch sử

Khu đất xây dựng Nhà thờ Lớn ngày nay vốn trước có một ngôi chùa toạ lạc. Đó là chùa Báo Thiên, tên đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên Tự. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng, được coi là Quốc tự. Chùa  Báo Thiên được dựng từ thời Lý, dưới triều vua Lý Thánh Tông, vào năm 1057. Chùa Báo Thiên là một ngôi chùa lớn, cổ kính, tráng lệ, thuộc thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương (xưa gọi là phường Báo Thiên), bên ngoài Kinh thành Thăng Long. Suốt hai triều Lý - Trần khoảng gần 400 năm, chùa Báo Thiên là ngôi Quốc tự nổi tiếng, là trung tâm Phật giáo của Kinh đô Đại Việt.

Đầu thế kỷ 15, trong thời thuộc Minh, chùa Báo Thiên đã bị giặc Minh phá huỷ nặng nề, nhiều bảo vật quý giá bị thất lạc, mất mát, hư hỏng. Trong số đó có Tháp Báo Thiên được coi là 1 trong An Nam tứ đại khí (4 bảo vật của nước Nam)

Đến thời nhà Lê, chùa Báo Thiên được phục dựng, trùng tu, và vẫn là một ngôi chùa lớn. Cho tới cuối thế kỷ 18, Báo Thiên vẫn luôn được trùng tu bảo tồn và là nơi cử hành các nghi lễ Phật giáo cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà.

Gần cuối thế kỷ 18, chùa Báo Thiên bị hoả hoạn lớn, và bị huỷ hoại nặng. Các nhà sư di dời sang nơi khác. Chùa Báo Thiên trở nên hoang phế.

Năm 1873, sau sự kiện quân Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất; khu đất chùa Báo Thiên đã được người Pháp giao cho giám mục Puginier. Vị giám mục này đã cho dựng tạm vài ngôi nhà gỗ để ở và làm việc trên nền cũ chùa Báo Thiên.

Năm 1882, quân Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Tới năm 1883, theo yêu cầu của thống sứ Bắc Kỳ Raoul Bonnal, kinh lược Bắc Kỳ là tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã giao khu chùa cũ này cho giám mục Puginier để kiến tạo công trình Nhà thờ chính toà Hà Nội.

Công trình Nhà thờ mới trên nền chùa cũ được Giáo hội Công giáo cho xây dựng bằng gạch thay thế cho kiến trúc cũ bằng gỗ, trong khoảng từ năm 1884 - 1886, trong bối cảnh Hà Nội chuyển hình thái sang đô thị mới kiểu Phương Tây. Nguồn vốn xây dựng nhà thờ được huy động từ 2 đợt mở xổ số và các nguồn vận động khác. Công trình được khánh thành vào dịp Giáng sinh năm 1887. Thời gian mới hoàn thành, nơi đây còn hoang vắng. Phải tới năm 1890, phố Nhà Thờ mới được xây dựng từ nhà thờ hướng thẳng ra Hồ Gươm, và Nhà thờ mới có vị trí đắc địa và quan trọng trong không gian đô thị.

Nguyên thủy, nhà thờ có tên là “Nhà thờ chính toà Thánh Giuse” (thánh Giuse là cha nuôi của chúa Giêsu). Hiện nay công trình có địa chỉ tại số 40 phố Nhà Chung, Hà Nội, nằm liền kề với toà Tổng giám mục Hà Nội và nhiều cơ sở Công giáo khác.

Nhà thờ lớn - một trong những kiến trúc nhà thờ đẹp nhất Hà Nội

“Nhà thờ chính toà Thánh Giuse” được thiết kế theo phong cách Gothique châu Âu, chịu ảnh hưởng của công trình “Nhà thờ Đức Bà Paris” (Pháp). Vật liệu xây dựng chính là gạch đất nung, mái ngói đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m.

Công trình có bố cục mặt đứng đăng đối, chia làm 3 phần. Hai bên là hai tháp chuông cao vút lên, ở giữa là khối thấp hơn được kết thúc bằng đỉnh tường hình tam giác với cây Thánh giá tạo thành điểm nhấn. Phần lớn các cửa đi và cửa sổ trên mặt đứng chính đều sử dụng hình thức vòm cuốn nhọn Gothique điển hình. Riêng ở phần giữa có một cửa sổ tròn hình hoa, bên trên dưới cây thánh giá có một mặt đồng hồ cũng hình tròn. Theo phân vị và hệ thống cửa trên mặt đứng thì hai khối tháp chuông hai bên có chiều cao 5 tầng và khối giữa cao 3 tầng. Các trang trí cửa sổ và cửa đi trên mặt đứng theo hình thức Gothique nhưng vừa phải, không quá cầu kỳ, rườm rà.

Mặt bằng công trình có bố cục theo kiểu basilica truyền thống – mặt bằng hình chữ nhật có phần cuối hình bán nguyệt. Mặt bằng công trình chia làm ba phần theo chiều sâu từ lối vào: Sảnh đón tiếp phía trên có gác đàn (nơi dành cho ca đoàn và nhạc công ), không gian dành cho giáo dân hành lễ và Cung thánh là nơi cử hành các thánh lễ. Tuy mặt đứng được phân thành 3 nhịp song ở nội thất lại được chia làm 5 nhịp, với nhịp giữa rộng hơn gấp đôi so với các nhịp biên. Vòm mái trong nội thất cũng sử dụng hình thức vòm cuốn nhọn của kiến trúc Gothique. Hai hàng cửa sổ hai bên kiểu Gothique được thiết kế thành những nhóm 3 cửa, cao ở giữa, thấp hai bên tạo thành nhịp điệu liên hoàn. Các cửa sổ này đều sử dụng kính màu và nội dung là những bức tranh thánh. Những ô cửa này mang ánh sáng tự nhiên vào trong nội thất với những sắc màu ảo diệu.

Khu vực cung thánh ở cuối cùng và các ban thờ được trang trí bằng gỗ chạm trổ hoa văn sơn son thiếp vàng có tính nghệ thuật dân gian truyền thống hết sức độc đáo. Cung thánh nằm chính giữa có hình bán nguyệt là ban thờ Thánh Giuse, hai bên có ban thờ Thánh Alton và ban thờ các Thánh tử vì đạo. Tại ban thờ Thánh Giuse, có bức tượng Thánh cao hơn 2m; phía trên là những ô cửa kính màu lớn bố trí theo mặt bằng vòng cung. Ở giữa phần không gian hành lễ, nằm về hai phía còn có ban thờ Đức Mẹ và ban thờ “Lái tim chúa Giesu”. Các ban thờ này đều có tranh trí nội thất thống nhất với nhau bằng chất liệu gỗ, kết hợp với các ô cửa kính màu.

Đặc biệt, ngay trong lòng thánh đường còn có 3 ngôi mộ của 3 vị Hồng y nằm phía trên gần cung thánh. Đó là mộ của Hồng y Trịnh Như Khuê (nằm giữa), Hồng y Phạm Đình Tụng và Hồng y Trịnh Văn Căn (nằm hai bên).

Hai tháp chuông nhà thờ có bộ chuông gồm 5 quả chuông, với 1 quả chuông boòng lớn và 4 quả nhỏ, được kết nối với đồng hồ để báo khắc, báo giờ.

Trước Nhà thờ có một quảng trường nhỏ với tượng Đức Mẹ, làm tăng thêm giá trị cảnh quan cho công trình.

Về tổng thể, công trình mang phong cách kiến trúc Gothique châu Âu, nhưng lại có sự kết hợp với kiến trúc bản địa, thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung, hệ thống trang trí nội thất đậm chất truyền thống Việt Nam. Và do đó, nó là sản phẩm của sự giao lưu văn hoá Đông - Tây hết sức đặc sắc.

Trải qua hơn 100 năm cùng những thăng trầm của thời gian và cả chiến tranh, Nhà thờ Lớn vẫn tồn tại và là một trung tâm hoạt động Công giáo của thủ đô và các vùng phụ cận. Công trình được coi là kiến trúc Nhà thờ tiêu biểu, và là một trong những nhà thờ Công giáo đẹp nhất của Hà Nội và cả nước. Nhà thờ Lớn cũng là công trình đánh dấu một giai đoạn phát triển đô thị đặc biệt của Hà Nội và là kiến trúc tiêu biểu của thủ đô.