Duyên Dáng Việt Nam

Nhân loại đớn đau

Nguyễn Công Khế • 06-08-2021 • Lượt xem: 2043
Nhân loại đớn đau

Kể từ đầu thế kỷ 20, cúm Tây Ban Nha 1918 - 1919, có 500 triệu người nhiễm, số chết ước tính lên đến hàng trăm triệu. Nay COVID - 19 xuất hiện, cũng đã gần hai năm, và còn có thể kéo dài, hơn hai trăm triệu người nhiễm, hơn bốn triệu người chết. Đại dịch này, khủng khiếp. Thế giới văn minh có thể rồi sẽ chế ngự được nó...

Tin và bài liên quan: 

Những quả trứng gà quê

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, 'như một lời chia tay'

Nguyễn Công Khế, nhà báo có trái tim nghệ sĩ

Phát biểu khai mạc VCK U.21 Quốc gia 2020 của nhà báo Nguyễn Công Khế

Cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau...

(Trịnh Công Sơn)

Thực ra tôi chẳng muốn sống và chọn để được sống ở những năm tháng như hiện tại, nếu như tôi được chọn.

Cho dù những cuộc sống này cho tôi được rất nhiều thứ. Ví dụ, hồi nhỏ, tôi mơ ước muốn lớn lên được làm anh nhà báo. Tôi đã được. Khi tôi đang ở trong tù, tôi mơ ước được tự do. Tôi đã được. Tôi muốn khi lớn lên, lập gia đình, có con có cháu, mạnh khỏe, đẹp, thông minh, không hư hỏng. Tôi được. Tôi muốn khi lớn lên lập nghiệp, tôi muốn đủ sức khỏe đi làm để nuôi được Mẹ mình, lúc Mẹ tôi bị thương vì một mảnh đạn đại bác, tưởng như phải cưa cái chân phải. Khi đi làm, muốn làm việc để có được một tờ báo hay, nhiều người đọc, hữu ích. Cũng được. Khi tôi có ý định nuôi chim yến, lấy tổ. Ông Trời đã cho tôi nhiều tổ yến,thu nhập bất ngờ. Khi cha con tôi xa nhau 20 năm tôi muốn gia đình được sum họp. Tôi đã được... 

Thế mà tôi vẫn cảm thấy buồn, rất buồn nữa, là đằng khác.


Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh: Dương Minh Long)

Thế hệ chúng tôi, như anh Trịnh công Sơn thường kể: Có thể, mình làm được nhạc hay, vì mình thất tình nhiều. Nhiều khi, mình yêu một cô gái, muốn nắm tay họ cũng không phải dễ. Các cô gái mình yêu thầm, trên đường họ đi học về, mình nấp sâu trong ngõ hẻm, để nhìn trộm họ, si mê, say đắm.

Các nhạc sĩ của chúng ta thời đó để lại những tuyệt phẩm, mà chúng ta đang thưởng thức hôm nay, họ chỉ mới 19-20 tuổi đã sáng tác ra những ca khúc rụng rời tay chưn như vậy. Suối mơ, Đàn chim Việt, Làng tôi, Quê nghèo. Tình ca, Con thuyền không bến, Ướt mi, Thương một người, Những ngày xưa thân ái, Cô láng giềng ơi, Mùa thu không trở lại, Xa khơi, Những đồi hoa sim (phồ thơ Hữu Loan)...

Nay, văn minh. Chúng ta có tất cả, nhưng có những điều ta mất hết, mất trắng tay luôn. Đó là sự lãng mạn, sự chờ đợi nhẫn nại của những cặp tình nhân, sự lễ phép của cô cậu học trò trước người lớn, sự mất đi của những xóm làng lúa xanh tận chân trời để nhường cho tốc độ đô thị hóa...

Ta bay từ Paris sang New York trong mấy tiếng đồng hồ. Khi về Việt nam sống lâu dài, ông Phạm Duy nói: Cali hiện nay là ngoại ô của Sài Gòn, vì giờ bay chỉ là một giấc ngủ. Con cái chúng ta đi du học dễ dàng hơn trước nhiều. Nói chuyện với nhau trên trái đất này, không chỉ bằng điện thoại mà có cả livestream, như ngồi trước mặt nhau. Một người làm báo như tôi, cách nay trên vài ba mươi năm, còn ngơ ngác khi một anh bạn ở Tây Đức lúc đó, bảo rằng biên tập bài trên máy tính và chuyển qua nhà in luôn để cho ra tờ báo giấy, nay người ta đọc báo trên điện thoại, tin mới được đưa lên từng phút một, chứ không thể tưởng tượng ngồi chờ đánh morse chậm chạp tại các bưu điện.


Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Hữu Loan tại quê nhà Thanh Hóa (Ảnh: Phong Quang)

Thế nhưng, cái giá của sự văn minh đó được trả không phải là nhỏ. Bây giờ, một thằng nhóc con vô lại, muốn chà đạp một người đạo đức, không khó. Cũng chỉ cần cái điện thoại thông minh, nó đánh vài chữ vào đó, chửi cả nhân loại, nó sẵn sàng nói Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh công Sơn là những tay đạo nhạc, lôi kéo đời tư tự bịa ra để mắng chửi. Bịa đặt từ Âu sang Á, thế nhưng có những thằng trong số đó đạt view lại rất cao, có khi hàng triệu người đọc và theo dõi.

Giới trẻ, tôi không bao giờ vơ đũa cả nắm, nhiều người thành đạt, ngoan ngoãn lễ phép, kính trên nhường dưới. Nhưng cũng như xã hội của họ đang sống, những tác động của những gương xấu, tác động của khoa học công nghệ mới, bỗng thấy có vũ khí trong tay. Muốn phản ứng trả thù ai là có sẵn fb và mạng xã hội. Người văn minh dùng mạng xã hội để có kiến thức, để lưu tìm tư liệu, để được đọc những tác phẩm hay của nhân loại. Bên cạnh đó, một số khác sử dụng cho mục đích muốn trả thù những người mình cho là kẻ thù, sự dối trá lên ngôi, con người công nghệ cao còn có cả mục đích lừa đảo, tống tiền nhan nhản trên mạng. Có kẻ muốn háo danh, tham sân si đều có mặt trên những nền tảng công nghệ văn minh.

Thế nên, nhiều người tin tâm linh nói với tôi: con người phải trả giá vì sự nhẫn tâm và ác độc của mình. Nạn phá rừng, phá hoại môi trường sống, chặn nguồn nước tự nhiên cho những nguồn năng lượng một cách không giới hạn, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc tăng trưởng cho gia cầm, chế tạo ra loại bom mìn sát thương cao... Tất cả những gì con người cho “vay nặng lãi" giờ phải đến ngày trả. 

Trả đây là trả cái gì, như các bạn từng thấy, Phật giáo, người ta gọi là "nhân quả". Dịch cúm Vũ Hán nổi lên, rồi biến chủng Delta Ấn, con người văn minh đối phó cực vất vả như chưa bao giờ. Kể từ đầu thế kỷ 20, cúm Tây ban Nha 1918-1919, có 500 triệu người nhiễm, số chết ước tính lên đến hàng trăm triệu. Nay COVID-19 xuất hiện, cũng đã gần hai năm, và còn có thể kéo dài, hơn hai trăm triệu người nhiễm, hơn bốn triệu người chết. Đại dịch này, khủng khiếp. Thế giới văn minh có thể rồi sẽ chế ngự được nó, buộc nó trở thành một loại cúm thông thường, dễ trị hơn. 


Nhà báo Nguyễn Công Khế, Trưởng ban tổ chức chương trình "Thư tình gửi một người" tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt, 4.2017 (Ảnh: Một Thế Giới)

Nhưng sự xuất hiện của nó, thật là hiếm thấy, khủng khiếp nhất, từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha, vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20.

Con người lại tiếp tục “cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau”, nhưng quan trọng bậc nhất vẫn là nhân loại sẽ rút ra bài học gì cho con người trong xã hội cực văn minh hiện nay, đã đánh mất đi rất nhiều giá trị của quá khứ, những giá trị không thể bị mai một, và dễ bị thay thế đến như vậy. 

Hỡi người!

4.8.2021

Nguyễn Công Khế 

(*) Chú thích ảnh chính: Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chủ đề "Nối vòng tay lớn' tổ chức tại TP.HCM tối 22.4.2016. 
(Ảnh: báo Một Thế Giới).