Duyên Dáng Việt Nam

Những ngày xưa thân ái

Nguyễn Đông Thức • 05-02-2019 • Lượt xem: 6330
Những ngày xưa thân ái

Nhà văn Nguyễn Đông Thức có mẹ là nhà văn Bà Tùng Long. Ông học được ở bà tính siêng năng trong nghề viết, Nguyễn Đông Thức được xem là “lực điền trên cánh đồng chữ” của thế hệ ông. Vậy nhưng, dù viết rất nhiều ông vẫn không thể so với mẹ mình trong lao động nghề văn. Bài viết tản mạn ngắn dưới đây của ông về Tết, đánh thức trong ta nhiều ký ức khó phai mờ về ngày đầu năm.

Ngày này hồi xưa là 4 anh em tôi lại đem các bộ lư đồng trên bàn thờ xuống chùi cho sáng bóng. Có một bộ lư, bốn cặp chân đèn cầy, một cái đế cắm nhang khoanh hoặc đốt trầm...

Đầu tiên là loại công việc tương đối nhẹ nhàng, được giao cho thằng em út là tôi. Đó là dùng dao cạo sạch những vết đèn cầy trên bốn cặp chân đèn bằng đồng, nhất là trên bốn cái dĩa. Sau đó lau chùi cho sạch sẽ. Bột chùi đồ đồng được pha với nước (sau có nước thuốc pha sẵn trong chai) rồi dùng vải thấm, chà mạnh lên các món cần đánh bóng. Cho đến khi chúng ra ten xỉn màu thì đem ra phơi nắng, đặt trên mấy tờ báo. Khoảng mười lăm hai mươi phút đem vô dùng giẻ sạch chà mạnh lên. Mọi thứ trở nên mới toanh, sáng bóng.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức

Nhà có 4 con trai, 5 con gái, vậy mà không hiểu sao những việc liên quan đến thờ cúng chỉ bọn con trai được làm. Kể cả xếp giấy vàng bạc, từng tờ một gấp làm bốn, kỹ lưỡng, chứ không phải để nguyên như bây giờ. Những tờ giấy khổ lớn, đủ màu, được coi như vải vóc may áo dài, khi xếp màu lem đầy tay...

Phụ nữ thì từ trước đó nhiều ngày, dưới sự chỉ huy của má tôi, lo làm dưa món, củ kiệu ngâm dấm, mứt dừa mứt bí...

Tiếng pháo bắt đầu nổ từ 28, 29 Tết, và rộ lớn từ trưa 30 đón ông bà về. Lúc đó bọn tôi đứa thì đi lụm pháo lép về chơi (bẻ ngang gập lại rồi đốt cho thuốc pháo xẹt ra lửa, hoặc khui đít lấy ra thuốc pháo để dành làm pháo thăng thiên), đứa thì đi chơi bầu cua, chơi cá ngựa trong xóm... Riêng nhà tôi, như nhiều gia đình miền Trung, rất thích chơi xăm hường. Có nguyên bộ xăm hường bằng ngà, với sáu hột xí ngầu. Những tiếng hô “nhứt hường!” (có một mặt tứ hiện ra sau khi đổ, tương đương với việc được lấy ra một thẻ Tú tài), “nhị hường!” (Cử nhân), “tam hường!” (Bảng nhãn, Thám hoa), “tứ hường!” (Trạng nguyên), rồi “ngũ hường!” (Giựt trạng) và “lục hường!” (6 hột xí ngầu cùng mặt tứ, chưa từng thấy, nghe nói hốt hết!) vang lên không ngớt, sau những tiếng đổ hột rất vui tai. Luật chơi xăm hường hơi phức tạp, những mặt hột khó (hai cặp hoặc ba cặp giống nhau, tứ quý, suốt...) đều được ăn hoặc giựt lại những quân lớn.

Chán xăm hường, thì cả nhà lại quay ra chơi bài các-tê (6 lá), bài cào (3 lá), xì dách (2 lá)... Hồi bà ngoại tôi còn sống, bà đánh các-tê thuộc hàng siêu, tiếng cười sảng khoái của bà mỗi khi ăn heo (các-tê có nuôi heo từng bàn, ăn mỗi khi thắng rục tùng cả làng) hoặc bắt trúng quân bài con 3 ăn con 2 ở dưới lúc chưng (ăn gấp 4 lần) tới giờ tôi vẫn không quên!

Trong khi chơi, tha hồ cắn hột dưa, ăn mứt dừa mứt bí. Nước ngọt có Con Cọp, Con Nai (Phương Toàn), Bierley’s...

Trong lúc đó, cánh phụ nữ thì tất bật nấu, dọn mâm cúng tinh tươm các món.

Tới giờ đón ông bà thì tất cả dừng chơi, mặc quần áo mới. Thầy tôi khăn đóng áo dài trịnh trọng ra đứng thắp nhang khấn vái, vợ con đứng sau lưng và 2 bên khoanh tay kính cẩn, trong tiếng pháo giao thừa vang dậy nơi nơi, báo hiệu thời khắc thiêng liêng của đất nước, gia đình đã đến...

Anh lớn của tôi đỡ lấy mấy cây nhang, cắm vào lư hương. Rồi châm rượu vào 3 cái ly nhỏ, đủ 3 tuần. Cả nhà bắt đầu lần lượt từ lớn đến nhỏ đến trước bàn thờ, con trai thì quỳ, con gái thì ngồi xếp bằng, để lạy tổ tiên... Riêng phụ nữ ngày nào dơ mình thì không được cúng.

 

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Rồi ông anh lớn (Trạch Gầm) đi lính, bàn giao cho anh kế (Nguyễn Đức Lập)...

Rồi thầy tôi mất, việc cúng bái mình mẹ lo...

Càng ngày các thủ tục đón rước ông bà càng thưa dần. Thầy mẹ giờ đều trên bàn thờ. Ông cả giờ ở Mỹ. Anh Lập và chị Nghi Xương đã mất. 4 anh chị em khác đều ở xa. Để hôm nay chỉ còn 3. Ông anh kế nữa (Thach Nguyen Duc) phải hỏi tôi, “đón ông bà thì quay mặt ra ngoài mâm lễ vật hay vào trong?”. Tôi nói đại, “ông bà đang ở ngoài đường mà, mình phải quay ra ngoài mời ông bà vô chứ!”. 

Nói vui vậy thôi, chứ mỗi cuối năm, chợt thấy ngậm ngùi khi nhớ lại những ngày xưa thân ái, nhất là khi giờ đây nhà cứ vắng dần...