Duyên Dáng Việt Nam

Phim 'Mẹ Chồng': Những đắp đổi hào nhoáng

Lâm Hạnh • 30-11-2017 • Lượt xem: 7328
Phim 'Mẹ Chồng': Những đắp đổi hào nhoáng

Đạo diễn Lý Minh Thắng bắt tay vào làm phim Mẹ Chồng sau khi đã có ít nhiều thiện cảm của khán giả qua phim Sài Gòn, Anh yêu em. Riêng Mẹ Chồng, Thắng gặp khá nhiều thuận lợi khi có được dàn diễn viên nổi tiếng trong làng giải trí và một chiến lược PR khá tốt. Thế nhưng, những gì mà anh đạo diễn này làm chỉ là cho khán giả thấy được sự hào nhoáng bên ngoài qua phục trang và các cảnh quay hơn là nội dung kịch bản và diễn xuất của diễn viên.

Trong nghệ thuật, dường như không có đề tài nào mới và cũng không có đề tài nào dở hay cấm kỵ, vấn đề là người nghệ sĩ sẽ kể câu chuyện ấy như thế nào. Đề tài về mẹ chồng - nàng dâu ở xã hội Việt Nam với cái ý được lẩy ra: vì định kiến, đôi khi chính phụ nữ làm khổ phụ nữ chứ không phải ai khác. Vì rằng, người phụ nữ nào trước khi trở thành mẹ chồng đều đã là một nàng dâu, họ hiểu những ràng buộc gia giáo, những định kiến xã hội làm họ... mệt như thế nào nhưng rồi chính họ lại áp dụng những điều đã làm mình đau khổ cho người phụ nữ khác, chứ không phải là sự cảm thông. Người phụ nữ không dám bứt phá cái vòng kim cô kìm hãm hạnh phúc của đời mình. Khi là con dâu họ sợ hãi nhà chồng nhưng khi trở thành mẹ chồng thì họ lại một lòng phụng sự cho gia tộc nhà chồng. Câu chuyện lẽ ra sẽ dễ chạm vào cảm xúc của khán giả, nhất là những người phụ nữ Việt Nam, bởi phần đông ai cũng có những nỗi niềm khi sống ở nhà chồng. Tiếc là, Lý Minh Thắng không kể tốt câu chuyện của mình, không có gì được giải quyết tới nơi. 

Phim xoay quanh cuộc đời Ba Trân (Thanh Hằng) từ khi là cô dâu mới về làm chồng cho tới khi trở thành một bà mẹ chồng khắc nghiệt. Bối cảnh lớn và câu chuyện của phim xảy ra tại Đại Điền - cơ ngơi gia tộc họ Huỳnh giàu có - vào những năm 1945 - 1950 với thân phận của những người phụ nữ: Hai Lịnh (Diễm My), Ba Trân (Thanh Hằng), Bảy Lợi (Ngọc Quyên), Tư Thì (Lan Khuê), Tuyết Mai (Midu)...

Những người phụ nữ thuộc về ba thế hệ nhưng khán giả không thể thấy được suy tư và ý thức của ba thế hệ này khác nhau như thế nào, hoặc nếu có thì nó chỉ vô tình lóe lên một chút rồi tắt ngấm. Người xem chờ đợi sự "bứt phá" của Tuyết Mai - một cô gái tân thời được đi học ở Sài Gòn - nhất là khi người yêu của cô trên Sài Gòn giờ đã trở thành em chồng để đẩy mạch phim lên. Thế nhưng, tiếc là điều đó cũng chỉ mở ra chút xíu rồi đóng lại, Tuyết Mai lấy chồng không phải vì tình yêu nhưng gần như không có một chút dằng xé nào khi cô gặp lại người yêu cũ. Lúc tưởng chừng cô sẽ vùng lên phản kháng mạnh mẽ bà mẹ chồng nhưng cũng chỉ đôi ba câu thì lại khuất phục. Khán giả cũng không thấy được tận cùng nội tâm của Ba Trân khi phải gồng mình chống chọi với bao nhiêu thứ bủa vây: chồng mất sớm, mẹ chồng khắt nghiệt, tình cảm trai gái của riêng mình, một đứa con chậm phát triển và sự ích kỷ trong bản thân mình...

Không hiểu sự hời hợt, qua loa này xuất phát từ kịch bản hay từ diễn xuất của diễn viên? Có lẽ cả hai, kịch bản không đủ chiều sâu tâm lý nhân vật để diễn viên bám vào khai thác và diễn viên cũng không đủ bản lĩnh để diễn tả nhân vật theo nét riêng của mình. Chính vì vậy, diễn xuất của diễn viên chưa gây được ấn tượng với khán giả, từ diễn viên có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nhất là Diễm My cho tới kiểu diễn "trước sau như một" như Lan Khuê. Sự cố gắng của Thanh Hằng cũng chỉ cho thấy diễn xuất nổi trội của cô so với các diễn viên khác trong phim chứ chưa đủ làm cho nhân vật Ba Trân trở nên nổi trội trong mắt khán giả. Vậy thì bộ phim có gì? Đôi ba bộ đồ, đạo cụ diêm dúa, kiểu trang điểm, làm tóc cầu kỳ cho các nhân vật và các cảnh quay cho thấy sự hào nhoáng bên ngoài để đắp đổi cho sự hời hợt cho nội dung của bộ phim và diễn xuất của diễn viên.