Duyên Dáng Việt Nam

Rimbaud với Verlaine, 'Tình trai' hay 'Con tàu say' thi sĩ

Đinh Bá Truyền • 03-12-2021 • Lượt xem: 6031
Rimbaud với Verlaine, 'Tình trai' hay 'Con tàu say' thi sĩ

Nhà nghiên cứu, dịch giả Đinh Bá Truyền vừa gửi đến cho DDVN bài viết về hai thi sĩ Rimbaud với Verlaine.  Anh có những nhận xét khá sắc sảo: "Nếu Roméo và Juliette là biểu tượng của tình yêu nam nữ, thì 'tình trai' Rimbaud với Verlaine qua bộ phim 'Total Eclipse' lại trở thành biểu tượng của giới LGBT". Trân trọng giới thiệu bài viết này.  

Tin và bài liên quan: 

Tiên học lễ, hậu học văn - GS. Trần Văn Thọ

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, những khát khao sáng tạo mới

Nhà biên khảo Phan An Sa và tác phẩm nghiên cứu cuối cùng về Phan Khôi

Kraun Sinhapura, sông Thu Bồn xưa và tam giác châu thổ - Bút ký Đinh Bá Truyền

Sống đẹp: 'Con trai, Ba đang ở trên toa cuối'-Đinh Bá Truyền (dịch)

Ngày 26 tháng 6 năm 2015, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết công nhận hôn nhân đồng tính là hợp pháp trên toàn quốc. Cộng đồng LGBT (tên viết tắt của người đồng tính luyến ái nữ - Lesbian, đồng tính luyến ái nam - Gay, song tính luyến ái - Bisexual và hoán tính -Transgender) đã đồng loạt xuống đường ăn mừng với lá cờ "cầu vồng lục sắc" trên tay. Nếu "Roméo và Juliette" là biểu tượng của tình yêu nam nữ, thì tình trai "Rimbaud với Verlaine" qua bộ phim "Total Eclipse" lại trở thành biểu tượng của giới LGBT.

Tình trai của họ khởi đầu khi chàng thanh niên 17 tuổi Arthur Rimbaud viết thư gửi cho Paul Verlaine, một nhà thơ tượng trưng đã nổi danh trên văn đàn Paris. Rimbaud đã gửi một số bài thơ theo phong cách mới trong đó có bài "Con tàu say" (Le Bateau Ivre) và bài "Người ngủ trong thung lũng" (Le Dormeur du Val) mô tả Thiên nhiên được chiêu ra để an ủi người lính chết trận dường như đang ngủ. Ấn tượng mạnh bởi sức sáng tạo trong thơ Rimbaud, Verlaine viết thư trả lời: "Đến đây, linh hồn vĩ đại yêu dấu. Chúng tôi chờ đón bạn. Chúng tôi mong muốn bạn". Kèm theo thư hồi âm là chiếc vé tàu một chiều đến Paris.

Cuối tháng 9 năm 1871, Rimbaud đến nhà Verlaine và họ lập tức quấn lấy nhau. Lúc đó vợ của Verlaine, Mathilde Mauté de Fleurville, mới mười bảy tuổi và đang mang thai, còn Verlaine thì vừa bỏ việc và bắt đầu nghiện rượu. Cuộc hội ngộ định mệnh giữa "thấu thị gia" Rimbaud và "hoàng tử của thi ca" Verlaine đã mở đầu cho mối tình trai bất hủ của "hai chàng thi sĩ choáng hơi men". Vì người thân trong nhà Verlaine không tài nào chịu nổi tính ngạo mạn, cộc cằn, lập dị và thô lỗ của Rimbaud nên Verlaine đành phải gửi thi hữu của mình đến trú ngụ tại nhà của một người quen. Verlaine thường xuyên bỏ bê vợ để cùng với Rimbaud lao vào những cuộc ăn chơi thác loạn bằng rượu absinthe (rượu pha tinh dầu ngải đắng) và thuốc hashish (thuốc lá trộn đọt gai dầu Ấn Độ). Họ sống lang thang, hoang dã và làm thơ. Giới văn nghệ sĩ Paris cực kỳ chướng mắt trước mối tình đồng giới đó. Cặp thi nhân đồng tính này phải chịu đủ mọi búa rìu dư luận.

Mối quan hệ sóng gió của họ cuối cùng đã mang họ đến London vào tháng 9 năm 1872. Trong thời gian này, Verlaine chính thức bỏ vợ và đứa con trai đầu lòng. Ở Anh, họ sống trong cảnh cơ hàn với nguồn thu nhập ít ỏi từ việc dạy tiếng Pháp của Verlaine và một khoản trợ cấp từ mẹ Verlaine. Rimbaud chẳng đi làm, suốt ngày giam mình trong phòng đọc sách của Bảo tàng Anh quốc nơi "hơi ấm, ánh sáng, bút và mực đều miễn phí" để sáng tác. Đây chính là quãng thời gian mà Rimbaud với Verlaine viết nên những bài thơ hay nhất trong đời. Tuy thế, mối quan hệ của họ trở nên tồi tệ vì tính khí thất thường của Rimbaud. Hết chịu nổi, vào cuối tháng 6 năm 1873, Verlaine trở lại Paris rồi đi Brussels một mình. Túng tiền, Rimbaud đã viết hàng chục bức thư cầu xin Verlaine trở lại London.

Ngày 8 tháng 7 năm 1873, Verlaine gửi điện cho Rimbaud, yêu cầu Rimbaud đến khách sạn Liège ở Brussels để gặp nhau. Nhưng quan hệ của họ xấu đi nhanh chóng, họ thường xuyên gây gỗ với nhau. Verlaine trốn mình trong men rượu say. Vào sáng ngày 10 tháng 7 năm 1873, Verlaine đã mua một khẩu súng và đạn dược. Chiều hôm đó, trong cơn say điên loạn, ông đã bắn hai phát vào Rimbaud, một viên trúng vào cổ tay trái. Verlaine bị buộc tội âm mưu giết người và ngày 8 tháng 8 năm 1873 bị tòa kết án hai năm tù giam.

Trong thời gian ở tù, Verlaine đã sáng tác tập "Khúc lãng ca không lời" (Romance sans Paroles), trong đó có những câu dành tặng Rimbaud: "Này là trái, là hoa, là lá, là cành/ Là trái tim tôi thổn thức chỉ vì em". Còn Rimbaud trở về quê nhà ở Charleville và hoàn thành tác phẩm thơ văn xuôi "Một mùa địa ngục" (Une Saison en enfer) - một tác phẩm tiên phong của trường phái tượng trưng. Trong thơ, Rimbaud gọi Verlaine là "trinh nữ điên rồ" (vierge folle), và ví chính mình là "người chồng quỷ quái" (l'époux infernal).

Năm 1874, Rimbaud trở lại London cùng với nhà thơ Germain Nouveau và bắt đầu viết tập thơ "Thiên khải" (Illuminations). Chối bỏ tư duy duy lý cổ điển, Rimbaud lấy ảo giác làm chất liệu sáng tác. Đi xa hơn những nhà thơ tượng trưng cùng thời, trong "Một mùa địa ngục" (Une Saison en enfer) và "Thiên khải" (Illuminations), Rimbaud thường xuyên sử dụng thủ pháp liên tưởng ngẫu nhiên và bất định nhằm khai phá đến tận cùng phần hồn của vạn vật. Đối với Rimbaud, nhà thơ là "vị thánh sống" có đầy đủ quyền năng để sáng tạo ra trong thơ một thế giới hoàn toàn mới. Sau này, Thanh Tâm Tuyền cũng từng mượn ý thơ của Rimbaud khi viết:

"Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy

bởi vì người vào trong đất đai của tôi

người hoàn toàn tự do

để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục

nếu người muốn nhập lãnh thổ

người hoàn toàn tự do

và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ"

Tháng 2 năm 1875, Verlaine ra tù, hai chàng thi sĩ còn gặp nhau một lần nữa tại Stuttgart, nhưng tình cảm đã nguội lạnh, họ vĩnh viễn chia tay nhau. Vào tuổi 20, Rimbaud chính thức gác bút và đi lang thang khắp châu Âu rồi sang tận Indonesia. Năm 1880, Rimbaud phiêu bạt đến các nước châu Phi (Ai Cập, Ethiopia, Yemen) để buôn súng, buôn cà phê và da thú. Tháng 2 năm 1891, bị bệnh ung thư xương phải quay trở về Pháp, đến tháng 10 Rimbaud qua đời trong một nhà thương thí ở Marseille vào tuổi 37. Mặc dù sống một cuộc đời ngắn ngủi, và thời gian sáng tác còn ngắn hơn nữa, nhưng Arthur Rimbaud đã đánh dấu một bước tiến lớn trong nền văn học Pháp, ông được André Breton gọi là “Chúa trời của lứa tuổi hoa niên”. Sang thế kỉ XX, các nhà thơ như Guillaume Apollinaire, André Breton, P. Soupault, P. Éluard … đã tiếp nối mạch thơ của Arthur Rimbaud để hình thành nên một xu hướng mỹ cảm thơ ca mới, đó là chủ nghĩa siêu thực hiện đại.

Về phần Verlaine, sau khi chia tay với Rimbaud, ông trở lại Pháp, tiếp tục chuỗi ngày say sưa và cặp bồ với nam sinh viên Lucien Létinois. Những năm cuối đời, Verlaine bị bệnh tật hành hạ, phải nhập viện luôn. Verlaine trút hơi thở cuối cùng trong men rượu say vào ngày 8 tháng 1 năm 1896, khi mới ở tuổi 52.

Sau khi qua đời, Rimbaud với Verlaine đều được tôn vinh như là những nhà thơ lớn nhất của nước Pháp giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Là "Cha" và "Mẹ" của trường phái thơ tượng trưng, Rimbaud với Verlaine có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của thi ca hiện đại Pháp. Ở Việt Nam, Rimbaud với Verlaine là niềm cảm hứng bất tận cho các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, nhóm Dạ Đài và cả nhóm Sáng Tạo sau này.

Đinh Bá Truyền 

TUYỂN MỘT SỐ THƠ  RIMBAUD VÀ VERLAINE - (Đinh Bá Truyền chuyển ngữ) 

ĐÊM ĐẦU TIÊN

Nàng gần như khỏa thân
Cây cổ thụ bần thần
Mắt lá xuyên ô kính
Tình tứ gần, thật gần.

Nàng ngồi trên ghế tựa,
Tay đan trước khuôn vàng,
Nhịp lên sàn thỏa mãn
Bàn chân nhỏ mịn màng.

Trên làn da sáp mượt,
Tia sáng từ bóng râm
Vờn lên môi hàm tiếu,
Lên ngực điểm nụ hồng.

Tôi hôn lên mắt cá.
Em bất thần cười vang
Nụ cười xinh thánh thót,
Như tinh thể giòn tan.

Bàn chân trốn dưới váy
Như muốn nói: "ngừng nhanh!"
Sau lần đầu bạo dạn,
Em cười phạt vờ anh.

Tôi ôm nàng run rẩy,
Hôn mắt dịu lả lơi.
Nàng nghiêng đầu nũng nịu:
"Oh! sao sướng rã rời!...

Chàng ơi, ngần ấy thôi ..."
Tôi hôn đôi ngực trần
Làm em cười rũ rượi
Như bén mùi ái ân.

Nàng gần như khỏa thân
Cây cổ thụ bần thần
Mắt lá xuyên ô kính
Tình tứ gần, thật gần.

Arthur RIMBAUD

CẢM GIÁC

Chiều xanh mùa hạ tôi đi,
Cỏ hoa dẫm nhẹ, lúa mì xót tay:
Dưới chân hơi mát mượt dày,
Gió tung mái tóc, ngấy ngây mộng vàng
Vô tư chẳng nói chẳng rằng:
Nhưng tình bất tận trào dâng trong hồn,
Lang thang như gã cô hồn,
Giữa Thiên nhiên sướng tựa còn gái theo.

Arthur RIMBAUD

KHÚC CA TỪ THÁP CAO

Đến đây, cứ đến đây
Thời gian làm người say

Nỗi đợi chờ nhẫn nhục
Làm sao quên được ngay
Đớn đau cùng sợ hãi
Tan biến trên tầng mây
Cơn khát nào hư đốn
Che tối huyết mạch này

Đến đây, cứ đến đây
Thời gian làm người say

Như đồng xanh cỏ mượt
Nơi quên lãng vùi thây
Lớn lên rồi nở rộ
Bằng hương quyện cỏ tùng
Rì rầm dữ tợn hung
Từ đám ruồi ô uế

Đến đây, cứ đến đây
Thời gian làm người say ....

Arthur RIMBAUD

TRONG TIM TÔI RẢ RÍCH

Trong tim tôi rả rích
Như ngoài phố mưa rơi,
Có điều chi u tịch
Xuyên thấu trái tim rồi?

Tiếng mưa dịu làm sao
Trên mái nhà, trên đất!
Cho con tim buồn ngất
Ôi khúc hát mưa rào!

Trời than khóc vô duyên
Trong con tim ưu phiền.
Than ôi, nào phụ bạc?
Tang thương này vô duyên.

Thật, niềm đau lớn nhất
Là không biết tại sao,
Không yêu, không thù hận,
Tim tôi lại đau trào!

Paul VERLAINE

THU CA

Tiếng dài nức nở
Từ chiếc vĩ cầm
Mùa thu vang âm
Xé tim đau nhói
Bằng cơn uể oải
Đơn điệu trầm trầm.

Bốn bề ngột ngạt
Nhợt nhạt xanh xao,
Khi chuông điểm hồi,
Mình ngồi nghĩ ngợi
Về ngày xa xôi
Lệ tuôn bồi hồi.

Tôi bước lang thang
Giữa cơn hoang đàng
Cuốn mình theo gió
Rày đây, mai đó,
Giống như một chiếc
Lá vàng rụng bay.

Paul VERLAINE


Tranh của Rimbaud

ÁC TÀ

Hừng đông mềm yếu
Rót trên đồng xa
Nỗi buồn u uất
Như của ác tà.

Nỗi buồn u uất
Ru khúc dịu ca
Làm tim chìm khuất
Trong bóng ác tà.

Cơn mơ kì lạ,
Có ánh mặt trời
Ngủ quên trên cát,
Ảo ảnh hồng tươi,

Trôi qua không dứt,
Những bóng hôn hoàng,
Vầng dương chợp mắt
Trên bãi cát hoang.

Paul VERLAINE

SÉRÉNADE

Như khúc hát của người đã khuất
Từ huyệt sâu u uất ngân vang
Vọng vào phòng ngủ của nàng
Thanh âm chua chát cung đàn lệch sai

Lòng em mở đôi tai cũng mở
Nghe tiếng đàn anh ở huyệt sâu
Bài ca làm tự u sầu
Như tràn hung hãn như âu yếm tình

Anh hát vì mắt xinh nâu nhạt
Tinh khiết như bóng mát trưa hè
Ngực em gò nổi bến Mê
Tóc em nâu thẫm vỗ về sông Styx

Lòng em mở đôi tai cũng mở
Nghe tiếng đàn anh ở huyệt sâu
Bài ca làm tự u sầu
Như tràn hung hãn như âu yếm tình

Anh hát vì làn da xinh xắn
Nước da như lụa trắng mịn màng
Hương thơm ngát tựa ngọc lan
Xua cơn buồn ngủ đánh tan đêm nồng

Và sau cùng nụ hôn cháy bỏng
Của môi em rực nóng lưỡi dao
Giết anh bằng vẻ ngọt ngào
Bằng gươm Thiên sứ đâm vào tim ai

Lòng em mở đôi tai cũng mở
Nghe tiếng đàn anh ở huyệt sâu
Bài ca làm tự u sầu
Như tràn hung hãn như âu yếm tình

Paul VERLAINE

BÓNG TÀ DƯƠNG THẦN BÍ

Bóng tà dương vọng về kỷ niệm
Phía chân trời ráng đỏ rung rinh
Nỗi khát khao trong lửa ẩn mình
Rồi bùng lớn như vách ngăn thần bí
Với họa tiết cỏ hoa trang trí
Hoa vành khăn, huệ, cẩm chướng, mao lương
Đang vươn quanh giậu gỗ đàn hương
Và bốc mùi ốm đau nằng nộc
Có hơi nóng, nồng như thuốc độc
Hoa vành khăn, huệ, cẩm chướng, mao lương
Nhấn hồn tôi lẫn tri giác xuống mương
Khiến tôi chìm vào cơn ngất lịm
Bóng tà dương vọng về kỷ niệm.

Paul VERLAINE