ĐỜI SỐNG

Sự thật về phương pháp thải độc chì khiến nhiều người phí tiền khi áp dụng

Mỹ Nhàn • 10-04-2023 • Lượt xem: 1968
Sự thật về phương pháp thải độc chì khiến nhiều người phí tiền khi áp dụng

Được nhiều cơ sở làm đẹp quảng bá với hàng loạt công dụng từ thanh lọc độc tố chì cho đến loại bỏ những sắc tố sâu bên trong da, cải thiện màu sắc và phòng ngừa các bệnh da liễu, phương pháp thải độc chì nhanh chóng đánh trúng vào tâm lý làm đẹp của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế tại Bệnh viện Da liễu Trung ương việc thải độc chì trên da mặt là điều không có cơ sở khoa học.

TS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khẳng định phương pháp làm đẹp hút chì cho da là hoàn toàn không có căn cứ. "Da mặt không có chì để thải độc hay hút ra", nam bác sĩ cho hay.

Theo vị chuyên gia, hàm lượng chì có trong các sản phẩm mỹ phẩm thường rất nhỏ hoặc không đáng kể, thậm chí là không có đối với những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, việc bạn lo lắng cho những tàn dư này trên da là không cần thiết và các hoạt động thải độc chì trên da vốn không mang lại hiệu quả thiết thực nào. Tiến sĩ Hà nói thêm: "Theo nghiên cứu, những hóa chất khi bôi trên da có thể tồn tại khá lâu, từ 1 tuần đến 1 tháng. Nếu không can thiệp, hóa chất này cũng tự đào thải, vì cứ 28 ngày, tế bào da lại tự luân chuyển, đào thải một lần".

PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Nguyên Giám đốc BV Da liễu Trung ương kết luận, phương pháp thải độc chì chỉ là trò “câu khách” của những cơ sở làm đẹp và không hề có chuyện chì được hút đen đầy mặt như các spa đang quảng cáo rầm rộ hiện nay. Lý giải về hiện tượng những màu đen và xám đậm xuất hiện trên khăn hoặc bông lau sau khi thực hiện các bước trong quy trình thải độc, bác sĩ Thường cho biết: “Còn việc xuất hiện màu đen trên mặt khi thực hiện phương pháp thải độc tại các spa cần được hiểu cho đúng bản để tránh bị lừa dối. Bởi lẽ việc sử dụng phương pháp bôi một chất không rõ nguồn gốc lên mặt, kết hợp mồ hôi, mỡ thải ra qua da và khi gặp nhiệt độ tạo phản ứng hóa học dẫn đến xuất hiện màu đen trên mặt là bình thường và đó không phải là chì. Đây chính là chiêu trò các cơ sở làm đẹp thiếu uy tín sử dụng để câu kéo khách hàng”.

Thay vì “đốt tiền” cho những phương pháp hút chì, thải độc da vô ích được quảng cáo tràn lan, phụ nữ có thể thay thế bằng một số loại mặt nạ hoặc sữa rửa mặt đơn giản có công dụng làm sạch sâu cho da. Đồng thời, bổ sung vào thực đơn hằng ngày những thực phẩm có công dụng thải độc chì như sữa, mộc nhĩ đen, rong biển, tỏi, sữa chua, trái cây, rau củ quả giàu vitamin C...

Đối với cơ thể, trong trường hợp bị nhiễm độc chì, chủ yếu độc tố này sẽ tập trung ở xương, đặc biệt là vỏ xương. Sau khi đi vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc qua da, loại độc tố này sẽ đi vào máu và gắn với các hồng cầu, sau đó sẽ có mặt ở xương và các tổ chức mềm khác. Tuy nhiên, trong trường hợp nồng độ chì trong cơ thể dưới ngưỡng cho phép (khoảng 10mcg/dL) là điều hoàn toàn bình thường. Cơ thể sẽ có cơ chế đào thải qua thận và hệ bài tiết mà không cần can thiệp hay sử dụng phương pháp trị liệu nào. Chỉ trong trường hợp đặc biệt với những người có thời gian làm việc dài trong các cơ sở hóa chất, xăng dầu có chì, nung, nấu chì, tinh chế chì hoặc sử dụng lượng lớn thuốc cam, hồng đơn chứa nhiều chì và bị ngộ độc mới cần phải thải độc theo chỉ định của bác sĩ.