ĐỜI SỐNG

Tám chiến lược nên sử dụng trong hầu hết các cuộc tranh luận

Uyên Nguyễn • 15-10-2024 • Lượt xem: 248
Tám chiến lược nên sử dụng trong hầu hết các cuộc tranh luận

Trong thời buổi mà mọi người thoải mái hơn với việc bắt đầu những cuộc tranh luận gay gắt thì nghệ thuật tranh luận có vẻ như đang bị xem nhẹ. Có rất nhiều cách để "chiến thắng" một cuộc tranh luận như là thao túng, lăng mạ hoặc làm những điều tệ hại với đối phương. Nhưng tiếp cận cuộc tranh luận với sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau mới là điều mà chúng ta cần hướng đến. Sau đây là một số chiến lược để áp dụng khi bạn thực sự muốn có một cuộc trò chuyện chân thành và muốn hiểu hơn về đối phương.

1. Thiết lập các quy tắc cơ bản

Tùy thuộc vào mức độ trang trọng của cuộc trò chuyện, đôi khi có thể rất hữu ích khi hai bên thống nhất một số quy tắc cơ bản cho cuộc thảo luận. Trước khi đi sâu vào các chủ đề gây tranh cãi, hãy nêu những điều này với đối phương:

- Không công kích cá nhân hoặc bôi nhọ lẫn nhau

- Thay phiên nhau nói thay vì ngắt lời nhau

- Cam kết tôn trọng đối phương ngay cả khi hai bên bất đồng quan điểm

- Đồng ý nghỉ giải lao nếu cảm xúc lấn át lí trí

Việc áp dụng những hướng dẫn này có thể giúp duy trì bầu không khí mang tính xây dựng trong suốt cuộc tranh luận.

2. Cam kết lắng nghe nhau một cách tích cực

Trước khi tham gia bất kỳ cuộc tranh luận nào, hãy cam kết lắng nghe lẫn nhau một cách chân thành. Lắng nghe một cách tích cực không chỉ đơn thuần là chờ đến lượt mình nói. Nó có nghĩa là dành toàn bộ sự chú ý của bạn cho người nói và cố gắng hiểu quan điểm của họ, ngay cả khi bạn không đồng ý với quan điểm đó. Thay vì ngay lập tức đưa ra những phản biện để bảo vệ quan điểm của mình, hãy đặt những câu hỏi làm rõ và tóm tắt những gì bạn đã nghe để xác nhận lại. Điều này cũng giúp người kia nhận thức được quan điểm của họ đang được truyền tải tới người khác như thế nào.

Dành toàn bộ sự chú ý của bạn cho người nói và cố gắng hiểu quan điểm của họ (Ảnh: iStock)

Bằng cách này, bạn thể hiện được mình tôn trọng quan điểm của đối phương và tạo ra bầu không khí thuận lợi để hiểu thêm về nhau.

3. Tìm kiếm điểm chung

Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách xác định các lĩnh vực đồng thuận. Điều này thiết lập nền tảng cho các giá trị hoặc lợi ích chung, có thể giúp thu hẹp sự khác biệt về sau cuộc thảo luận. Ví dụ, hãy đề xuất thử một điều gì đó như, "Trước khi đi sâu vào cuộc tranh luận, chúng ta có thể nói về những gì cả hai bên đồng ý về vấn đề này không?". Nếu bạn không thể tìm thấy một chút điểm chung nào, thì có thể bạn đang lao vào một cuộc chiến vô nghĩa. Việc tìm ra điểm chung sẽ giúp cả hai bên đồng cảm với nhau và nhắc nhở đối phương rằng bạn cũng giống họ - cả hai bên đều đang cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất.

4. Sử dụng đại từ nhân xưng "Tôi" trong câu

Việc đóng khung lập luận của bạn bằng cách sử dụng đại từ nhân xưng "Tôi" thay vì "Bạn" là để tránh yếu tố mang tính buộc tội. Cách tiếp cận này:

- Giúp bạn có trách nhiệm với cảm xúc và ý kiến của bản thân

- Giảm sự phòng thủ ở đối phương

- Duy trì sự tập trung vào quan điểm của bạn thay vì tấn công quan điểm của đối phương

Ví dụ, thay vì nói "Bạn hoàn toàn sai về điều này", hãy thử nói "Tôi có cách nhìn nhận vấn đề này khác và đây là lý do tại sao..."

Sử dụng đại từ nhân xưng "Tôi" thay vì "Bạn" là để tránh yếu tố mang tính buộc tội (Ảnh: iStock)

5. Ưu tiên sự tò mò hơn là sự tin tưởng

Bạn nên tham gia mọi cuộc tranh luận hoặc bất đồng với tâm thế tò mò để học hỏi thay vì chỉ để chứng minh quan điểm của mình. Hãy tự hỏi:

- Tôi không thể hiểu điểm nào trong quan điểm của họ?

- Những trải nghiệm nào đã hình thành nên quan điểm của họ?

- Tôi có thể học được gì từ cuộc trò chuyện này, ngay cả khi cả hai bên vẫn tiếp tục bất đồng quan điểm?

Sự thay đổi tư duy này có thể biến một cuộc tranh luận tiềm tàng thành cơ hội để phát triển và hiểu biết sâu sắc hơn.

6. Cởi mở để thay đổi suy nghĩ của bạn

Các cuộc tranh luận sẽ trở nên bế tắc khi mọi người chỉ tập trung vào lập trường của họ thay vì lợi ích chung. Hãy cố gắng khám phá những mối quan tâm và động cơ cốt lõi đằng sau lập trường của mỗi người. Điều này có thể tiết lộ những khía cạnh mới lạ để đi đến sự đồng thuận và mở ra những khả năng mới để giải quyết vấn đề.

Cố gắng khám phá những mối quan tâm và động cơ cốt lõi đằng sau lập trường của mỗi người (Ảnh: Freepik)

Hãy tham gia cuộc tranh luận với tâm thế thực sự sẵn lòng thay đổi suy nghĩ của bản thân nếu bằng chứng hoặc lập luận của đối phương thuyết phục. Ngay cả khi cuối cùng bạn vẫn không thay đổi lập trường của mình, thì thái độ này vẫn có mục đích là thúc đẩy cuộc trao đổi hiệu quả hơn.

7. Thể hiện sự đồng cảm

Hãy cố gắng đồng cảm với lập trường của đối phương để không chỉ hiểu những lập luận hợp lý của họ mà còn hiểu cả những cảm xúc mà họ đặt vào chủ đề này. Việc thừa nhận cảm xúc của họ có thể giúp xây dựng mối quan hệ và thúc đẩy một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn.

8. Phân biệt sự thật với lập luận cá nhân

Trong bất kỳ cuộc tranh luận nào, chúng ta cần phải phân biệt giữa sự thật khách quan và lập luận chủ quan. Hãy làm rõ điều nào là trong lập luận của riêng bạn và yêu cầu làm rõ khi đối phương đưa ra thông tin nhập nhằng. Cách này giúp chúng ta tập trung vào giải quyến những bất đồng trong lập luận và ý kiến cá nhân, thay vì những sự thật cơ bản mà ai cũng biết.

Phân biệt giữa sự thật khách quan và lập luận chủ quan (Ảnh: Freepik)

Tạm kết: Mục tiêu là bạn học được gì trong cả quá trình chứ không phải là "chiến thắng"

Hãy chuyển mục tiêu của bạn từ "chiến thắng" cuộc tranh luận sang đạt được “tiến triển” về vấn đề tranh luận.

Thật không may, việc áp dụng các chiến lược này vào các cuộc tranh luận của bạn đòi hỏi rất nhiều sự luyện tập và kiên nhẫn. Không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là khi thảo luận về các niềm tin sâu sắc hoặc các chủ đề gây xúc động mạnh. Tuy nhiên, bằng cách cam kết với các nguyên tắc này, bạn tạo ra các điều kiện cho các cuộc trao đổi tâm huyết hơn, hiệu quả hơn và cuối cùng là thỏa mãn hơn. Hãy nhớ rằng, mục tiêu không phải là đánh bại đối phương, mà là thúc đẩy sự hiểu biết và cùng nhau tìm ra các giải pháp tốt hơn.