Trước mối đe dọa mực nước biển dâng cao, thành phố nổi là một trong những ý tưởng hứa hẹn mang lại đột phá lớn cho xã hội và môi trường.
"Các thành phố ven biển là cửa ngõ giữa con người và thiên nhiên", Marc Collins, cựu Bộ trưởng du lịch của quần đảo Polynesia, Pháp chia sẻ. Collins có một giấc mơ điên rồ: xây dựng các thành phố nổi trên toàn thế giới.
Tôi lắng nghe Collins bởi tôi biết rằng anh có thể đúng: đối với các cộng đồng phải đối mặt với mực nước biển dâng cao, biển là biên giới cuối cùng.
Nước biển dâng nhanh: Thảm họa nhãn tiền
Từ xưa tới nay, con người luôn có xu hướng kéo đến gần biển để xây dựng các thành phố. Ngày nay, các thành phố ven biển chiếm hơn 50% dân số thế giới. Theo Chương trình Định cư con người LHQ (UN-Habitat), đến năm 2035, 90% tất cả các siêu đô thị - thành phố có hơn 10 triệu dân - sẽ tập trung ven các biển.
Chính phủ các nước châu Á cũng thúc đẩy việc phát triển kinh tế dọc biển, thậm chí còn sẵn sàng lấn biển để tạo ra những vùng đất mới.
Trong khi đó, mực nước biển đang dâng lên ngày càng nhanh, và nhiều thành phố ven biển có nguy cơ bị cuốn trôi trong vài thập niên tới.
Với cách đo bằng vệ tinh, tạp chí Nature chỉ ra rằng miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị ngập dưới đỉnh triều vào năm 2050. Ảnh: NEW YORK TIMES
Ngày càng có nhiều dữ liệu chứng minh sự dâng lên bất thường của mực nước biển. Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí PNAS, mực nước biển đã tăng lên ở mức 3 mm/năm kể từ năm 1993. Dữ liệu của NASA cho thấy tốc độ này đang tăng, dự đoán sẽ đạt 660 mm vào năm 2100.
Đây sẽ là thảm họa cho hơn 600 triệu người sống ven biển trên khắp thế giới.
Các nước nằm ở phía nam Thái Bình Dương ước tính phải chi 775 triệu USD hàng năm, tương đương 2,5% GDP để chống lại nước biển dâng. Những quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines dự kiến phải chi 6,7% GDP vào năm 2100 cho các kế hoạch phòng chống lụt bão ven biển.
Trung tâm Hải dương học Quốc gia Anh (NOC) cho rằng thiệt hại toàn cầu hại do mực nước biển dâng cao có thể lên tới 14 nghìn tỉ USD mỗi năm trước năm 2100.
"Hàng tỉ người sống ven biển sẽ chịu cảnh ngập lụt. Điều này sẽ ngày càng tệ hơn và cuối cùng họ sẽ phải ra đi, nhưng họ sẽ đi đâu? Chúng ta sẽ phải đối phó với biến đổi khí hậu trên quy mô lớn, hoặc chúng ta sẽ phải di chuyển ra biển" - ông Tom Goreau, Chủ tịch Liên minh rạn san hô toàn cầu cho biết.
Thành phố trên biển có phải là giải pháp?
Tại một sự kiện bàn tròn do UN Habitat tổ chức đầu năm 2019, ý tưởng về các khu định cư của con người trên đại dương đã dần trở thành thực tế. Các thành phố nổi được đề xuất như một cách nghiêm túc để đối phó với biến đổi khí hậu.
Thành phố nổi ở đây không phải là các thành phố nằm ở giữa đại dương, mà là một loạt các công trình được kết nối với nhau chỉ cách bờ một khoảng cách ngắn.
Những khu định cư nổi như vậy đã xuất hiện hàng nghìn năm. Người Đông Nam Á cũng quá quen thuộc với những làng ven sông, xuất hiện từ Brunei, Indonesia, Campuchia đến Việt Nam.
Tại các quốc gia giàu có, ý tưởng về thành phố nổi đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 20. Năm 1967, một doanh nhân Nhật đã đề nghị kiến trúc sư nổi tiếng Buckminster Fuller xây dựng một thành phố nổi trên vịnh Tokyo. Tuy nhiên, dự án không thành hiện thực khi doanh nhân Nhật Bản qua đời.
Dự án đề xuất xây dựng một thành phố nổi trên vịnh Tokyo năm 1967 nhưng không thành. Ảnh: WIKIMEDIA
Nhiều thành phố ven biển đề xuất dựng lên các bức tường quanh bờ biển, nâng nền đất, hoặc chuyển thành phố đi nơi khác. Tuy nhiên, tất cả đều là những giải pháp quá tốn kém hoặc nửa vời.
Indonesia là ví dụ cho thấy việc chuyển cả một thành phố khó khăn như thế nào. Vào tháng 4-2019, nước này công bố kế hoạch chuyển thủ đô đến thành phố Borneo, với lý do ngập lụt kinh niên ở Jakarta do khai thác nước ngầm và mực nước biển dâng cao.
Ước tính 1/3 trong số 118 đảo ở Polynesia có thể sớm chịu đựng số phận tương tự, và sẽ bị nhấn chìm trong khoảng năm 2040-2060.
Dự án Blue Frontiers do Marc Collins đề xuất xây dựng lên các đặc khu kinh tế nổi có các chế độ thuế, hải quan, nhập cư và lao động khác với phần còn lại của đất nước. Để có nguồn thu, dự án này sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Đây giống như một thiên đường cho những người có tiền và muốn sống tự do. Tất nhiên, dự án này không được chính phủ Polynesia thông qua.
Oceanix: Mô hình thành phố nổi điển hình
Cũng tại sự kiện bàn tròn UN Habitat năm 2019, Công ty xây dựng các kiến trúc nổi Oceanix (Mỹ), Công ty kiến trúc Bjarke Ingels Group (Đan Mạch) và Trung tâm Kỹ thuật đại dương của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã đề xuất đề án xây dựng thành phố nổi có tên gọi Oceanix City.
Kết cấu của thành phố nổi Oceanix City được thiết kế để có thể chống chọi lại mọi thảm họa thiên tai bao gồm sóng thần và siêu bão cấp 5 (có sức gió từ 250km/giờ trở lên).
Về cơ bản, đây là một khu định cư với hơn 10.000 người được tạo thành từ các khung đúc sẵn trong một nhà máy, được kéo ra biển, ghép lại với nhau như Lego.
Kết cấu hình lục giác được xem là một trong những kết cấu vững chắc nhất, tương tự như kết cấu của tổ ong. Các nhà thiết kế sẽ tập hợp sáu mô-đun nổi như vậy vào thành một “ngôi làng”. Một thành phố nổi sẽ bao gồm sáu “ngôi làng” với tổng dân số 10.000 người.
Thành phố nổi Oceanix City với Kết cấu hình lục giác. Ảnh: OCEANIX
Các mô-đun sẽ được neo xuống đáy biển bằng đá sinh học (biorock) hay còn gọi là bê tông biển - một dạng vật liệu xây dựng về cơ bản sẽ biến toàn bộ thành phố thành một rạn san hô nhân tạo - và có thể kéo đi đến những khu vực biển an toàn trong trường hợp các thảm họa nhiên nhiên lớn xảy ra.
Các ngôi làng này sẽ không cho phép các xe cộ hoạt động và cũng sẽ không có bất cứ xe tải chở rác nào. Thay vào đó, các ống hơi khí nén sẽ vận chuyển rác đến một trạm phân loại rác, nơi rác được phân loại để tái sử dụng.
Tuy nhiên, thành phố nổi Oceanix City có thể cho phép xe không người lái hoạt động và có thể thử nghiệm các công nghệ mới như giao hàng bằng máy bay không người lái (drone).
Thành phố nổi Oceanix City sẽ sử dụng xe không người lái. Ảnh: OCEANIX
Công ty Bjarke Ingels Group cho rằng với 90% thành phố lớn của thế giới dễ tổn thương trước tình trạng ngập lụt khi băng tan chảy và nước biển dâng do nhiệt độ trái đất ấm dần lên vào năm 2050, các mô-đun nổi được neo vào đáy biển có thể kết nối với nhau sẽ là giải pháp cung cấp nơi cư trú trên các đại dương cho các cộng đồng.
Thành phố nổi thân thiện với môi trường
Đề án Oceanix City chỉ cho phép xây dựng các tòa nhà cao nhất là từ bốn đến bảy tầng với các kết cấu làm bằng các vật liệu bền vững như gỗ và tre.
Ngoài các nhà cửa dân sinh, thành phố sẽ có một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo, một trung tâm văn hóa và một thư viện cộng đồng, nơi người dân có thể thuê sách, máy tính cũng như xe đạp. Đề án Oceanix City kêu gọi “canh tác đại dương” (ocean farming), tức trồng thực phẩm bên dưới mặt nước biển.
Phối cảnh quanh cảnh đường phố của thành phố nổi Oceanix City theo phong cách châu Á. Ảnh: OCEANIX
Các lồng ở bên dưới các nền tảng lục giác nổi có thể nuôi trồng sò điệp, trai, hàu, tảo bẹ... Các hệ thống aquaponic sẽ sử dụng chất thải từ cá để bón cho cây trồng. Aquaponic là một hệ thống sản xuất thực phẩm bằng cách phối hợp giữa nuôi trồng thủy sản thông thường với thủy canh trong một môi trường cộng sinh.
Trong khi đó, các nông trại thẳng đứng (trồng cây trong các khay được xếp theo chiều thẳng đứng và thường không cần sử dụng đất và ánh sáng tự nhiên) sẽ cung cấp nông sản quanh năm cho các người dân sống trên thành phố nổi Oceanix City.
Tất cả các công nghệ này có thể giúp Oceanix City tự cung tự cấp trong suốt thời gian thành phố hứng chịu một thảm họa thiên nhiên. Đề án Oceanix City cũng có thể bao gồm một hệ thống thu nước sạch từ không khí.
Khu rừng bên trong thành phố Oceanix. Ảnh: OCEANIX
Công ty Oceanix tin rằng đề án thành phố nổi sẽ giải quyết được hai vấn đề cơ bản: tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ nghiêm trọng và mối đe dọa mực nước biển dâng cao.
Mô hình thử nghiệm thành phố nổi Oceanix City sẽ được triển khai thử nghiệm ở sông Đông, cạnh trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York. Mô hình thử nghiệm sẽ hướng đến mục tiêu tự cung tự cấp thực phẩm và năng lượng.
Maimunah Mohd Sharif, Giám đốc UN-Habitat, nói LHQ sẽ ủng hộ và chủ trì dẫn dắt đề án này đi đến kết quả. Bà cho rằng khi biến đổi khí hậu diễn tiến nhanh và ngày càng có nhiều người dân co cụm vào các khu ổ chuột thì thành phố nổi là một trong những giải pháp đáng cân nhắc.