Duyên Dáng Việt Nam

Thực hư xung quanh việc người thuê máy bay đưa bà con về quê chống dịch Covid-19

Đông Dương - Minh Ngữ • 03-08-2021 • Lượt xem: 1217
Thực hư xung quanh việc người thuê máy bay đưa bà con về quê chống dịch Covid-19

Một người Quảng Nam hiện đang sống ở Chơn Thành (Bình Phước) đã bỏ tiền túi thuê trọn 2 chuyến bay đưa đồng hương từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai về Quảng Nam tránh dịch. Thực hư câu chuyện này thế nào?. DDVN kết nối được với nhà báo Nguyễn Ngọc Vũ - người đã đăng status về nội dung này trên trang cá nhân của mình.

Tin và bài liên quan: 

TP.HCM tiếp nhận 25 tấn rau củ quả do công ty cổ phần Pacific Foods hỗ trợ người dân

Nguyễn Hữu Hồng Minh và Cao Minh Đức hủy show 'Còn Lại Tình Yêu' tại Đà Nẵng

Pacific Foods và VinaFirst tặng 100.000 khẩu trang lực lượng tham gia chống dịch

Ông Nguyễn Ngọc Vũ xác nhận với ban biên tập DDVN, nội dung này là chính xác. Cá nhân ông đã có cuộc trao đổi bằng điện thoại với ông Trần Công Cảnh. Ông Cảnh nguyên là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước, là hội thành viên của Liên hiệp hội nơi ông Vũ công tác.

Ông Vũ cho biết, chuyện ông Trần Công Cảnh làm từ thiện đã bắt đầu từ mấy mươi năm qua chứ không phải bây giờ, nên ông cũng không quá ngạc nhiên về điều này.  Ông Vũ cũng cho chúng tôi số điện thoại để kết nối với nhân vật chính trong câu chuyện, và may mắn biết thêm đôi điều thú vị…


Ông Trần Thanh Cảnh, người đã thuê hai chiếc máy bay đưa bà con nghèo từ TP.HCM về quê hương Quảng Nam trong những ngày biến động dịch Covid-19. (Ảnh NVCC)

Nói về việc mình làm, ông Trần Công Cảnh cho DDVN biết, thảm họa toàn cầu từ dịch Covid-19 và những gì đang xảy ra trên quê hương TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước... khiến ông lúc nào cũng trăn trở. Ông nói: “Vì mình đã từng tận mắt chứng kiến cũng như xem các thông tin những người già, phụ nữ có thai, trẻ em về quê trên những chiếc xe máy, xe đạp, có trường hợp cả đi bộ nữa nên tôi động lòng trắc ẩn. Nghĩ mình có tiền để làm gì mà không giúp đồng bào mình?

Vợ tôi cũng đồng tình việc này nên cả hai cùng bàn tính và thống nhất chỉ có phương tiện máy bay là phù hợp cho cả người già, người ốm đau bệnh tật, phụ nữ mang thai và trẻ em. Vậy là tôi thuê máy bay cho khoảng 400 người về trong 2 chuyến...”. 


Hai vợ chồng ông Trần Công Cảnh "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". (Ảnh: NVCC)

Trò chuyện cùng DDVN, ông Cảnh cho biết mình xuất thân từ gia đình nông dân nghèo. Ông là cháu cố của cụ Trần Cao Vân. Từ nhỏ sống trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nhưng bố mẹ ông luôn muốn con mình phải có cái chữ. Lớn lên, ông sớm ý thức việc học và ham học. Ông đọc mọi thứ như con mọt sách và là một người hình thành tư duy phản biện từ rất sớm. Thấy cái gì không biết là hỏi, hỏi cho đến cùng mới thôi.

Ông kể, hồi sau giải phóng, đi học đói lắm. Ông và đám bạn thường rủ nhau đi ăn “phở ngó”, “mì nhìn”, nghĩa là chỉ ra đó ngó và nhìn người khác ăn và nghe mùi cho đỡ thèm thôi rồi về học.


Ông Cảnh (trái) trong một lần cùng đoàn cứu trợ đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng thiên tai bão lụt.

Cái nghèo, cái khó đeo đuổi mãi từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Khi vào Nam lập nghiệp từ năm 1991, ở tỉnh Sông Bé (cũ), nay là Bình Phước. Mãnh đất mới này đã cho ông cái ăn, cái mặc tương đối đủ đầy. Từ đó, suốt mấy mươi năm qua, hằng ngày ông đều dành ít thời gian, ít của cải để lo cho những mảnh đời bất hạnh.

Là Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại Bình Phước, ông rất có trách nhiệm với cả 2 quê hương: Quảng Nam và Bình Phước. Mỗi lần hay tin ngoài Trung gió giật, bão giông, nước sông dâng lên tràn bờ là ông bắt đầu chuẩn bị cả sức khoẻ, tiền của để cùng anh chị em đồng hương về quê cứu trợ.

Người nghèo, người bệnh, trẻ em vượt khó hiếu học  trong tỉnh Bình Phước ông đều gom góp cho tặng và đến thăm hỏi động viên.


Doanh nhân Trần Công Cảnh (Ảnh NVCC)

Ở Hớn Quản, có một ngôi trường tiểu học đã cũ, mưa gió tạt tứ bề, học sinh không thể an tâm ngồi học. Ông xin ý kiến HĐND tỉnh, HĐND huyện rồi hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa lại. Ngôi trường ấy hiện nay là Trường tiểu học Trần Cao Vân.

Ông nói, ông làm việc đó vừa cùng địa phương chăm lo cho thế hệ mai sau, vừa muốn giáo dục tinh thần yêu nước cho các em. Bởi cụ cố ông là một chí sĩ cách mạng yêu nước.

Qua cuộc gọi điện thoại với DDVN, ông Trần Công Cảnh thổ lộ mơ ước: "Bản thân sẽ làm việc thiện cho đến cuối đời như một sự trả ơn. Vì đến khi “ôm nải chuối xanh” rồi thì tiền bạc cũng chẳng để làm gì nữa. Vợ chồng ngày ba bữa cơm. Ăn uống cũng đạm bạc thôi. Cốt yếu lo cho sức khoẻ để sống vui với tuổi già và còn sức để chăm lo cho cộng đồng đang nghèo khó…". 

Cũng từng có người tính tính dèm pha, ganh đố chanh chua một câu hỏi: "Ông thuê máy bay cho đồng hương về quê như sự đánh bóng tên tuổi, ông nghĩ sao?". Ông Cảnh cười tỏm tẻm "rất Quảng": “Úi trời, tôi 75 tuổi rồi, sắp về với tổ tiên, đánh bóng để làm gì. Máy bay thì cũng như những phương tiện khác thôi, chỉ là mình thấy phù hợp trong lúc này để di chuyển. Số tiền cũng chỉ vài trăm triệu, trong khi đó hàng năm tôi đã làm việc thiện đến cả tỷ đồng rồi. Chủ yếu là cái tình với đồng bào, trách nhiệm với quê hương".


Làm từ thiện và cứu trợ bà con quê hương khi gặp thiên tai luôn là ý nguyện của ông Trần Công Cảnh. Một người con của quê hương Gò Nổi - Điện Bàn - Quảng Nam. Ông là cháu của cụ Trần Cao Vân (1866-1916), một chí sĩ yêu nước theo vua Duy Tân thời chống Pháp.

Được biết, trong đợt dịch đầu tiên năm 2020, khi Quảng Nam – Đà Nẵng là tâm dịch, ông Cảnh thay mặt Hội đồng hương Quảng Nam ở phía Nam ủng hộ 540 triệu đồng. Trong đợt mưa lũ cuối năm 2020, ông Cảnh và Hội đồng hương Quảng Nam ở phía Nam ủng hộ Quảng Nam 520 triệu đồng và 5 tấn hàng hóa các loại.

Những việc làm thơm thảo thầm lặng như vậy giữa cuộc đời thường còn nhiều vất vả, cần lao cơm áo thật đáng quý biết bao nhiêu!...

Đông Dương - Minh Ngữ