Hội họa

Tiệc của đàn ông

Thoại Vy • 29-01-2018 • Lượt xem: 10337
Tiệc của đàn ông

Những ngày trước và sau Tết, thiên hạ loay hoay mở tiệc mời nhau. Tiệc tất niên, tiệc mừng năm mới, tiệc đón bạn, tiệc tiễn đưa … Người Việt thong thả gọi tên là “đám” (tiệc). Thí dụ: Hôm nay nhà có đám, mời cô/ bác/ anh/ chị/ bạn đến chung vui. Nôm na, tiệc là một đám tụ họp có ăn uống, có đàn ca hát xướng. Thường là vui vẻ. Và ở đấy, đàn ông chiếm tỉ lệ áp đảo !

Yến tiệc linh đình vua ban thế nào cũng có mĩ tửu. Người viết chẳng rõ bộ phim “Dạ yến” trứ danh của đạo diễn Phùng Tiểu Cương lấy cảm hứng từ những bữa tiệc thượng lưu xa xỉ ra sao, chỉ biết dạo đi sứ Trung Quốc, Tố Như tiên sinh đã so sánh bữa tiệc ngồn ngộn dư thừa mà giới chóp bu đãi đằng với tình cảnh bốn mẹ con lưu lạc lề đường sắp chết đói. Lời văn não lòng ứa lệ “Mâm cỗ sang vô kể/ Nào vây cá gân hưu/ Lợn dê mâm đầy ngút/ Quan lớn không gắp qua/ Bọn dưới chỉ nếm chút. Biết đâu bên lề đường/ Có mẹ con khổ cực” (Sở kiến hành). Cũng lạ,  nhiều quan nhân đại gia bệ vệ thời nay thường lui tới những hỉ tiệc, nức nở khen đại thi hào Nguyễn Du có con mắt hiện thực quán triệt sau trước !. Dân gian truyền khẩu “Phi bánh tráng bất thành đại tiệc”. Giới doanh nhân lại rỉ tai nhau “Phi quan chức bất thành đại tiệc”. Đám vui thiếu sự góp mặt của quan nhân khác nào đại tiệc thiếu tôm hùm, cua hoàng đế. Thực khách mẫn cán nào cũng tỏ: giá một ký cua hoàng đế tươi sống bằng một tháng lương của công nhân tăng ca liên tục. Trong những đám tiệc trên, không chỉ có một vài món hải sản. Vì thế chả trách một số quý ông phát tướng cau mày đăm chiêu vì không tìm thấy “Câu lạc bộ thể thao chuyên biệt” dành cho người bụng phệ.

Ở đám bình dân thì nôm na tiệc biến hóa thành “bữa cơm thân mật”. Thay vì champagne, chivas, vang đỏ vang trắng, vodka thượng hạng … sóng sánh trong ly thủy tinh đủ loại là các loại cuốc lủi, bầu đá, rượu gạo, rượu đế gò đen, nếp cẩm, nếp than, nếp cái hoa vàng; rồi thì những rượu gừng, rượu gấc khiêm nhường khẽ rót trong những chén hạt mít. Sành  thì dùng chén sứ, chén ngọc, thậm chí lấy sừng tê giác làm chén để chiêu từng ngụm nhỏ. Dân dã thì chén sành, chén đất to nhỏ đủ cỡ.

Mừng tân trạng nguyên, vua ban đại yến, thế nào chẳng có khí vị đậm đà của rượu cho thêm phần hãnh diện. Tiễn nguyên soái, tướng quân ra trận, giữ biên ải sao lại không có rượu Bồ Đào đưa cay như là thứ đồ uống tinh túy và phấn khích nhất ? Khơi gợi sĩ khí, hùng tâm tráng chí và cả khí tiết cảm tử cũng nhờ thứ chất lỏng nồng đượm này:

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”

(Lương Châu từ - Vương Hàn).

(Tạm dịch: Say, ngủ ở sa trường, anh cười gì?/ Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về). Mà phải rót Bồ Đào mĩ tửu trong chén ngọc Dạ quang thì mới sành điệu.

Ngoài những đám tiệc xa hoa lộng lẫy mà đám thường dân thấp cổ bé họng nhìn vào phải bật khóc, tỉ như bức họa “Bữa tiệc đêm của Hàn Hi Tái” (Hàn Hi Tái dạ yến đồ) do họa gia Cố Hoành Trung tái hiện. Hoặc những bữa tiệc “chùa” thiếu thốn thời bao cấp (chỉ những thực khách nam chuyên đi ăn đám “chùa”) còn có những bữa tiệc tổng kết, hội thảo kiểu quốc doanh. Người tham dự chẳng liên quan gì cũng được mời dự tiệc để nâng tầm sang trọng. Số khác thì cố kiếm bằng được tấm thiệp mời như một thứ giấy thông hành, nhằm chứng tỏ đẳng cấp và sự hãnh tiến (mà thực chất là một kiểu háo danh thường gặp).

Có những đám tiệc “lạnh” vì ẩm - thực khách ngồi chung một bàn nhưng không quen mặt biết tên. Lại có những tiệc “nóng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thời Tam quốc, phía Đông Ngô mời Quan Công nhập đại yến. Vân Trường khí tiết đầy mình, cắp theo “hàng nóng” là thanh long đao nổi danh bách chiến, khiến chủ nhà Lã Mông ngấm ngầm khiếp vía. Khi được bạo tướng Trương Phụ nhà Minh mời dự tiệc ăn cỗ đầu người, danh thần Nguyễn Biểu thời mạt Trần của Đại Việt đã ung dung lẫm liệt coi đấy là đầu kẻ thù, bèn khoét mắt ăn trước. Tráng khí cảm tử của họ Nguyễn đã khắc một dấu son đậm nét vào lịch sử thảm bại của giặc Tàu.     Ngày nay, trong và sau đám tiệc nào cũng dứt khoát có màn chụp ảnh. Trong đám hỉ sự, chủ tiệc cũng mời đặng dăm ba trí thức, văn nghệ sĩ nổi danh hoặc quan chức đương nhiệm. Thực khách thông thường được chụp chung với họ thế nào cũng hí hửng phóng to ảnh lên, treo giữa nhà như của gia bảo.


 Bức "Hàn Hi Tái dạ yến đồ" (Bữa tiệc đêm của Hàn Hi Tái) của họa sĩ Cố Hoành Trung.

Tag: