Duyên Dáng Việt Nam

Tiêm vắc xin và trợ giúp cho người nghèo: Đều cần được làm cấp tốc

Lê Học Lãnh Vân • 04-06-2021 • Lượt xem: 444
Tiêm vắc xin và trợ giúp cho người nghèo: Đều cần được làm cấp tốc

Thời điểm này, các tỉnh thành đều phải thực hiện 2 điều cấp bách: Chích ngừa vắc xin chống COVID-19 và trợ giúp người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch.

Là dân TP.HCM những ngày này, ai cũng có thể gặp rủi ro mắc bệnh cúm COVID-19. Là dân nước Việt Nam, nhất là tại các thành phố, thị xã, thị trấn lớn, ai cũng chịu nguy cơ dịch bệnh. Nguy cơ không chỉ là sự đe dọa sức khỏe của người Việt ta mà còn với năng lực của nền sản xuất, khả năng thu hút các nhà đầu tư trong cuộc cạnh tranh khu vực và quốc tế…

Giữa nguy cơ không nhỏ cho đất nước, cơ hội nào cho tương lai?

Cho tới nay Việt Nam có số ca nhiễm và số ca tử vong thấp một cách ngoạn mục so với nhiều nước khác, kể cả các nước có điều kiện khí hậu tương tự Việt Nam. Có nhiều lý do được nêu ra, và dù lý do nào đi nữa, chính phủ Việt Nam có thể hãnh diện về thành tích này.

Dù có tăng trưởng trên 2% cho năm 2020, Việt Nam cũng đang chịu hậu quả suy giảm kinh tế so với các năm trước. Nhiều thành phần trong xã hội đang nghèo đi, điều này không khó thấy khi quan sát mức sống chung của người dân, mức trầm lắng kinh doanh, số cửa hàng đóng cửa, số các công ty thua lỗ. Nay dịch đang bùng phát với nguy cơ lớn, người lao động không thể kiếm ăn hằng ngày, cái đói đang chực chờ…

Mục tiêu của Việt Nam là 150 triệu liều vắc xin cho 75% dân số. Tuy nhiên, nơi có nguy cơ lớn bùng phát dịch với hậu quả khủng khiếp là các thành phố lớn cần được tập trung trước.

Thời điểm này, các thành phố cần thực hiện 2 điều cấp bách: Chích ngừa vắc xin chống COVID-19 và trợ giúp người nghèo thành thị.

Theo thống kê điều tra dân số năm 2019, dân số thành thị là 33 triệu người. Tính toán sơ bộ, cần 46 triệu liều chích cho 75% số dân này. Nếu tính chi phí bình quân là 9 USD/lần chích, tổng chi phí khoảng 10 ngàn tỉ đồng, khoảng 450 triệu USD. Con số này không lớn so với dự trữ ngoại hối khoảng 100 tỉ USD của Việt Nam, hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính phủ. Tiền này cũng là tiền của dân, chích ngừa miễn phí cho dân chính là cách trả lại cho dân. Chính phủ cũng có thể huy động đóng góp của các doanh nghiệp, như Vingroup, tập đoàn đã công khai tuyên bố ủng hộ 4 triệu liều vắc xin.

Hoan nghênh tinh thần buổi họp báo chính phủ thường kỳ ngày 3.6, theo đó quan điểm của chính phủ là “dùng nguồn ngân sách nhà nước cùng các nguồn kinh phí hợp pháp… để mua và tiêm vắc xin cho dân”. Khi chính phủ quyết tiến hành việc này, người dân sẽ càng cảm nhận chính phủ đang phụng sự họ. Nội việc này thôi cũng nâng sức mạnh cộng đồng lên gấp nhiều lần, do đó rất đáng để chính phủ đầu tư.

Nếu chính phủ đạt được mục tiêu vắc xin và mục tiêu trợ giúp người nghèo, sự tin tưởng của dân chúng sẽ càng được củng cố, nhất là niềm tin với những người hoạch định chính sách. Còn các điểm thiếu sót của chính phủ sẽ được đồng cảm và chia sẻ. Thậm chí, những người chưa đồng lòng trước đây cũng thay đổi tư duy để cùng hướng tới tương lai.

Khi được dân chúng ủng hộ, chính phủ sẽ càng phát huy sức mạnh. Sự mạnh mẽ dựa trên lòng dân chính là sự mạnh mẽ vô địch. Khi có sức mạnh của lòng dân, chính phủ mới chống tham nhũng hiệu quả và đưa quốc gia tiến bền vững về hướng văn minh no ấm.

Trong thời buổi bùng phát dịch cần sự quyết tâm đồng lòng dập dịch của cả chính phủ và người dân. Đó là niềm cảm hứng để lan tỏa những hy vọng vào sự đổi mới trong tương lai.

Theo 1thegioi.vn