Duyên Dáng Việt Nam

U máu trong gan có phải là ung thư gan?

Châu Anh • 22-07-2019 • Lượt xem: 1047
U máu trong gan có phải là ung thư gan?

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cho biết, trong quá trình khám và tiếp nhận bệnh nhân bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp mắc u máu gan tới khám. Bệnh nhân thường tình cơ phát hiện u máu qua siêu âm và đa số bệnh nhân thường rất lo lắng sợ mắc ung thư.

U máu là những mạch máu gan trên bề mặt phát triển thành búi mạch tạo thành nhiều mạch máu.

"Tỷ lệ người Việt có u máu gan cũng khá cao khoảng từ 4-6 triệu người chiếm 5-7% dân số. U máu là khối u lành tính và không chuyển biến thành ung thư. Tuy nhiên, trước khi chẩn đoán là u máu, bệnh nhân cần phải loại các tổn thương khác trong gan", bác sĩ Ngọc nói.

Cơ chế gây ra u máu hiện nay chưa rõ ràng, các nhà khoa học nghĩ nhiều tới yếu tố gen di truyền. Có nghĩa là sinh ra người khỏe mạnh đã mang khối u máu.

U máu có thể chỉ có 1 khối hoặc nhiều khối trong gan.

Hình minh họa

Theo bác sĩ Ngọc u máu gan thường không phải điều trị. Khi khối u phát triển lớn bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy đau tức hạ sườn phải tăng lên khi chuyển động, mệt mỏi và chán ăn, khối u to buồn nôn.

Những trường hợp bệnh nhân có khối u nhỏ, 6 tháng theo dõi 1 lần. Trong trường hợp u máu phát triển lớn cần phải đốt mạch máu hoặc mổ.

Bác sĩ Ngọc cho biết, trong nhiều năm khám chữa bệnh bác sĩ Ngọc chưa gặp trường hợp bệnh nhân máu nào cần phải can thiệp phẫu thuật.

Biến chứng đáng ngại nhất của u máu

U máu trong gan hiếm khi gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm u máu có thể có biến chứng vỡ u máu gây nguy hiểm tới sức khoẻ. Trường hợp khối u có biến chứng: đau, khó chịu nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

"U máu là bệnh lành tính nhưng vẫn cần phải theo dõi khám định kỳ 6 tháng/lần. Với những trường hợp có u máu kích thước lớn tránh va chạm mạnh, lao động nặng nhọc... có thể gây ra tình trạng vỡ u", bác sĩ Ngọc khuyến cáo.

Để phát hiện ra u máu sẽ phải dùng tới một số xét nghiệm, hình ảnh như: Siêu âm; Chụp cắt lớp (chụp CT); Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI).