Duyên Dáng Việt Nam

'Về Đà Nẵng cùng em' sáng tác mới của nhạc sĩ Lê Xuân Thơm

Nhạc sĩ Lê Xuân Thơm • 10-10-2021 • Lượt xem: 11535
'Về Đà Nẵng cùng em' sáng tác mới của nhạc sĩ Lê Xuân Thơm

Trong những ngày tháng đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi nhận được nhiều sáng tác của bạn đọc gửi về cho DDVN. Điều đáng quý là những bài thơ, bài hát đều ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của các chiến binh áo trắng vì trách nhiệm cộng đồng bước vào cuộc sinh tử. Đặc biệt là những sáng tác của nhạc sĩ Lê Xuân Thơm (Nha Trang) mà ban biên tập đã giới thiệu...

Tin và bài liên quan: 

Sài Gòn đêm không ngủ - Thơ Lê Xuân Thơm

Nhạc sĩ 'Nha Trang chờ' và mơ ước đầu Xuân mới 2021

Lê Xuân Thơm: 'Âm nhạc và Nghệ thuật như tình yêu của tôi...'

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu thi phẩm 'Vỉa Từ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh bản tiếng Tây Ban Nha

Từ 'Sài Gòn đêm không ngủ'...

Bài thơ "Sài Gòn đêm không ngủ" của Lê Xuân Thơm được nhiều bạn đọc yêu thích và có lượt truy cập khá cao. Đáng ngạc nhiên là anh đang ở Nha Trang nhưng đã hình dung một cách chính xác về Sài Gòn trong những tháng ngày "không ngủ" vì giữa "tâm bão" Corona, tất cả lo âu, hướng về lực lượng phòng tuyến chống dịch bệnh: 

Sài Gòn đêm nay không ngủ 
chỉ có tiếng còi inh ỏi xuyên đêm 
từng đoàn xe nối đuôi nhau hối hả  

Chở người chở người về đâu? 
Sài Gòn đêm nay vắng vẻ 
Mùi clorua  lẫn hương trầm lan tỏa đâu đây
Thi thoảng lại vang  tiếng khóc
Mẹ ơi mẹ ơi mẹ về đâu?

Sài Gòn đêm nay vật vã như bao đêm chống dịch
Những đoàn xe, những cáng cứu thương 
Những bộ quần áo nilông trùm kín mái đầu 
trong cái nóng mồ hôi nhễ nhại 
Bước thấp bước cao mệt lã rã rời...


Từ trái sang: Nhạc sĩ Lê Xuân Thơm (thứ 2) bên cạnh nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam và ca sĩ Quốc Vụ, người đứng cuối ảnh.  

Quên mình giữa là ranh sinh tử, bài thơ đã dành những khổ thơ nói về những chiến binh áo trắng, những y bác sĩ thầm lặng đêm ngày trực 22/24 vì người bệnh. Và dĩ nhiên, giữa ngổn ngang thực trạng các bệnh viện, trạm xá quá tải, người nhiễm Covid-19 nằm la liệt, không phải ai cũng hiểu đúng. Vì thế thật "dịu lòng" khi Lê Xuân Thơm bày tỏ qua những câu thơ: 

Đừng kêu than, đừng trách móc người ơi
Đừng làm đau thắt trái tim tôi 
Chúng tôi những người lính áo trắng
không quản ngày đêm vất vả ngược xuôi
Tới những ngõ sâu đi tìm người  bệnh
Chở từng người già đến em bé tuổi sơ sinh.

Tôi có chat với Lê Xuân Thơm và nói chuyện về bài thơ "Sài Gòn đêm không ngủ" của anh. Nhưng Thơm vẫn rất khiêm tốn nói rằng những gì mình viết như dâng lên tự đáy lòng chứ không cố tình "làm dáng chữ nghĩa" hay "màu mè tô vẽ" gì cả! Anh vẫn cho rằng mình vẫn giữ lửa với một tình yêu nghệ thuật, như một "nghệ sĩ sáng tác không chuyên". Nhưng tôi lại nghĩ khác! Chính sự "không chuyên" lại dễ dàng ghi lại những cơn chấn động của cảm xúc. Là sự sắc nét chân thành. Thơ hay chính là đạt được sự sâu lắng, trong trẻo của sự giản dị. Dù có miêu tả sự khốc liệt, biến cố của cuộc sống - ở đây là đại dịch thế giới virus covid - 19 với những biến thể kinh hoàng của nó - khi tôi viết những dòng này thì trong nước, nạn nhân mất vì Covid - 19 đã vượt ngưỡng con số hai mươi ngàn (20.000) người, riêng Sài Gòn cũng trên 15 ngàn người, thì chỉ cần viết lại những rung động từ sự thật đã chinh phục tâm hồn người đọc. Sự giản dị đưa đến nhữn chia sẻ, cảm thông, xóa bỏ mọi biên giới khoảng cách. Nghệ thuật chính là điều giản dị "đến mực" ấy!   

Đến 'Về Đà Nẵng cùng em'

Vẫn chính phong cách giản dị, "nghệ sĩ tận bản chất" ấy, Lê Xuân Thơm bất ngờ gửi cho tôi ca khúc mới "Về Đà Nẵng cùng em" nhờ tôi xem lại giúp. Tôi nghe melodies, đọc lời, thấm giai điệu và phát hiện ra Thơm đã tìm được một nét nhạc hay! Một tinh thần hào sảng đúng chất Quảng! 

Tôi là một đứa con sinh ra lớn lên ở Đà Nẵng nên tôi yêu cái "thành phố đúng đầu gió" này một cách khủng khiếp. Đầu gió chính là đầu nguồn, đầu sông, đầu biển... Tất cả mọi dòng sông Quảng Nam nếu đổ từ thượng nguồn xuống trước khi đổ ra biển đều theo dòng Thu Bồn ra tới sông Hàn trước khi nhập vào biển cả. Và những tâm hồn nhạc sĩ sinh ra lớn lên trên quê hương "Chiều chiều mây phủ Sơn Trà / Lòng ta thương bạn nước mắt và trộn cơm" này đều muốn có một bài hát hay về quê hương mình nhưng vô cùng khó, không hề dễ!

Vậy mà thật bất ngờ, Lê Xuân Thơm, đứa con của quê hương Thanh Hóa làm được điều đó. Như vậy chẳng phải cuộc đời tưởng thưởng tấm lòng của người nghệ sĩ hay sao? Thơm cũng đã từng có ca khúc "Nha Trang chờ" viết về thành phố nơi anh chọn để sống sau bao năm tháng bôn ba ở xứ người về.

Và bây giờ là Đà Nẵng. Cơ duyên nhiều như thế! Thơm kể với tôi, tuy không phải quê hương nhưng anh đã có hơn 5 năm làm ăn ở đây! Anh yêu từng tiếng sóng biển, những cây cầu Rồng, cầu Xoay, cầu Thuận Phước... Yêu sông Hàn, bán đảo Sơn Trà... Và biết bao cái đẹp khác để "cuộn trào" thành bài hát. 

Xin mời bạn hãy lắng nghe một ca khúc hay và đẹp về một thành phố trẻ, thành sống đáng sống. Hãy cùng em về Đà Nẵng. 

VỀ ĐÀ NẴNG CÙNG EM 

Nhạc và lời: Lê Xuân Thơm

Về đây nhé anh ơi / Cầu Rồng kia vẫy gọi / Ngoài kia biển vẫn hát / Đảo Hoàng Sa quê mình / Anh đêm ngày canh giữ / Biển đảo trời biên cương / Những con sóng bạc đầu / Như tình em trao anh...

Về anh nhé anh ơi / Bên dòng sông Hàn đó / Nhịp cầu bao thương nhớ / Gọi sóng nước mêng mang...

ĐK: Bên em chiều lộng gió / Đà Nẵng quê mình ơi /  Xuân chờ vương cánh sóng / Giữa biển trời quê hương / Đà Nẵng bao yêu thương / Vương mình ra biển lớn / Người người cùng chung tay / Mang bình yên cho đời...

Bên em chiều lộng gió / Đà Nẵng quê mình ơi /  Xuân chờ vương cánh sóng / Giữ biển trời quê hương / 

Đà Nẵng bao yêu thương / Vương mình ra biển lớn Sông Hàn kia vẫy gọi / Về Đà Nẵng cùng em....

DDVN giới thiệu bài hát "Về Đà Nẵng cùng em" - Sáng tác của Nhạc sĩ Lê Xuân Thơm - Ca sĩ Bích Phượng - Hòa âm phối khí Nhạc sĩ Đăng Hà. 

Sài Gòn, chiều Phổ Quang, hậu Covid, sau giãn cách xã hội 10.10.2021

Nguyễn Hữu Hồng Minh