Duyên Dáng Việt Nam

Vì sao giá xăng tăng lên sát 30.000 đồng một lít?

T.H • 12-03-2022 • Lượt xem: 266
Vì sao giá xăng tăng lên sát 30.000 đồng một lít?

Mỗi lít xăng RON 95 vừa tăng gần 3.000 đồng một lít, lên sát 30.000 đồng - mức cao nhất từ trước đến nay - do áp lực tăng vọt của giá thế giới.

Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ Công Thương - Tài chính đã chi 750-1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. Đây là các mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Sự tăng mạnh này do chịu ảnh hưởng từ sự đi lên thẳng đứng của giá nhiên liệu thế giới. Giá dầu thô đã có phiên tăng vọt, lên mức cao nhất 14 năm vào ngày 7/3, gần chạm mốc 140 USD một thùng, trước khi giảm 13% vào ngày 9/3, rồi giảm tiếp 2% hôm 10/3.

Giá xăng bán lẻ trong nước được điều chỉnh từ chiều 11/3. Ảnh: Ngọc Thành

Giá dầu trên thị trường vừa tăng đã phản ánh ngay vào giá thành phẩm. Dữ liệu của Hãng tin Platt's (Platt Singapore), 10 ngày qua giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới ghi nhận mức thấp nhất là 125,54 USD một thùng RON 95 vào 2/3 và cao nhất 153,77 USD ngày 9/3, tức tăng gần 19%. Tương tự, giá mỗi thùng xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) cũng đắt thêm gần 18,8%; còn dầu diesel tăng khoảng 29%...

Giá xăng dầu Việt Nam được điều chỉnh theo diễn biến của giá thế giới và có độ trễ nhất định, do điều hành theo chu kỳ 10 ngày. Nhưng hai tuần qua, giá quốc tế lên mạnh và đã kịp phản ánh vào chu kỳ điều hành mới đây.

Theo tính toán của nhà điều hành, giá cơ sở xăng RON 95 ngày 11/3 đã tăng gần 14%, dầu diesel tăng 24%... so với cách đây 10 ngày. Tức là giá bán lẻ trong nước sẽ tăng theo mức tăng của giá cơ sở, lần lượt là 3.770 đồng mỗi lít RON 95 và 3.408 đồng một lít E5 RON 92, còn dầu diesel thêm 5.158 đồng.

Tuy nhiên, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, nhờ công cụ Quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh thấp hơn mức tăng của thế giới. Cụ thể, với mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 2.990 đồng, E5 RON92 tăng 2.900 đồng... vào chiều 11/3.

Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, thực chất sự leo thang của giá thế giới hiện nay đã "thoát ly" khỏi quy luật cung cầu, và tăng chủ yếu do yếu tố địa chính trị, căng thẳng Nga - Ukraine.

Việc Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga đã khiến thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh theo hướng khan hiếm nguồn cung, tác động trực tiếp tới châu Âu, sau đó lan sang các khu vực khác trên thế giới. Giá dầu vì thế biến động liên tục, khó đoán định sẽ leo thang tới đâu, hay giảm xuống đáy cỡ nào.

Ngoài căng thẳng Nga - Ukraine, các chuyên gia cho rằng, bản chất giá cả tăng còn do nhiều nguyên nhân khác của thị trường. Bởi từng có lúc thị trường dầu thô xuống đáy mà OPEC và Nga không chịu cắt giảm sản lượng để giữ giá.

"Hai năm vừa qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid nên nền kinh tế toàn cầu vận hành cũng bị 'xộc xệch', lệch khỏi trạng thái cân bằng trước đó. Giống như cơ thể không thể điều chỉnh mà phải phát ốm sốt rồi mới có thể trở về trạng thái bình thường", ông Ngô Văn Tuyển, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, phân tích.

Để đối phó nguy cơ giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng mạnh có thể kéo theo hệ luỵ tăng giá các mặt hàng khác và cuối cùng là tác động lạm phát, các chuyên gia cho rằng chính sách điều hành vĩ mô cần phải chủ động kiềm chế.

"Thuế hoàn toàn có thể giảm xuống lúc này, nhất là thuế môi trường", ông Ngô Văn Tuyển nói.

Bộ Tài chính hôm 10/3 cho biết, sẽ trình Chính phủ phương án giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu từ 1/4.

Ngoài ra, ông Ngô Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý còn có thể tính thêm các phương án giảm chính sách thuế khác, như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bởi diễn biến địa chính trị khiến giá mặt hàng này khó đoán định.

"Xăng dầu tăng giá sẽ tác động rất lớn tới các ngành sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ, nhất là vận tải khi loại nhiên liệu này chiếm 35-40% chi phí của doanh nghiệp vận tải. Cơ quan quản lý cần có kịch bản tính toán mức giá phù hợp sức chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp", ông nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất cần có những kịch bản cụ thể khi giá dầu thế giới lên 150 USD, 200 USD một thùng, thậm chí cao hơn. Tương ứng với đó là những tính toán tác động tới lạm phát, sức chống chịu của từng nhóm đối tượng cụ thể (người dân, doanh nghiệp...) và các mức độ hỗ trợ từng nhóm này ra sao. Như vậy, phản ứng chính sách với diễn biến giá sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn.

Theo VnE