Hội họa

Vì sao lại có tục cúng ông Táo về trời?

Thúy Kiều • 03-02-2018 • Lượt xem: 13417
Vì sao lại có tục cúng ông Táo về trời?

Thế gian một vợ một chồng - Chẳng như vua bếp hai ông một bà
(Ca dao)

"Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau.

Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.

Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. họ đang hàn huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà để cốt lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt ấy bị chết cháy, người vợ cũ là Thị Nhi, thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.

Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân..."

Từ đó, hình ảnh ông Táo đã gắn liền với đời sống của người Việt Nam. Mỗi năm, cứ ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ thay gia chủ lên thượng giới báo cáo chuyện trong nhà của gia chủ với Thượng Đế. Tục cúng Táo Quân ngày 23 như một cách thể hiện sự tôn kính, mong muốn Thần Táo sẽ định đoạt phước đức, may mắn cho gia đình của họ. Ngày này còn gọi là ngày Tết ông Công ông Táo. Vì lí do Táo Quân cả năm trong bếp gia chủ, biết mọi lẽ mọi sự của gia đình họ, nên việc cúng ông lên trời cần sự trọng thể, nghiêm trang và tôn kính. Lễ vật cúng gồm: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyến rực rỡ.

Sau khi cúng, đồ vàng mã sẽ được hóa bằng cách đốt đt cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lại lập bài vị mới cho ông Táo. Lưu ý với gia đình nào có trẻ con người ta còn cúng thêm gà luộc mà là gà cồ mới gáy. Thông điệp của việc này là mong Ngọc Hoàng phù hộ cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn.

Miền Bắc ngày 23 tháng Chạp người ta hay cúng cá chép như ngầm ý đó là phương tiện để ông Táo ngồi lên bay về trời. Sau khi cúng, người ta phóng sinh cá chép xuống sông. Cá sẽ hóa rồng và đưa ông Táo bay xa lên thiên đình. Tín ngưỡng dân gian này hầu như người dân Việt Nam nào cũng biết và thực hành đều đặn vào cuối mỗi năm, ngày 23 tháng 12 Âm lịch.