Duyên Dáng Việt Nam

Việt Nam cùng 4 nước châu Á kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Tiểu Vũ/Một Thế Giới • 04-08-2021 • Lượt xem: 745
Việt Nam cùng 4 nước châu Á kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà giáo – nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sẽ được UNESCO tổ chức tại Việt Nam và 4 quốc gia khác vào ngày 1.7.2022.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố đang lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 2022). Lễ kỷ niệm dự kiến sẽ tiến hành vào ngày 1.7.2022.

UNESCO cho biết đã  thông qua hồ sơ đề cử 4 quốc gia châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ sẽ cùng tổ chức sự kiện này. Các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học của 4 quốc gia trên sẽ được mời tham gia các hội thảo khoa học về cụ Nguyễn Đình Chiểu tổ chức tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, lễ kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dự kiến sẽ tổ chức tại Bến Tre với chuỗi hoạt động gồm hội thảo khoa học, triển lãm và các chương trình nghệ thuật sân khấu hóa về hình tượng Nguyễn Đình Chiều, các chương trình giới thiệu diễn ngâm những bài thơ,nổi bật là tác phẩm Lục Vân Tiên của ông.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ - nhà văn lớn của dân tộc, ông đã đóng góp rất nhiều tác phẩm có giá trị vào kho tàng văn học Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu hay còn được gọi là Cụ đồ Chiểu, tự là Mạch Trạch, Hiệu Trọng Phủ Hối Trai, ông sinh năm 1822 tại Làng Tân Thới, Phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, Tỉnh Gia Định (nay là Q.1, TP.HCM) và mất năm 1888 tại Ba Tri (Bến Tre).


Nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu - Tranh tư liệu

Ông xuất thân gia đình nhà nho hiếu học, ông nổi tiếng thông minh từ bé. Năm 12 tuổi, vì thời thế loạn lạc ông được cha gửi ra Huế để học tập và sinh sống. Đến năm 19 tuổi Nguyễn Đình Chiểu quay lại Gia Định và tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, ba năm sau đó (1843) ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.

Năm 1847, ông trở lại Huế để  chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Chưa kịp thi thì ông nhận được tin mẹ mất nên quyết định bỏ thi để về quê chịu tang mẹ. Trên đường đi, vì quá đau buồn nên ông đã khóc rất nhiều, thêm nữa là vì đường xá xa xôi, thời tiết thất thường ông đã bị ốm nặng rồi bị mù cả hai mắt. Mặc dù đã được một vị danh y hết sức cứu chữa nhưng vẫn không khỏi được. Trong thời gian chữa bệnh, ông cũng đã được vị danh y này truyền dạy nghề thuốc.

Sau khi về quê chịu tang mẹ một thời gian, năm 1851, dù đôi mắt đã mù nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Tài năng và đức độ của ông đã vang khắp lục tỉnh Nam Kỳ.

Sau khi một số tỉnh Nam Kỳ bị Pháp chiếm đóng đô hộ, dù không trực tiếp cầm gươm ra trận nhưng bằng ngòi bút của mình đã tham gia vào phong trào yêu nước, bàn mưu tính kế chống giặc. Ông sáng tác những bài thơ, bài hịch phục vụ cho kháng chiến, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Giặc Pháp chiếm đóng toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ, Nguyễn Đình Chiểu chạy về quê vợ ở Cần Giuộc, sau đó lại đến Ba Tri. Tại đây ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng thơ văn yêu nước cho đến ngày qua đời (1888).

Các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mang nhiều giá trị nhân văn, chuyển tải thông điệp nhân nghĩa, đạo đức làm người, khơi dậy lòng yêu nước thương dân, ca ngợi tinh thần anh dũng vì nước vì dân và sự hy dũng liệt của các nghĩa sĩ Nam Bộ đương thời.

Hầu hết các tác phẩm chính của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông là Lục Vân Tiên .Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. 

Ngoài ra ông còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác của xâm lược như Chạy giặc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864),Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868),Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874),Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây…