Cả khu vườn ngập tràn sắc đỏ của những bông hoa đào đã bung nở khiến lòng người dân trồng đào cả đời như quặn lại, héo khô trong ánh nắng của một buổi chiều tàn.
Thờ thẫn ngồi bên vườn đào cả buổi chiều 29 Tết (10.2), bác Bôn - một nghệ nhân trồng đào hàng chục năm ở làng Nhật Chiêu (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) nói với PV: Chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm mới, vườn đào của tôi đã nhuộm đỏ sắc hoa đào, cả vườn rực rỡ khi tết đến xuân về. Năm nay thời tiết ấm, có nắng nên hoa đào bung nở đều, đúng dịp Tết.
Bác Bôn - một nghệ nhân trồng đào lâu năm ở Nhật Chiêu
Hoa tươi rực rỡ nhưng lòng người thì héo, trong sâu thẳm từng câu nói đang vấp của bác là một nỗi buồn, nỗi buồn của một người thất thu sau một năm lao động cần mẫn. Bác Bôn cho biết, thời điểm này năm ngoái vườn đào của bác không còn cây nào vì đã được mọi người thuê hết. Còn năm nay, giờ này vườn đào vẫn còn nguyên, kể cả những cây "hạng sang" hay còn được những người chơi đào gọi là những cây hội tụ "ngũ phúc", thời điểm này năm ngoái đã được mọi người dinh về hết, còn năm nay thì "ế chỏng ế chơ".
Bác buồn bã nói: "Cây đào đẹp vậy mà không có ai mua. Ngày 30 Tết là chúng tôi đã phải cắt hết cành, bán được cành nào thì bán còn đâu thì cũng vứt hết. Năm nay kinh tế khó khăn, dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều nơi cách ly, người dân cũng hạn chế ra ngoài nên để bán được thì cũng phải hạ giá kịch sàn may ra mới có người mua, chứ còn để giá như năm ngoái thì không có khách".
Là một nghệ trồng đào lâu năm, Bác Bôn cho biết mỗi thời điểm tết đến xuân về là lúc tất bật nhưng cũng hạnh phúc nhất vì được sống trọn với đam mê chăm sóc đào của mình.
Bác ngồi thờ thẫn bên vườn đào đang bung nở của mình
Để đào nở đẹp đúng vào dịp Tết Nguyên đán thì những người trồng đào như bác đã phải bắt đầu tỉa lá cho đào từ đầu tháng 10 - 11 âm lịch. Để có được những cây đào nở đẹp, việc chọn đúng thời điểm vặt lá sẽ là yếu tố quyết định. Do đó, mỗi nghệ nhân phải có sự tính toán phù hợp sao cho đào nở đúng trong dịp Tết Nguyên đán. Sau khi vặt lá, các cây đào trong vườn sẽ tiếp tục được chăm sóc mắt để từ đó cho ra những nụ hoa mập mạp và thắm hơn.
"Trồng đào với tôi không chỉ mang lại kinh tế mà còn là tình yêu và sự trân trọng. Cứ nghĩ đến sản phẩm mình tâm huyết làm ra nhưng không được đón nhận sẽ buồn như thế nào. Đào nở đẹp thật đấy nhưng lòng tôi buồn lắm", bác tâm sự.
Cùng cảnh ngộ với bác Bôn, bác Chiến - người cả cuộc đời gắn với Dinh đào Nhật Chiêu cũng thất thu sau một năm dày công chăm sóc cả vườn đào. Bác Chiến cho biết, mọi năm là khách thường vào trong dinh đào của bác mua. Năm nay không có khách hỏi nên bác phải đánh cây lên đường bán hạ giá gấp không thì vứt đi hết.
"Tôi mang lên đường bán 5 cây to đẹp với giá 7 triệu. Đây toàn là những cây to, thế đẹp mà mọi năm cho thuê tôi cũng được 4 triệu/cây. Năm nay khó khăn khủng khiếp, bán được cây nào hay cây đấy chứ không hi vọng gì. Ngày 30 Tết tôi đã phải chặt hết cành để mang đi một số nơi bán", bác Chiến chia sẻ.
Có thể thấy một điều rằng, nghề trồng đào đem lại kinh tế khá cao, với những hộ dân làm vườn có diện tích đất trồng đào rộng, nếu "trúng quả" sẽ có một nguồn thu nhập lớn. Nhưng vì may rủi, được mất chẳng thể ngờ nên nếu thất thu thì coi như hỏng hết.
Thông tin hàng ngày về dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành khiến nông dân làng đào Nhật Chiêu (Tây Hồ, Hà Nội) càng thêm lo lắng, buồn rầu. Người trồng đào phải tự cắt cành lên chợ bán lẻ.
Ghi nhận của PV trên các con đường như: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hoa Thám... nhiều cây đào thế được các chủ vườn đào đánh lên cho vào chậu bày đầy trên vỉa hè, nhưng khách mua và người thuê chỉ lác đác.
Theo 1thegioi.vn