Hội họa

Xâu chuỗi một nỗi niềm

Đynh Trầm Ca • 25-08-2020 • Lượt xem: 10005
Xâu chuỗi một nỗi niềm

Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca nổi tiếng với bài hát "Ru con tình cũ" từ khi còn rất trẻ. Ngoài âm nhạc anh là một nhà thơ "Khúc ca phiêu bạt" được nhiều bạn bè biết đến. Không chỉ sáng tác mà anh còn thẩm thơ, bình thơ với những cảm nhận rất sâu sắc. DDVN giới thiệu bài viết của anh về thơ của Nguyễn Văn Gia. 

Tin, bài liên quan:

Giới thiệu thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: Trên dấu rêu mờ
Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Có lẽ Nguyễn Văn Gia làm thơ vào thời kỳ tuổi anh không còn trẻ nữa. Tôi không thấy thơ mê gái, thơ tán gái, thơ đau khổ vì gái, thơ hậm hực với gái… dường như tuyệt nhiên không có trong tập thơ này.

“Có một thời tôi như kẻ mộng du”
(Giấc mơ sắc màu)

Đó có phải là thời tuổi trẻ của anh? Tuổi trẻ của anh không đi theo gái mà đi theo những cơn mộng. Anh mơ một cuộc ra đi, một cuộc lên đường (hoặc xuống đường). Anh mơ những con đường huyền ảo đến nỗi nhiều khi anh cũng không còn biết mình là ai.

“Dắt nhau đi rồi mà chẳng biết về đâu
Săm soi mãi con đường không có thực”
(Hành ca cho những kẻ yêu nhau)

Anh đã làm gì trong cơn mộng du đó ?

“Tay phải tôi cầm mâu
Tay trái tôi cầm thuẩn
Tôi hò reo nhìn hai tay mình giao đấu”
(Giấc mơ sắc màu)

Cuộc giao đấu khốc liệt làm anh mù màu. Cơn đau vì bị mù màu ấy dằn vặt để rồi anh nhận ra:

“Một mình sắm nhiều vai
Xúc xắc kia sáu mặt
Đêm nằm cứ dằn vặt
Mình là mình hay ai.”
(Lẫn lộn)

Khi câu hỏi trầm trọng đó nhảy ra đứng giữa đường đi, chàng tuổi trẻ gan dạ mộng du kia lại nghĩ cách “tân trang đời mình” chứ chưa chịu bỏ cuộc.

“Ta muốn ta đổi mới
Bằng cách đi giật lùi”
(Tân trang đời mình)

Đi giật lùi. Lảo đảo. Chông chênh. Chóng mặt. Nhìn lại mình tóc đã pha sương. Mùa xuân tươi ngon đã tàn phai nên đành lân la vào vài nơi chốn từng là đồng hội, đồng thuyền để hỏi han, tìm kiếm… và chứng kiến:

“Người nghe : một anh điếc
Người nói : một gã câm
Nhưng cả hai đều biết
Đang bàn cái – trống – không.”
(Họp)


Nhạc sĩ, thi sĩ Đynh Trầm Ca và nhà thơ Nguyễn Văn Gia (Ảnh NVCC)

Cái trống không hỡi! Vậy thì “đường nào lên thiên thai”? Hỡi cái – trống – không, hãy chỉ cho kẻ du tử mộng mị kia con đường về quê vậy. Mệt rồi. Chán rồi. Chàng chỉ muốn về quê. Quê đâu, quê đâu? Đường nào sá nào? Bốn bề bê-tông hóa tùm lum, đô thị hóa chóng mặt.

“Ruộng vườn xưa biến mất
Bê-tông bê-tông hề bê-tông
Ta Từ Thúc về trần.”
(Quê nhà)

Thì ra chàng trở thành Từ Thức lạc lõng giữa chốn quê nhà.

“Hôm qua ruộng vườn
Bây giờ là phố
Tên xóm tên làng
Mấy ai còn nhớ

Tiếng võng trưa hè
Còn trong truyện kể
Giếng nước sân đình
Còn trong truyện kể
.…………
Tôi gởi lên trời
Nỗi niềm cố lý.”
(Ký ức)

Nỗi niềm cố lý hay nỗi niềm người thơ cũng vậy.
Làm sao mà gởi lên trời? Trời là ai ? Gởi theo đường nào? Lại là con đường nữa! Cái con đường luôn luôn là vấn nạn lớn nhất mà con người khát vọng đi tìm. Rồi anh lại lân la đến chốn thiền môn, có lẽ để tìm con đường giải thoát, nhưng hỡi ơi:

“Lên chùa tìm chút thảnh thơi
Ai dè chùa cũng như… đời ngoài kia
Cũng thứ hạng
cũng phân chia
Chỗ này vô nhiễm
chỗ kia thị trường
Đành rằng tất cả vô thường
Thôi ta về lại phố phường
ẩn tu"
(Lên chùa)

“Đã đọc qua sách thiền
Hít… thở…tâm bình yên
Bước một bước gặp cướp
Lại nổi khùng nổi điên.”
(Xin lỗi thiền)

Không tu luyện được anh trở về làm thơ. Có lẽ thơ là con-đường-giải-thoát của con người, không riêng cho anh, không riêng cho một người làm thơ nào. Thơ từng cứu rỗi con người. Nhà thơ Phùng Quán đã viết đâu đó: “Có những phút ngã lòng /Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Có người khổ quá ngâm nga một điệu thơ buồn rồi lòng nhẹ tênh. Có người điên làm thơ mà tinh tấn. Có người vô vọng, muốn tự tử đọc bài thơ “Những Trận Chết – (thơ Đynh Trầm Ca)” đã không chết nữa mà tìm được lối đi. Có người trẻ đọc thơ thấy mình lớn hơn. Có người già đọc thơ thấy lòng trẻ lại. Và làm thơ, theo tôi, có lẽ là con đường êm ái nhiệm mầu hơn tất cả những con đường khác.

Trong bài viết này tôi không có ý bình luận gì về thơ Nguyễn Văn Gia. Tôi chỉ cảm một nỗi niềm. Một nỗi niềm gởi gắm trong từng bài thơ nho nhỏ của anh. Tôi thử xâu chuỗi lại chơi cho vui. Vậy thôi.

Đynh Trầm Ca

DDVN GIỚI THIỆU CHÙM THƠ NGUYỄN VĂN GIA 

Quạnh vắng thềm rêu 

Đã trao ấn kiếm buồn chi nữa
Buổi xếp hoàng bào biệt cấm cung
Hỡi ơi vua chúa còn mơ ngủ
Thì huống hồ chi kẻ thứ dân

Trời vẫn xanh trên thành quách cũ
Sao lòng người quá đỗi rêu phong
Ngô đồng kia buồn chi ủ rũ
Chẳng vàng rơi cho kịp thu sang

Em tôn nữ hay là quận chúa
Chờ ai đây cửa phủ cuối chiều
Từ dạo mùa vui không về nữa
Chỉ nghe lá rụng dưới thềm rêu...


Màu hoàng hôn 

Hoàng hôn màu gì nào ai có biết
Là cháy hết mình ở mỗi sát na
Em cố giấu nỗi buồn trong mắt biếc
Anh có nhìn đâu mà vẫn cứ nhận ra

Khi ngỏ lòng chút tình vui vừa chớm
Mắt môi thơm em thiếu phụ ngại ngùng
(Anh - chiếc lá rơi bên thềm rêu vắng
Hay sợi tóc buồn giã biệt những đêm xanh)

Mai sau rồi sẽ gặp lại nhau thôi
Cái đã nắm chặt trong tay lắm khi còn chưa chắc
Mây trên trời đã bao lần phản trắc
Làm sao tin đượcchuyện luân hồi

Tiếng thở dài đâu phải để tặng cho nhau
Không - chỉ là tiếng trăng vừa rụng dưới hiên sầu
Thì thôi... thôi thì đành thôi vậy
Chút tình phai anh xin trả lại cho người.
 

Mênh mông trả lại đất trời

Trả sông
về lại cho sông
Cây rừng
về lại chập chùng non xanh
Vườn xưa
cho chị cho anh
Hoa cho ong bướm
đất lành cho chim
Tuổi thơ trả lại cho em
Áo cơm
cho những lênh đênh
phận người
Mênh mông
trả lại đất trời
Câu thơ cười khóc
phận đời buồn vui
Người ơi
Trả lại cho người!


Các nhà thơ Nguyễn Văn Gia, Huỳnh Văn Hoa, nhà phê bình Đặng Tiến (Paris), Nguyễn Ngọc Hạnh từ trái qua.

Vội chi những tàn phai

Chưa đi bao nhiêu dặm
Ngoảnh lại hết một đời
Hoàng hôn như dấu lặng

Chưa hợp đã vội tan
Sóng chưa kịp bạc đầu
Sầu chưa vơi ly cạn

Chiều đi chiều đi mãi
Vạt nắng phất phơ bay
Phải mùa thu đang vội?

Thôi còn chi mong chờ
Hạc vàng xưa mất dấu
Hoang vu khắp bãi bờ

Chẳng còn bao dặm đường
Mà người đi, kẻ ở
Mắt lệ nhòa như sương

Vội chi những tàn phai
Vội chi hỡi phiêu dạt
Không kịp lời chia tay

Chưa đi bao nhiêu dặm
Ngó lại hết một đời!

Trò chuyện qua phone

Bạn học tôi - lính ngụy
Ngày chiến tranh chấm dứt
Trại cải tạo - bạn đi
Năm năm trời lâu lắc

Ngày bạn về vất vả
Nghề nghiệp có như không
Chuyện Tái ông thất mã
Hát ô (HO) - thế là dông

Phone cho tôi bạn kể
Đêm nằm mơ thấy gì
Thấy cái Ngã Ba Huế
Thấy cái chợ Thanh Khê

Nhớ ơi mùi mắm cái
Cái mũi mình nghe thơm
Cái lưỡi mình nghe ngon
Mỹ nghe mùi... bỏ chạy

Bạn hổng nhớ New York
Cũng chẳng nhớ Cali
Quay quắt nhớ chợ Cồn
Nhớ bánh mì ông Tý

(Yêu nước là cái gì
- Nói hoài không hết ý
Quê hương là cái chi
- Xa rồi da diết nhớ!)

Cũng có kẻ vô tình
Cứ tà tà vơ vét
Quê nhà như quán trọ
Ra đi là quên hết...

Bạn dặn con nhiều lần
Tro cốt - khi trăm tuổi
Một nửa rải sông Hàn
Nửa kia đèo Hải Vân

Lặng im nghe bạn nói
Không khóc... lệ tôi rơi

Viết sau khi đọc lời kinh trong bàn tay 

Một mình trong chiều vắng
Mới nghe đời quạnh hiu
Hoàng hôn rồi - mây trắng
Bay về đâu, về đâu...

Mình chỉ là cơn gió
Mặt đất này ghé qua
Mất - còn như hơi thở
Phập phù mỗi sát-na

Nhớ bao lần sấp ngã
Trên đường dài áo cơm
Bao nhiêu lần mình đã
Nổi chìm chút lợi danh

Lối cỏ quen ở đó
Từng níu chân mình qua
Em thơm lòng thiếu nữ
Tưởng gần - mà thật xa

Đọc hoài vẫn không thuộc
Lời kinh trong bàn tay
Nhủ lòng - buông bỏ trớt
Cuối đời vẫn loay hoay...

Nguyễn Văn Gia