Duyên Dáng Việt Nam

Xây công viên công nghệ, phát hiện hơn 6.000 ngôi mộ cổ

Mẫn Nhi • 15-05-2020 • Lượt xem: 944
Xây công viên công nghệ, phát hiện hơn 6.000 ngôi mộ cổ

Khi đang chuẩn bị xây dựng công viên công nghệ, cơ quan chức năng Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phát hiện hơn 6.000 ngôi mộ cổ chứa hài cốt có niên đại từ thời Chiến Quốc đến triều đại nhà Minh.

Tin, bài liên quan:

Hé lộ nhiều bí mật ở thành phố 5.300 năm tuổi

Tìm thấy ấn triện vàng gần 8kg cách đây 4 thế kỷ

Phát hiện thuyền khâu thủ công La Mã 2.000 năm tuổi

Hơn 6.000 ngôi mộ cổ này được phát hiện ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong khu vực công viên Khoa học và Công nghệ Sáng tạo Thành Đô có diện tích 10,34 mét vuông.

Viện nghiên cứu di tích văn hóa và khảo cổ học Thành Đô cho biết quần thể mộ cổ này có niên đại kéo dài hơn 2000 năm từ giữa thời Chiến Quốc (475 TCN-221 TCN) đến Nhà Minh (1368-1644). Địa điểm khảo cổ này nằm ở phía Nam Thành Đô, bắt đầu được khai quật từ tháng 3/2015 nhưng đến nay các nhà khoa học mới tiết lộ kết quả sơ bộ của công trình này. 

Nhà khảo cổ Zuo Zhiqiang, người đứng đầu nhóm khai quật cho biết, ngoài các loại mộ cổ khác nhau, các nhà khảo cổ học còn khai quật được phần còn lại của nhiều ngôi nhà, một số thuộc thời kỳ đồ đá mới. Bên cạnh đó là hàng chục ngàn di tích văn hóa của các triều đại khác nhau, bao gồm đồ gốm, đồ đồng, đồ đá và tiền xu, ngọc trai của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Các ngôi mộ cổ được chạm khắc trên vách đá

Hầu hết các ngôi mộ được chạm khắc vào một vách đá nhỏ như những ngôi mộ hố đá hoặc được xây từ gạch và chứa hàng chục ngàn mảnh gốm, sứ, đồng, sắt, thủy tinh, tiền xu và đồ tạo tác bằng đá. Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra các di tích văn hóa như một con dao bằng đồng mạ vàng, tượng phật, tượng nhỏ và công trình bằng gốm nhỏ được sơn. Một số ngôi mộ phải dùng gỗ chống để không sụp đổ.

Các mẫu vật khai quật được

Một phát hiện đáng chú ý là ngôi mộ được bảo tồn tương đối tốt từ cuối thời nhà Hán được đặt tên là Mộ vách đá M94, chứa 86 vật chôn cất và hàng trăm đồng xu. Điều đặc biệt là tất cả các ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn và không bị xáo trộn trong nhiều thế kỷ. Theo Tân Hoa Xã các ngôi mộ thời kỳ đó thường bị những kẻ trộm đột nhập lấy cổ vật. 

Những bức tượng được tìm thấy giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về phong tục tang lễ Trung Quốc qua các thời kỳ

Những ngôi mộ này có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự phát triển của phong tục tang lễ Trung Quốc, nhất là khi khu vực này đóng một phần rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, thường được chọn làm “cứ địa” của các tướng lĩnh nổi loạn và các đế chế độc lập.
Ông Zuo Zhiqiang cho biết: “Đây là những phát hiện rất quan trọng đối với nghiên cứu trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây và cả những thay đổi xã hội cổ đại dọc theo con đường tơ lụa”. 

(Theo Sina, Tân Hoa Xã)