VĂN HÓA

Ý nghĩa phong tục cúng giao thừa và xin lộc đầu năm của người Việt

Hoài Việt • 21-01-2023 • Lượt xem: 851
Ý nghĩa phong tục cúng giao thừa và xin lộc đầu năm của người Việt

Cúng giao thừa và xin lộc đầu năm được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Bởi giao thừa là thời khắc chuyển giao năm mới vô cùng thiêng liêng, được người Việt chú trọng chuẩn bị mâm cúng sao cho tươm tất nhất. Đằng sau đó, cúng giao thừa và xin lộc có nguồn gốc từ rất xa xưa, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình.

Nguồn gốc lễ cúng giao thừa

Người xưa tin rằng, việc làm sau một năm của mỗi người, mỗi gia đình sẽ do các vị quan cai quản, tổng kết lại và bẩm báo lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ dựa vào đó mà đưa ra hình phạt để luận tội đối với những việc làm sai, hoặc ban phúc lành, lợi lộc dành cho những việc thiện, tốt đẹp. 

Các vị quan chịu trách nhiệm cho công việc này là 12 Phán quan nhà trời - các vị Thiên binh (gồm 12 vị Hành khiển). Họ cũng là đại diện cho 12 con giáp. 12 vị hành khiển thay phiên nhau trông coi hạ giới, họ lần lượt xoay vòng theo thứ tự 12 con giáp. Sau khi đúng một vòng thì quay ngược lại vị đầu tiên của năm Tý. 

Thời điểm giao thừa chính là lúc vị quan của năm cũ bàn giao công việc cho vị quan mới và bay về trời tâu lại kết quả sau một năm đối với Ngọc hoàng. Do vậy, mỗi nhà chú trọng chuẩn bị mâm cỗ sao cho đủ đầy, chỉn chu chính là thể hiện lòng thành khi đón tiếp các vị quan, cầu mong được nhiều điều tốt đẹp. 

Ý nghĩa lễ cúng giao thừa 

Nghi thức cúng lễ được cử hành bằng việc bày mâm cỗ và dâng hương vào đúng thời khắc. Người xưa gọi đó là “tống cựu nghinh tân", tức tiễn đưa vị quan năm cũ, đồng thời nghênh đón vị quan năm mới. Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đó, lễ cúng giao thừa còn mang ý nghĩa rước ông bà tổ tiên về tề tựu ăn Tết cùng con cháu. Dâng hương vào giao thừa giúp không gian nhà trở nên ấm áp hơn nhờ phước lành và sự phù trợ của các bậc thần linh. Từ đó thu hút nhiều điều tốt đẹp và may mắn. 

Nguồn gốc hái lộc đầu năm

Tương truyền rằng khi xưa, vào thời vua Hùng, khi thấy các con khôn lớn, nhà Vua chọn ngày đầu năm mới gọi các Lạc Hầu, Lạc Tướng đến giao nhiệm vụ đi khắp các nơi chia nhau cai quản. Song song đó là dạy dân làm ăn, canh tác, phát triển đời sống. Tuy nhiên, sau khi nghe lời cha phán truyền, các vị đều bịn rịn, lưu luyến không nỡ rời xa cha mẹ. Thấy thế, Hoàng hậu mới nghĩ ra cách rằng nên làm lễ tế trời đất, sau đó xin lộc chia đều cho các con. Ai nhận được cành lộc thuộc phương nào thì sẽ đến nơi đó cai quản.

Nghe xong, nhà vua liền chọn ngày lành tháng tốt rồi thực hiện nghi lễ trên núi Nghĩa Lĩnh, đến giờ thì đích thân Vua và Hoàng hậu vào rừng hái lộc ban cho các con. Trước khi ban cho từng vị, Vua cha căn dặn kĩ càng: 

“Non ở nhà, già đi ấp

Chẵn lên non, còn lẻ xuống biển.

Các con hãy nghe lời Vua cha căn dặn, mang cành lộc này đi trấn giữ ở các phương, răn dạy dân chúng làm ăn sao cho ai ai cũng được no ấm. Trên đường đi khó tránh khỏi hiểm nguy, nếu lỡ như gặp phải chuyện không may, các con nhớ cầm cành lộc còn đượm hơi sương này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà đều phải sợ hãi bỏ chạy, không ai có thể hại được các con.”

Lời dạy này khiến các vị Lạc Hầu, Lạc Tướng vì vậy mà yên tâm lên đường dưới sự tiễn đưa của Vua cha và Hoàng hậu. Mỗi người đến một nơi giúp dân có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Và nhờ có cành lộc mà bài trừ được những điều xấu xa. Từ đó, phong tục hái lộc được tin tưởng và trở thành nét đẹp văn hoá của người Việt cho đến tận ngày nay. 

Ý nghĩa phong tục hái lộc đầu năm 

Theo quan niệm dân gian, nụ cây đầu tiên của năm mới tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Do đó, hái lộc là nghi thức bẻ cành cây (cành lộc) từ những loại cây có sức sống mạnh mẽ mang về nhà. Điều này mang ý nghĩa tựa như rước những điều may mắn về cho gia đình vào năm mới. Hơn nữa, đặc biệt khi hái lộc ở các đền chùa còn tượng trưng cho phần phúc ấy là do Thần, Phật ban xuống dân lành. Khi xin được lộc từ các vị sẽ nhận được sự phù hộ cho ấm no, đủ đầy, bình an cho cả gia đình trong suốt một năm.