VĂN HÓA

Bờ sông vẫn gió, Trúc Thông ơi!

DDVN • 27-12-2021 • Lượt xem: 429
Bờ sông vẫn gió, Trúc Thông ơi!

Vào 6 giờ 33 phút ngày 26.12.2021, nhà thơ Trúc Thông đã lặng lẽ vĩnh biệt những hàng cây xanh, vĩnh biệt “Bờ sông vẫn gió” mà anh thương yêu gần như suốt cả đời mình.

Anh vĩnh biệt người vợ tần tảo đã chăm nuôi mình bao nhiêu năm và những đứa con yêu dấu của mình. Vĩnh biệt cả những người bạn thơ đã yêu quý mình cả tuổi trẻ từ chiến tranh sang hòa bình.

Tôi còn nhớ, ngày chúng tôi học ở Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội sơ tán tận suối Đôi, xã Van Thọ, H.Đại Từ, Thái Nguyên, Trúc Thông học trên tôi một lớp, nhưng anh là bộ đội phục viên, nên hơn bọn học sinh chúng tôi nhiều tuổi. Và hơn chúng tôi khi thơ anh đã được đăng trên báo Văn Nghệ. Có cảm giác, anh đã là nhà thơ ngay từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi ở gần nhau sát chân núi, nên hằng ngày vẫn gặp Trúc Thông đi ngang qua nhà, vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc thơ. Sau này, khi may mắn tôi thành bạn của Trúc Thông, chơi cùng nhau mới hiểu, với Trúc Thông, Thơ là một cõi thiêng liêng nhất. Đó là người sùng bái Thơ suốt cuộc đời mình. Và mỗi khi Trúc Thông làm thơ, có cảm giác anh đang hành lễ.


Nhà thơ Trúc Thông

Tôi vẫn nhớ bài thơ Trúc Thông từ nơi sơ tán viết về Hà Nội khoảng năm 1967:

Hà Nội ơi tôi yêu dưới đáy hồ lưỡi kiếm

Những thế hệ cầm soi không thẹn với cha ông

Yêu một sớm mưa người đi thưa thớt

Nhìn cây xanh thành phố bỗng đông hơn

Ngày ấy, người Hà Nội chủ yếu đi bộ, thỉnh thoảng có đi xe đạp. Trong buổi sáng mưa nhẹ, người đi ít, tự nhiên Trúc Thông viết câu thơ xuất thần: “Nhìn cây xanh thành phố bỗng đông hơn”. Bỗng chốc cây xanh Hà Nội đã hóa thành người, khiến đông đúc hơn cho một thành phố sơ tán, khi công dân thành phố chỉ chờ nghe còi báo động. Anh với tôi từng đạp xe tới 12 giờ đêm qua các phố Hà Nội vắng người, chỉ để gặp lại những hàng cây cơm nguội, cây sữa, cây bàng, cây sấu và nhiều loại cây khác.

Tự khó tính với sáng tạo của mình, Trúc Thông đã trở thành một nhà thơ cổ điển ngay khi còn đang sống và sáng tác. Nhưng từ nhiều năm nay, anh đã phải ngừng sáng tác sau lần tai biến rất nặng. Từ lúc ấy, thơ chỉ còn là bạn của anh trong vô thức.

Khóc anh, tôi muốn đưa lại chính bài thơ anh đã viết để khóc mẹ mình, bài Bờ sông vẫn gió:

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió

Người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối... một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một thời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ vương hình bóng cha

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi

Nhà thơ Trúc Thông (tên thật là Đào Mạnh Thông), sinh năm 1940, quê Hà Nam. Ông tốt nghiệp Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Là một nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giữ nước, ông đã để lại nhiều bài thơ ấn tượng. Các tác phẩm đã xuất bản: Chầm chậm tới mình (thơ,1985); Ma-ra-tông (thơ, 1993); Một ngọn đèn xanh (thơ, 2000); Vừa đi vừa ở (thơ, 2005); Trúc Thông thơ (2014); Văn chương ngẫu luận (lý luận phê bình, 2003); Mẹ và em (bình thơ, 2006); Trúc Thông tiểu luận bình thơ (2013). Ông được trao nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội 1990 - 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2016. Bài thơ Cao Bằng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) là 1 trong những bài thơ nổi tiếng của ông.

Ông qua đời sau 10 năm bị tai biến nằm liệt giường. Lễ viếng vào 15 giờ ngày 26.12 tại số nhà 25 ngõ 226 đường Cầu Giấy, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang lúc 8 giờ 15 ngày 27.12. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển. An táng tại quê nhà Bình Lục, Hà Nam.

Nguyễn Việt Chiến

Theo Thanh Thảo/Thanhnien.vn