VĂN HÓA

Bộ tranh vẽ nghệ sĩ Việt Nam và Thế giới độc đáo của một họa sĩ sống ở Tây Ban Nha (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 20-05-2021 • Lượt xem: 4089
Bộ tranh vẽ nghệ sĩ Việt Nam và Thế giới độc đáo của một họa sĩ sống ở Tây Ban Nha (Kỳ 1)

Một bộ tranh rất ấn tượng của một nữ họa sĩ Việt Nam hiện đang sinh sống ở Tây Ban Nha gần đây gây được sự chú ý trên mạng xã hội. Đó là chân dung của các văn nghệ sĩ Việt Nam & Thế giới qua góc nhìn riêng của ký ức, thẩm mỹ, khác biệt của một cá nhân. Cô có cái tên Aroma Profundo nhưng tên thật là Nguyễn Phạm Thúy Hương. DDVN giới thiệu cùng bạn đọc.

Tin và bài liên quan: 

Thay đổi phong cách gợi cảm với stylist Hebe Nguyễn

Hương Lụa và những bức tranh đẹp

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật

Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!

Nguyễn Hữu Hồng Minh và Cao Minh Đức hủy show 'Còn Lại Tình Yêu' tại Đà Nẵng

Tôi thực sự kinh ngạc và ngưỡng mộ trước sức làm việc của nữ họa sĩ, thi sĩ, nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Phạm Thúy Hương có tên Aroma Profundo hiện đang sống ở đảo Canarias thuộc Tây Ban Nha.

Chân dung tự họa của nữ họa sĩ, thi sĩ, dịch giả, nghiên cứu Aroma Profundo - Nguyễn Phạm Thúy Hương. Vẽ tại đảo Canarias - Tây Ban Nha, tháng 4.2021.

Cách đây không lâu tôi đã viết trên DDVN bài giới thiệu về bộ Từ điển Tây Ban Nha - Việt Nam đầu tiên do một nghệ sĩ Việt Nam làm.

Đó là một công việc thuần khoa học, đơn điệu nhưng đòi hỏi sự rành ròi, trí tuệ và tính nghiêm xác. Làm sao một họa sĩ vẫn luân vũ bất tận với sắc màu, thỏa thê bay lượn những chân trời trong bức tranh bỗng một hôm vứt bỏ tất cả để ngồi xuống phân chia các danh từ, mạo từ, tính từ, động từ, các nghĩa đen nghĩa bóng của nó? Chưa hết còn tìm những từ đồng nghĩa, tương nghĩa so sánh trong bối cảnh một ngôn ngữ khác?

Càng khó tưởng tượng khi Aroma Profundo viết thêm cuốn "Văn phạm tiếng Tây Ban Nha" dành cho những bạn muốn tiếp xúc, làm quen và học môn ngoại ngữ này. Việc "đi sát" với các từ, so sánh "từng bậc" các ý nghĩa tôi nghĩ đã giúp cho Thúy Hương một tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đi đến cùng đam mê hay sáng tạo của mình.

Cũng như thế khi chị vẽ bộ chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam. Những chân dung điểm xuyết, lột phá tài tình phong cách, tài năng, tác phẩm ẩn sâu hay toát ra trên từng nét vẽ.  

   

Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 -1940)

Thi sĩ Hàn Mặc Tử quê gốc Quảng Bình. Ông đã khởi xướng Trường thơ Loạn. Người đời còn truyền tụng các câu thơ điên nổi tiếng của ông. "Giời hỡi làm sao cho khỏi đói / gió trăng có sẵn làm sao ăn? / Làm sao giết được người trong mộng? / Để trả thù duyên kiếp phụ phàng". 

Thi sĩ Bích Khê (1916 - 1946)

 Bích Khê quê Quảng Ngãi. Ông mất sớm khi chưa đầy 30 tuổi. Hai thi phẩm lớn của ông là "Tinh hoa" và "Tinh huyết". Thơ, như quan niệm của ông là rút từ máu. Cuộc đời là quá ngắn ngủi. Chỉ những câu thơ còn lại. "Những tờ thơ cũ đầy hơi hám / Tay khách đa tình sẽ chuyển trao...". 

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924 - 2001) và thi sĩ Từ Linh (? - 1992)

Nhạc sĩ tiền chiến "chuyên" viết về mùa thu Hà Nội, mùa thu quê hương và tình yêu chuyển bến theo mùa theo màu thời gian. Không dừng lại ở đó, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn được cuộc đời ca ngợi khi ông sống thủy chung với bạn bè là thi sĩ Từ Linh, người được cho là viết ca từ cho hầu hết những bài hát nổi tiếng của Đoàn Chuẩn như "Thu quyến rũ", "Tà áo xanh", "Tình nghệ sĩ"... Hiện nay vẫn còn những tranh cãi xung quanh cặp đôi huyền thoại này nhưng vượt trên hết cả hai đã vào cõi bất tử. Thị phi vẫn là chuyện muôn thưở của cuộc đời.  

Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 -2013)

Nhạc sĩ Phạm Duy, cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Có thể nói ông có một vai trò rất quan trọng, có nhiều đóng góp trong sự phát triển mỗi chặng đường của âm nhạc. Sự nghiệp của ông đồ sộ và lẫy lừng khi ông đã viết và phổ biến trên 1000 ca khúc do mình sáng tác. 

Gia đình Phạm Duy có nhiều người trong lãnh vực nghệ thuật, ngoài người cha Phạm Duy Tốn và anh trai Phạm Duy Khiêm là những nhà văn có tiếng, còn có anh thứ Phạm Duy Nhượng cũng là nhạc sĩ, tác giả ca khúc "Tà áo Văn Quân". Một người anh họ của ông là học giả Nguyễn Văn Ngọc, tác giả cuốn "Tục ngữ phong dao". Học giả Trần Trọng Kim từng nhận ông làm con nuôi.

Nhạc sĩ Cung Tiến (sinh năm 1938) tác giả của những ca khúc bất hủ "Thu vàng", "Hoài cảm", "Hương xưa"...

Ông nổi tiếng khi viết ca khúc "Hoài Cảm" từ năm 14 tuổi. Tuy sáng tác rất ít nhưng ông được khán giả rất yêu thích vì nhiều người cho rằng "Dòng nhạc của ông đặc biệt tinh tế và sang trọng".  

Năm 1993, với tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác, Cung Tiến đã soạn "Tổ khúc Bắc Ninh" cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này.  Năm 2003, Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại "Lơ thơ tơ liễu buông mành" dựa trên một điệu dân ca Quan họ.

Một mẫu phác thảo về nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007), "người hiền Quảng Nam" qua mắt họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương. 

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân bên bức tranh sơn dầu đã hoàn thành vẽ chân dung ông của họa sĩ Aroma Profundo Thúy Hương. Không lâu sau đó ông mất. 

Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét về các tác phẩm của nhà văn, học già Nguyễn Văn Xuân: "Đọc các tiểu thuyết, truyện ngắn của ông, thấy rõ sự uyên thâm của một học giả toàn diện, cực kỳ giàu vốn sống, vừa xông xáo mạnh mẽ trong suy tưởng, vừa tinh vi, tinh tế và đầy mẫn cảm...Đọc các công trình nghiên cứu của ông lại hấp dẫn như tiểu thuyết...Chẳng hạn như cuốn "Phong trào Duy Tân" và "Khi những lưu dân trở lại"...Và nếu chỉ tính riêng hai tác phẩm này thôi, ông cũng đã xứng đáng có một vị trí thật đáng trân trọng trong những nhà văn hóa đặc sắc của Việt Nam ở thế kỷ qua...". 

Những tác phẩm đã xuất bản của nữ họa sĩ Aroma Profundo. Ngoài vẽ, cô còn là một thi sĩ tài hoa với những bài thơ độc đáo mà DDVN sẽ giới thiệu thời gian tới. 

Mỗi bức chân dung nghệ sĩ của Aroma Profundo Thúy Hương vẽ không chỉ giống với nhân vật mà còn bừng sáng bởi tấm lòng, sự yêu mến đặc biệt của cô khi đã từng tiếp nhận qua việc đọc, nghe, chiêm ngắm... hay suy tư về những tác phẩm Thơ, Nhạc, Họa... mà các bậc tài danh đã sáng tạo dâng hiến cho cuộc đời. Đó không chỉ phản ảnh thô thiển mà còn tràn đầy cảm xúc rung động, cộng hưởng và sự biết ơn.

Thái độ cao cả chỉ xuất phát từ những nghệ sĩ lớn, tâm hồn lớn!

Hương Tây Ban Nha - tôi vẫn gọi như vậy trong nghệ thuật, như là một biệt lệ!...   

(Xem tiếp kỳ 2)

Sài Gòn, tòa soạn DDVN, chiều 20.5.2021

Nguyễn Hữu Hồng Minh