Duyên Dáng Việt Nam

Cần lưu ý khi trẻ em chậm lên cân, thường xuyên bị mệt

DDVN • 25-06-2020 • Lượt xem: 718
Cần lưu ý khi trẻ em chậm lên cân, thường xuyên bị mệt

Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) vừa điều trị thành công cho bệnh nhi L.H.T (SN 2016, ngụ tại H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bị hẹp động mạch phổi.

Tin, bài liên quan:

Đừng chủ quan với sốt xuất huyết ở trẻ

Theo thông tin từ gia đình, gần đây cháu T. da xanh xao, chậm lên cân, thường xuyên bị mệt, khó thở, thỉnh thoảng đe dọa ngất xỉu, đặc biệt dễ bị khi gắng sức. Tình trạng ngày càng nặng hơn nên em được gia đình đưa đến khám trong chương trình tầm soát bệnh lý tim mạch miễn phí cho trẻ em của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long và đã được chẩn đoán hẹp nặng van động mạch phổi.

Bé đang được khám lại trước khi cho xuất viện - Ảnh: Nguyễn Hồ

Cháu bé được nhập viện điều trị và vào ngày 17.6, nhóm can thiệp tim bẩm sinh của Khoa Can thiệp nội mạch đã tiến hành xử lý thành công, nông van động mạch phổi bằng bóng qua da cho cháu bé. Đây là phương pháp tối ưu được lựa chọn điều trị cho những trường hợp hẹp van động mạch phổi ở trẻ, phương pháp có tỷ lệ thành công cao, an toàn và đặc biệt tránh cho trẻ khỏi phải trải qua cuộc phẫu thuật tim hở.

Trong phương pháp này, 1 bóng nông van động mạch phổi theo dây dẫn phù hợp sẽ được đưa đến vị trí hẹp van động mạch phổi qua ống dẫn đặt ở tĩnh mạch đùi. Sau đó bóng sẽ được bơm lên với áp suất phù hợp và bóng sẽ tách được chỗ dính mép van làm tăng diện tích mở van, tăng lưu lượng dòng máu lên phổi.

Theo Ths-BS Nguyễn Đình Đại Khánh, Phó trưởng khoa Ngoại tim mạch - Can thiệp nội mạch, Trưởng ê kíp can thiệp tim bẩm sinh của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, đồng thời là bác sĩ trực tiếp can thiệp cho bé: “Sau can thiệp cháu bé hồi phục sức khỏe tốt và đã xuất viện sau 1 ngày nằm viện theo dõi. Đây là trường hợp bệnh tim được tài trợ 100% chi phí điều trị từ quỹ Vina Capital”.

Hẹp động mạch phổi đơn thuần chiếm 8 - 12% các trường hợp bệnh lý tim bẩm sinh. Hẹp động mạch phổi thường đi kèm với những tật tim bẩm sinh khác như còn ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất, tứ chứng fallot… Hẹp động mạch phổi có thể dưới van, tại van, trên van (thân, 2 nhánh chính, nhánh ngoại biên). Hẹp động mạch phổi ngoại biên thường hay đi kèm với các hội chứng: nhiễm rubella bào thai, William, Noonan, Alagille, Ehlers-Danlos, Silver- Russell.

Những trẻ có nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch phổi khi mẹ bị nhiễm rubella hoặc các siêu vi khác trong thời kỳ đầu của thai kỳ; bố hoặc mẹ có dị tật tim bẩm sinh. Khi người mẹ uống rượu, hút thuốc khi mang thai, bị đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết, bị lupus ban đỏ, sử dụng một số loại thuốc trong khi mang thai như Isotretinion trị mụn, thuốc chống co giật, và một số thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực… cũng khiến bé dễ mắc bệnh.

Trẻ sinh ra mắc bệnh hẹp động mạch phổi, các triệu chứng sẽ được thấy ngay sau khi sinh. Triệu chứng của hẹp động mạch phổi có thể xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày, gồm da xanh hoặc xám (chứng xanh tím); da lạnh, tái nhợt; thở nhanh hoặc khó thở; bú kém, khó thở tăng khi bú...

(Theo Một thế giới)