Duyên Dáng Việt Nam

Chế ngự 'tuổi nổi loạn' giúp con tự nhận thức để vững vàng

Cẩm Tú • 21-05-2020 • Lượt xem: 524
Chế ngự 'tuổi nổi loạn' giúp con tự nhận thức để vững vàng

Bước vào lứa tuổi thanh thiếu niên, trẻ thường có suy nghĩ chưa chín chắn, bốc đồng, muốn khẳng định bản thân nhưng hành động lại rất bản năng. Cấm cản và khuyên răn ít có tác dụng trong giai đoạn này. Cách tốt nhất là giúp trẻ tự nhận thức, nắm bắt các vấn đề của mình để tự điều chỉnh hành vi.

Tin, bài liên quan:

4 đức tính quan trọng nên rèn luyện cho trẻ

Khuyến khích con bạn nói chuyện cởi mở về các vấn đề của mình

Cố gắng có những cuộc trò chuyện cởi mở, để con có thể bày tỏ cảm giác, suy nghĩ của mình. Thay vì áp đặt con phải như thế này, con phải làm như thế kia,  hãy hỏi xem suy nghĩ của con như thế nào, tại sao con lại suy nghĩ như vậy, theo con vấn đề này đúng hay sai.

Ở tuổi thanh thiếu niên, con đã có những kiến thức xã hội cơ bản, có kiến giải, quan điểm của riêng mình. Nếu không lắng nghe, không đứng ở góc độ của con để suy nghĩ cha mẹ sẽ chỉ nhìn thấy mặt nổi loạn của con.

Cũng chính vì nhiều cha mẹ không chịu lắng nghe và thấu hiểu nên con ngày càng kéo giãn khoảng cách với cha mẹ. Nguy hiểm nếu con kết thân với bạn xấu, con dễ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi sai trái.

Bởi vậy, cha mẹ nên thường xuyên lắng nghe con, gợi mở con nói ra những tâm sự, đừng phán xét. Lắng nghe con tuy không thể ngay lập tức điều chỉnh hành vi của con nhưng giúp cha mẹ hiểu được diễn biến tâm lý của con, nắm được những việc con đang phải đối mặt, những bạn bè có ảnh hưởng với con. Từ đó, tìm cách tác động, điều chỉnh phù hợp.

Chỉ ra những điểm tích cực

Ở ngưỡng cửa cuộc sống trưởng thành, những đưa trẻ có xu hướng chứng minh bản thân, khẳng định cái tôi cá nhân. Thời điểm này điều khiến trẻ bị tổn thương và khó chịu nhất là không được công nhận và bị người lớn chỉ trích.

Dù suy nghĩ, hành động có phần thiếu chín chắn, nhiều khi còn nông nổi, ở tuổi này con đã không còn là một đứa trẻ nữa. Với những kiến thức con được học, những kinh nghiệm con có được tuy chưa nhiều nhưng đủ để con đưa ra quyết định cho bản thân. Cha mẹ thường nghĩ rằng con bướng bỉnh, cứng đầu, khó bảo nhưng thật chỉ là con muốn chứng minh cho cha mẹ thấy con cũng đúng.

Bởi vậy, đừng vội vàng ngăn cấm, phán xét hành động của con. Tâm sự với con nhiều hơn, chỉ ra những điểm mạnh của con, những suy nghĩ tích cực con có được. Phân tích cho con những điều còn thiếu sót, đưa ra lời khuyên chân thành và hướng dẫn cho con.

Trong mỗi đứa trẻ luôn có một tiềm năng, đừng chỉ nhìn vào những lỗi lầm, thiếu sót mà quên mất những chủ kiến táo bạo, những cách làm mới mẻ của con.

Không khuyến khích so sánh

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Rất khó để nhìn thấy điểm mạnh của một đứa trẻ khi nhìn nhận chúng bằng cái nhìn cầu toàn.

Khi so sánh con với người khác, cha mẹ nghĩ rằng điều này sẽ giúp bé hiểu và coi đó là tấm gương để học hỏi. Nhưng thực ra, rất nhiều đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ty và bị coi thường. 

Cha mẹ nên giúp con bằng cách ngừng so sánh với bạn bè hay các anh, chị, em của chúng. 

Xin lời khuyên của chuyên gia

Nếu con đang phải vật lộn với bài vở, các mối quan hệ bạn bè, thầy cô tại trường học, có những vấn đề không muốn tâm sự với cha mẹ. Cha mẹ có thể tìm cho con một chuyên gia để xin lời khuyên.

Tuỳ vào vấn đề con gặp phải có thể cân nhắc đưa con đến một chuyên gia trị liệu hay đơn giản chỉ là tìm một người đủ uy tín, thân thiện với con để cho lời khuyên.

Chuyên gia có thể là cô giáo của con, bác của con, anh, chị của con. Chỉ cần đó là người con tin tưởng và có thể chia sẻ. Mọi vấn đề đều có hướng giải quyết nếu có thể nói ra.

Khuyến khích con chịu trách nhiệm

Chịu trách nhiệm nhiều hơn cho bản thân cũng có thể giúp tăng nhận thức về bản thân. 

Tại Mỹ có một chương trình giáo dục cá nhân dành cho các học sinh gọi tắt là IEP. IEP có thể giúp cha mẹ hiểu sâu hơn về những điểm mạnh và thách thức của con. Và nó chỉ ra chính xác cách nhà trường có kế hoạch giúp con cải thiện và xây dựng các kỹ năng. 

Để hoàn thành các quy trình IEP, cha mẹ cần yêu cầu con đóng vai trò tích cực trong các cuộc họp, đưa ra các quan điểm và chia sẻ. Điều này giúp con hiểu rõ hơn về nhu cầu của bản thân và tự tin hơn trong các hoạt động của mình.

Tương tự, cha mẹ có thể khuyến khích con xung phong nhận các trách nhiệm ở trường như lớp trưởng, lớp phó, bí thư... Nhiệm vụ và trách nhiệm sẽ giúp con nhận thức tốt hơn, trưởng thành hơn.

Tạo cơ hội cho sự độc lập

Trở nên độc lập hơn là một phần của sự tự nhận thức. Hầu hết thanh thiếu niên khao khát sự độc lập. Càng ngăn cấm, con càng có khả năng bất chất, trái lời để thực hiện dự định của mình. 

Tự nấu ăn, tự đến trường đúng giờ và tuân thủ giờ giới nghiêm là những cách quan trọng để con bạn có thể trở nên độc lập hơn một cách an toàn. Tạo cơ hội cho con được độc lập suy nghĩ, độc lập hành động con sẽ tự nhận thức được những cơ hội và khó khăn phải đối mặt.