Hội họa

Đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn về ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

L.N • 25-04-2018 • Lượt xem: 13898
Đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn về ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Hôm nay mùng 10.3 âm lịch, là ngày Giỗ tổ. Theo truyền thuyết, đất nước ta có đến 18 đời vua Hùng, mỗi đời vua được tính là một triều đại. Do vậy, có nhiều bạn đọc gọi điện nêu thắc mắc ngày mùng 10 tháng 3 là ngày giỗ chung ước lệ hay là ngày giỗ của vị vua Hùng thứ mấy?

Ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc với câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Cứ đến gần ngày này, người dân khắp nơi lại nô nức về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng lễ, tưởng nhớ công lao dựng nước của vua hùng.

Hình ảnh về lễ giỗ Tổ tại Sài Gòn - Ảnh: Thanh Niên

Nhiều bạn đọc vẫn thắc mắc, vì sao có ngày mùng 10 tháng 3, hay ngày 10.3 chính xác là ngày giỗ của vị vua Hùng tên gì, đời thứ mấy?

Có rất nhiều tài liệu giải đáp về vấn đề này, tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định được tài liệu nào là chính xác nhất vì “các đời vua Hùng chỉ là ước đoán chứ không có dấu tích nào rõ ràng” (theo một giảng viên Văn hóa học).

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Do vậy, giỗ Tổ vua Hùng, tức là giỗ tổ phụ Kinh Dương Vương.

Có tài liệu thì ghi, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Thời Thục Phán - An Dương Vương, trên núi Nghĩa Lĩnh đã có cột đá thề với nội dung: “Nguyện có đất trời chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.

Do vậy, các đời vua sau này ghi nhớ công ơn của các đời vua Hùng dựng nước và giữ nước. Giỗ Tổ vua Hùng được coi là dịp lễ để tưởng nhớ các đời vua Hùng nói chung.

Vì sao giỗ vua Hùng ngày mùng 10 tháng 3?

Câu hỏi này cũng có rất nhiều câu trả lời, tuy nhiên, câu trả lời được nhiều người xem là hợp lý nhất, trả lời cho câu hỏi vì sao giỗ vua Hùng lại là ngày mùng 10 tháng 3 thì có câu chuyện dưới đây.

Trước đây, người dân không có đi lễ vào ngày mùng 10 tháng 3 mà tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình, rồi đến lễ bái các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân - thu chứ không định rõ ngày nào.

Người dân tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao thì lấy ngày 11.3, kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng.

Do đó, thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.

Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày mùng 10.3 âm lịch hằng năm để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt. Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ Tổ HùngVương là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm.

Việc này được ghi trên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” do Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng - Khu di tích đền Hùng vào mùa xuân năm 1923.

Cụ thể nội dung trên tấm bia: "Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…"

Từ đó về sau, vào ngày 10.3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.

TS Văn hóa học Trần Long, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng Hùng Vương trong khảo cổ ngoài đền Hùng, thì chỉ có các giếng ngọc với một số di tích còn lại thôi chứ không có dấu tích nào chứng minh được chắc chắn. Nơi đặt thủ phủ của các đời vua cũng chỉ ước đoán chứ chính xác chưa ai biết nó nằm chỗ nào nên không thực hiện được khảo cổ.

Theo TS Trần Long, đối với người Việt thì có 3 dạng lễ hội được coi trọng, đó là: lễ hội nghiêng về tín ngưỡng phồn thực, lễ hội tự nhiên và lễ hội thờ cúng anh hùng dân tộc. Theo thời gian, lễ hội nghiêng về tín ngưỡng phồn thực và lễ hội tự nhiên có phần khai nhạt.

Vậy nhưng, lễ hội thờ cúng các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước thì không những không phai mà còn được bảo tồn, giữ gìn, phát triển, được chú ý hơn và tổ chức long trọng hơn như: lễ hội Thánh Gióng, vua Quang Trung,…

(Theo Thanh Niên)