VĂN HÓA

Điều tự hào về kênh đào vĩ đại nhất lịch sử phong kiến Việt Nam

Cẩm Chi • 21-11-2022 • Lượt xem: 893
Điều tự hào về kênh đào vĩ đại nhất lịch sử phong kiến Việt Nam

Với chiều dài hơn 90 km, đào tay mất 5 năm với hơn 80.000 nhân công, Kênh Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất, có vị trí quan trọng nhất ở vùng biên giới Tây Nam nước ta trong thời phong kiến nhà Nguyễn hơn 200 năm trước. 

Tên gọi được lấy từ vợ của một danh tướng

Theo sách Gia Định thành thông chí, Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục…, Kênh Vĩnh Tế được đào dưới sự chỉ huy của Thoại Ngọc Hầu - tướng lĩnh có nhiều chiến công trong 52 năm phục vụ triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có các cộng sự đắc lực như Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn, Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu, Trần Văn Năng, Thống chế Trần Công Lại. Thế nhưng tên gọi Vĩnh Tế được đặt theo tên vợ cả của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Vĩnh Tế (1766-1826) hay còn có tên khác là Châu Thị Tế. 

Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và vợ tại Châu Đốc, An Giang.

Bà Vĩnh Tế nổi tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của chồng. Khi chồng được vua giao trọng trách đào con kênh nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bà đã tận tụy giúp chồng chăm lo công việc đại sự. Những lúc chồng bận việc công cán, bà đã thay chồng lãnh phần đôn đốc, coi ngó việc đào kênh.

Sách về Thoại Ngọc Hầu có ghi chép: “Việc thứ hai là trong số người đào kinh, ngoài binh và dân, còn có cả đàn bà con gái phụ trách những việc nhẹ nhàng như nấu ăn, gánh nước… Điều này được soi sáng thêm vào việc vua khen bà Châu Thị Tế đã từng giúp chồng nhiều việc cho nên chồng mới được cái vinh dự thành công và bà mới được lấy tên đặt cho kinh và cho núi (tất nhiên công tác của bà phải có nữ giới trợ lực)”.

Với những công lao trên, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh. Bà Châu Thị Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu, vì công lao giúp chồng đào kênh, được vua đặt tên kênh.

Ghi công từ hơn 80.000 người dân

Kênh Vĩnh Tế là công trình vĩ đại được dựng xây bởi bàn tay con người. Kênh Vĩnh Tế xuất phát từ bờ Tây sông Châu Đốc, chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia và kết thúc tại điểm nối tiếp với sông Giang Thành (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Việc đào kênh mất đến 5 năm, từ tháng Chạp năm 1819 đến tháng 5 năm 1824 được chia làm ba giai đoạn.

Có thể tưởng tượng khu vực kênh Vĩnh Tế xưa như một “đại công trường”. Để đào kênh Vĩnh Tế, ngay trong đợt đầu Thoại Ngọc Hầu đã huy động hơn 10.000 nhân công bao gồm: 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân là người Khmer.

Quá trình đào kênh không hề thuận lợi, gặp rất nhiều trở ngại khó khăn, do thời tiết khắc nghiệt, và thiếu nhân lực. Hơn nữa, con kênh lại đi qua nhiều chỗ đất rất cứng vì thế mà việc đào kênh bị gián đoạn và được chia làm nhiều đợt. Dân binh đào kênh thâu đêm suốt sáng và phải đối mặt với “rừng thiêng nước độc”, nạn cọp rình bắt người, rắn độc, cá sấu, cá mập, bệnh tật,… Nhiều người đã phải bỏ mạng vì kiệt sức.

Bản đồ vẽ sông (kênh) Vĩnh Tế thời Nam kỳ Lục tỉnh. 

Năm 1820, vua Minh Mạng ra lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường. Tổng số nhân công được huy động đào kênh lên tới hơn 39.000 người. Trong số đó binh dân người Khmer là 16.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp bằng tay với dụng cụ thô sơ, thay nhau thi công suốt ngày đêm.

Có thể nói, để hoàn thành được con kênh Vĩnh Tế đã có hơn 80.000 dân binh đào hàng triệu mét khối đất đá trong khoảng thời gian 5 năm. Tổng chiều dài của kênh sau khi hoàn thành được đo là 91km, rộng 25m và sâu 3m. Tuy nhiên, do một số đoạn lợi dụng các đầm nước có sẵn, nên chiều dài thi công thực tế là 37km. 

Con kênh “chiến lược”, niềm tự hào của miền Tây

Yếu tố tiên quyết để giúp một quốc gia phát triển là giao thông thuận lợi, điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước khi đào kênh Vĩnh Tế. Con kênh đào gần 200 năm tuổi có thể nói là công trình thủy lợi quan trọng nhất của triều Nguyễn ở vùng đất Tây Nam bộ. Trong sử sách của triều Nguyễn biên soạn đều không gọi là kênh (kinh) Vĩnh Tế mà gọi là “Vĩnh Tế hà” (sông Vĩnh Tế).

Không chỉ chứa đựng giá trị lịch sử văn hóa của cả một khu vực, kênh Vĩnh Tế còn mang lại giá trị lớn cho nông nghiệp, giao thương, phát triển kinh tế văn hóa xã hội của miền Tây.  Kênh Vĩnh Tế mang nước ngọt kèm phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, mà còn cho cả vùng tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Từ đó, nhiều địa phương mở rộng dần diện tích trồng lúa. Nhờ có kênh Vĩnh Tế mà hàng triệu hecta đất đai phèn chua ở vùng này được tháo rửa, nâng cao năng suất trồng trọt cho bà con nông dân. Người ta ví kênh Vĩnh Tế như cái túi cá, nước tới đâu cá tới đó, tha hồ đánh bắt.

Kênh Vĩnh Tế tạo nên những đồng bằng trù phú, màu mỡ tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Nằm ở vùng biên giới phía Tây Nam Việt Nam, con kênh này là công trình có ý nghĩa quan trọng trên lĩnh vực kinh tế quốc phòng. Đây còn là tuyến đường thủy huyết mạch giao thương hàng hóa từ TP Châu Đốc đến TP Hà Tiên, hàng hóa từ nước ngoài từ đó cũng thuận tiện vào Việt Nam. Đặc biệt dòng kênh Vĩnh Tế còn chảy qua thị trấn Xuân Tô thuộc huyện Tịnh Biên biến nơi đây trở thành nơi giao thương, buôn bán tấp nập. Nhờ có kênh Vĩnh Tế mà làng Vĩnh Tế rồi thành phố Châu Đốc mỗi ngày thêm sầm uất và phát triển. Và đúng như mục đích của việc đào kênh, Châu Đốc ngày nay đã trở thành một thành phố phồn thịnh, tiếp đón hàng triệu lượt khách đến tham quan du lịch mỗi năm. Sự phồn thịnh của các thị tứ khẳng định phần nào những giá trị to lớn mà kênh Vĩnh Tế mang lại cho vùng đất Tây Nam Bộ.