Duyên Dáng Việt Nam

Hiểu rõ hơn về những phương pháp ăn kiêng đang được ưa chuộng: Low-carb (Phần 2)

Bơ • 19-08-2020 • Lượt xem: 1715
Hiểu rõ hơn về những phương pháp ăn kiêng đang được ưa chuộng: Low-carb (Phần 2)

Có một vóc dáng gọn gàng, thon thả là điều mà cô gái nào cũng mong muốn. Có thể nói rằng các chế độ ăn giúp giảm cân chính là “bạn thân” của phái nữ. Nhưng để chọn được một chế độ ăn vừa khoa học vừa hiệu quả là điều khiến phái nữ luôn trăn trở. Hãy cùng tìm hiểu kì hơn về những phương pháp ăn kiêng đang ‘hot’ thời gian gần đây.

Bài đọc thêm:

Hiểu rõ hơn về những phương pháp ăn kiêng đang được ưa chuộng: Intermittent Fasting (Phần 1)

Những món salad vừa ngon vừa bổ dưỡng cho ngày hè (phần 1)

1. Low-carb là gì?

Low Carb là từ viết tắt của Low-Carbohydrate, có thể hiểu là chế độ ăn này chú trọng vào việc cắt giảm tối thiểu lượng Carbohydrate nạp vào cơ thể. Carbohydrate chính là gluxit, hay hiểu đơn giản là đường, có trong các loại thực phẩm tinh bột, một số loại rau củ hay các loại đường như: đường trắng, đường mía, mật ong…

Đây là một trong những chế độ ăn rất được yêu thích của phái nữ bởi nó không yêu cầu phải nhịn đói hay giới hạn thời gian, khẩu phần ăn. Chỉ cần tuân thủ yêu cầu duy nhất chính là hạn chế gần như tuyệt đối lượng đường, tinh bột trong khẩu phần ăn, người theo chế độ ăn này có thể ăn thoải mái các thực phẩm nhóm chất đạm và chất béo.

Có thể nhiều người sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ: “Tại sao lại có thể ăn không giới hạn chất đạm và chất béo lại vẫn có thể giảm cân?” Lý do là bởi protein có trong các loại thức ăn đó tạo cho chúng ta cảm giác no nhanh, vì thế, chúng ta sẽ ăn ít đi và từ đó, sẽ đạt được cân nặng mơ ước của mình.

2. Lợi ích của phương pháp Low-carb lên cơ thể

+ Giảm cân

Đây chính là lý do chính khiến nhiều người tìm đến chế độ ăn này bởi nó rất hiệu quả trong việc giảm cân ngắn hạn. Hơn nữa, người áp dụng cũng không cần phải nhịn ăn hay hạn chế thời gian dùng bữa.

+ Các lợi ích sức khỏe khác

Chế độ ăn low-carb có ích trong việc làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch và đái tháo đường, cải thiện nồng độ cholesterol máu, dù có thể chỉ là tạm thời. Bên canh đó, nó cũng có thể giúp phòng tránh hoặc cải thiện các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Chế độ ăn nhiều đường khiến toàn bộ cơ thể con người dễ bị viêm nhiễm. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các bệnh về tâm lý. Vì vậy, áp dụng chế độ ăn low-carb có thể làm giảm dấu hiệu viêm, bảo vệ các tế bào thần kinh.

Nếu bạn nạp quá nhiều đường vào cơ thể, quá trình oxy hóa sẽ được thúc đẩy và dẫn đến tình trạng các gốc tự do “tấn công” các tế bào xung quanh. Nhờ low carb, khả năng chống oxy hóa của cơ thể được tăng cao nhằm bảo vệ các tế bào thần kinh quan trọng.

3. Tác hại của phương pháp Low-carb lên cơ thể

Đối với những người mới áp dụng, việc đột ngột cắt carb trong khẩu phần ăn hàng ngày khiến họ dễ cảm thấy đau đầu, khó thở, đau cơ, mệt mỏi hoặc các triệu chứng bất thường hệ tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy.

Hơn thế nữa, chế độ ăn low-carb hạn chế lượng carbohydrate nạp vào cơ thể có thể gây nên tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất, dẫn tới loãng xương, rối loạn tiêu hóa,... Thêm vào đó, việc ăn không giới hạn đạm và chất béo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến độ nhạy của cơ thể đối với insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Một điều đáng chú ý nữa chính là chế độ ăn này khiến con người giảm cả cơ, điều này vô cùng có hại đối với sức khỏe một người, thậm chí, khối lượng cơ bị giảm còn nhiều hơn khối lượng mỡ.

4. Một số thực phẩm nên/ không nên ăn khi thực hiện low-carb

* Những loại thực phẩm không nên ăn:

Ngũ cốc tinh chế: Cơm, bánh mì, các loại mì – bún – phở, ngũ cốc, lúa mì,…

Rau củ có chứa tinh bột: Đậu, ngô, củ cải vàng, khoai tây, khoai lang,…

Đường: nước ngọt, kẹo, kem, trà sữa, bánh ngọt,...

Chất béo bão hoà: các loại dầu hydro hoá hoặc hydro hoá một phần

Các thực phẩm tách béo: tuy những sản phẩm này được tách chất béo trong lúc chế biến, phần lớn chúng  lại được thêm đường vào.

*Những loại thực phẩm nên ăn:

Thịt: heo, bò, gà, … và trứng

Cá: cá hồi, cá tuyết, cá ngừ,…

Rau củ quả: súp lơ, rau ngót, cải bó xôi, bắp cải,...

Trái cây: dưa hấu, xoài, táo, lê, việt quất, dâu tây

Các loại hạt: hạnh nhân, óc chó, hạt hướng dương, v.v

Các loại hạt chưa tinh chế: gạo lứt, yến mạch, quinoa và nhiều loại khác.

Các thực phẩm chế biến từ sữa giàu chất béo: phô mát, bơ, kem béo, yogurt

Bạn cũng có thể ăn socola đen (loại chứa ít nhất 70% cocoa) hoặc nhấm nháp một chút rượu vang nếu bạn muốn.

5. Một số lưu ý khi thực hiện chế độ ăn low-carb

  • Khi chế biến, hạn chế thêm các loại gia vị, đặc biệt là đường
  • Trong 3 ngày đầu tiên, các triệu chứng về sức khỏe như nhức đầu, khô miệng là hoàn toàn bình thường
  • Thực hiện chế độ ăn low-carb dễ khiến người áp dụng thấy khát nước. Vì thế, hãy cứ uống nước thoải mái
  • Nên bổ sung rau xanh trong khẩu phần ăn, có thể dùng đường ăn kiêng nếu “thèm ngọt”.
  • Khi cảm thấy đói, có thể ăn bình thường, không cần phải nhịn. Nhưng nên sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ giảm cân