Hội họa

Hư danh

Thoại Vy - Hình internet • 26-01-2018 • Lượt xem: 11414
Hư danh

Hư danh, theo từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh định nghĩa: có tiếng hay mà không có thực tài. Như vậy những nam thanh nữ tú đuổi theo “danh” thường không “hư”, chẳng qua chỉ không có thực tài. 

Họ ra sức xây dựng hình ảnh cá nhân bằng cách cầu danh, mua danh. Họ là những người lẫy lừng hoặc trong giới showbiz hoặc những thương gia mặt mũi “quang minh” sáng láng, dù ban ngày rờ rỡ hay đêm tối đèn đuốc. Tóm lại để đạt được phong thái chính danh (tức danh “ngoan”) họ tìm cách đánh lận các tiêu chí về danh để khỏi “hư”.

Ý thức lập “công” (sự nghiệp), định “danh” (khẳng định tên tuổi, tài năng) đã phổ biến từ xưa. Ý thức định danh có từ trước khi Nguyễn Công Trứ tuyên ngôn mạch lạc và dứt khoát “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh). Tuy nhiên, nếu ứng xử không khéo, “hiếu danh” tích cực sẽ biến thành thói “háo danh” hãnh tiến, rồi chỉ một bước nhỏ là sang “hư danh” (chuộng danh hão). Một dạng “Danh khả danh phi thường danh” (Tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn). Nôm na đã gọi là danh thì chẳng phải danh. Theo quan niệm của Lão Tử, cái có thể gọi tên định danh thì không phải là cái bất biến, thường tồn. Phường sĩ phu làm nghề du thuyết mà dân gian vẫn gọi là thuyết khách, vì chính họ thì gọi là hiếu danh, vì đại cuộc thì là định danh. Thương Ưởng (Vệ Ưởng) là kiểu thuyết khách thứ hai.

Cận danh là đã chạm hư danh. Tuy nhiên “Vi thiện vô cận danh”, và theo tôi là cả “vô cận lợi”. Hành thiện mà quảng bá ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông là đã cận danh, cận lợi. Như thế không phải là “vi thiện” mà vị lợi, háo danh. Ngày nay, định danh là tạo dựng tên tuổi, thương hiệu. Chữ “danh” kết hợp chữ “nhân” vốn ban đầu mang nghĩa tốt đẹp, chỉ những cá nhân thành tựu có hoài bão, chí hướng vị tha cao cả. Sau cuộc bể dâu dời đổi, chữ “danh” đột nhiên biến hình. Trước chữ “nhân” thiêng liêng là cơ man những chữ “danh” méo mó thảm hại.

Đôi khi, người xưa tự cho mình được phép “hiếu danh” nếu đấy là định danh vị quốc như trong “Thuật hoài” (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão – một danh tướng đời Trần: “Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” (Nam nhi vị liễu công danh trái – Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu). Danh ở đây là tiếng thơm lưu truyền hậu thế. Sách vở mặc định đấy là hoài bão, lý tưởng cao đẹp của người đàn ông đời Trần, là hào khí Đông A. Một kiểu “hiếu danh” rất cần thiết trong thời kỳ đất nước đối đầu với cường địch là giặc Nguyên Mông.      Đem tài năng, tâm huyết để “trí quân trạch dân” là ước nguyện một đời của những sĩ phu đỗ đạt thời phong kiến. Dẫu “xuất thế” hay “dấn thân”, “quy ẩn” hay “hạ sơn” cũng đều tỏ rõ quan điểm chính danh. Phong thái ứng xử “chính danh” được dân gian gọi tên từ lâu, nhằm tránh rơi vào vết xe đổ “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.  

Vậy, nam tử nữ lưu đuổi theo chữ “danh” không đến nỗi quá xấu. Họ chỉ không có thực tài chứ không đến nỗi “hư hỏng”. Phong độ đàn ông đuổi theo chữ “danh” nhác trông quang minh chính đại, mười phần đạo mạo sáng láng. Tuy nhiên vì trót sa vào danh hão nên cố chấp đuổi theo chữ “lợi”. Trong văn tự cổ, chữ “lợi” gồm bộ “hòa” (cây lúa) và bộ “đao” (chỉ dao cắt lúa). Sau những tiến bộ tha hóa vượt bậc, chữ “lợi” biến thành tính từ được hợp thành bởi bộ “đao” và lược bớt chữ “hòa”. Nghĩa là rất sắc bén. Hứa Thận giải thích trong “Thuyết văn giải tự” có nhắc đến chữ “Lợi” (“Đao hòa nhiên hậu lợi/ Tòng đao hòa tỉnh”. Câu này nôm na đại ý: dùng dao băm chặt nhưng không phát ra âm thanh ghê tai mà ẩn dưới âm hưởng bình hòa. Than ôi ! chữ “lợi” đáng gờm như thế mà lại đi với chữ “danh” thì quả là một món tà khí hung hiểm.        

Tóm lại, ai đó mồm năm miệng mười từng bảo: Hư danh được sinh thành bởi một kẻ thực chất là thằng nhưng cố xưng xưng chứng tỏ mình là ông. Khái niệm trên chắc “Thuyết văn giải tự” cũng đành bó tay.

(Còn nữa)