Duyên Dáng Việt Nam

Hương sắc giao cảm: từ L'Adieu, Ngậm ngùi đến Hoa thạch thảo

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 06-09-2021 • Lượt xem: 765
Hương sắc giao cảm: từ L'Adieu, Ngậm ngùi đến Hoa thạch thảo

Phổ thơ là một câu chuyện dài mà trong đó phải thấy rằng phần lớn bài thơ không còn giữ được nguyên tác. Thậm chí cả thông điệp hay câu chuyện của nó. Từ bài thơ chuyển thành ca khúc đã hóa thân thành 2 tác phẩm.

Tin và bài liên quan: 

Nguyễn Thụ Thụy Vũ - Thế giới của nhà văn

Nguyễn Trọng Hiệp, người say hồn xưa

'Bão tố' khi Nguyễn Quang làm đêm nhạc Nguyễn Ánh 9

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

Chương trình "Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm

NHỮNG HƯƠNG SẮC GIAO CẢM NGHỆ THUẬT 

Từ tháng 8 năm 2019, tôi được chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" của Đài Truyền hình Việt Nam và các biên tập viên công ty Chu Thị mời tham gia với tư cách "một nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo" bình luận về âm nhạc và các sự kiện âm nhạc. Gọi sự kiện ở đây là nói chung về các ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, tải qua hơn một thế kỷ Tân nhạc đã ở lại trong lòng người nghe, khán giả mộ điệu Việt. Chương trình được phát sóng rộng rãi kênh hai kênh lớn là VTV3 (chiều) và VTV4 (tối) với hàng triệu người yêu nhạc trong ngoài nước theo dõi. 


Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 - 2013) và người viết. Ảnh chụp tại nhà nhạc sĩ ở sau khi từ Mỹ về trong một lần may mắn được nghe chính ông nói chuyện về những ca khúc phổ thơ tại Sài Gòn. 

Cũng xin nói thêm để làm sáng tỏ loạt bài mà tôi dự định sẽ viết trên DDVN nhiều kỳ xung quanh những tư liệu tôi phát hiện để các bạn nào dễ nắm bắt. Vốn là người có làm thơ, viết ca khúc vì đam mê, bên cạnh công việc phải làm thường xuyên của một cây viết phụ trách mảng văn hóa văn nghệ nên tôi thường đọc và tìm tư liệu để làm việc.

Nguồn tư liệu hiện giờ thì khá nhiều nhưng không hẳn cái gì cũng đáng tin cậy. Bên cạnh đó có những tư liệu mới lần đầu được công bố trích xuất từ các bài viết dịch từ nước ngoài. Nhất là giai đoạn Tân nhạc. Một số nguồn khác tôi tìm thấy trong sưu tập của anh Nguyễn Trọng Hiệp, một bạn trẻ có tâm có tình đã bỏ ra rất nhiều thời giờ và công sức để sưu tầm văn hóa, di sản miền Nam trước 1975 để đến hôm nay anh đã có trong tay một "bảo tàng mi ni" đáng kể.


Người viết đang khảo cứu tư liệu âm nhạc tại nhà anh Nguyễn Trọng Hiệp. Một bộ sưu tập quý giá về văn hóa văn học miền Nam một thời Sài Gòn vang bóng...  

Như câu ngạn ngữ "Vàng ngọc không quý bằng lòng trung tín". Phát huy, tiếp tục tìm kiếm cái đẹp, sự thật còn lẩn khuất dù giản dị, chân phác... để gìn giữ nguyên vẹn "trung tín" vừa là trách nhiệm hậu thế, và là phẩm chất cao quý tốt đẹp của con người. Tôi rất cảm ơn anh Hiệp với những tư liệu tôi tìm thấy ở bộ sưu tập "đáng giá" độc đáo mà anh đã cho tôi tiếp cận. 


Một số bài thơ biểu hình (qua biểu hiện chữ) của nhà thơ Guillaume Apollinaire

TỪ L'ADIEU, NGẬM NGÙI ĐẾN HOA THẠCH THẢO  

Đời sống của một nghệ sĩ sáng tạo nhất ở hai lĩnh vực Thi ca và Âm nhạc phải nói là khá gần nhau. Ở độ bay bổng thăng hoa, phiêu xuất tâm hồn ở những tần số cao. Và khi một tác phẩm thơ đồng quyện với giai điệu hay nói cách khác "bắt được sóng" thì ở đó sẽ ra đời được một ca khúc hay. 

Nhưng đã có những "ly kỳ, gay cấn". Đó là câu chuyện đầu tiên được tìm hiểu trong loạt bài viết này.  

Phổ thơ là một câu chuyện dài mà trong đó phải thấy rằng phần lớn bài thơ không còn giữ được nguyên tác. Thậm chí cả thông điệp hay câu chuyện của nó. Từ bài thơ chuyển thành ca khúc đã hóa thân thành 2 tác phẩm.


Thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998)

Mỗi tác phẩm cần phải có một "trường - nghiên - cứu" riêng. Điển hình cho minh chứng này tôi muốn so sánh hai ví dụ từ phổ thơ của nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy. Đó là hai ca khúc ông phổ từ thơ Huy Cận, bài Ngậm ngùi và thi hào Pháp nổi tiếng Guillaume Apollinaire với  bài L'Adieu. thành ca khúc Mùa thu chết nổi tiếng.  

Bài thơ L'Adieu của Apollinaire được bạn đọc viết với cái tên Lời vĩnh biệt hay Hoa thạch thảo do thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ ở Sài Gòn đầu những năm 1960. Thử khảo sát bài thơ và bản dịch thơ. 


                                                     L'ADIEU
                                       J'ai cueilli ce brin de bruyère
                                       L'automne est morte souviens-t'en
                                       Nous ne nous verrons plus sur terre
                                       Odeur du temps brin de bruyère
                                       Et souviens-toi que je t'attends
                                    
       GUILLAUME APOLLINAIRE

Bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng :

                                                  LỜI VĨNH BIỆT
                                     Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo (*)
                                     Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
                                     Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
                                     Mộng trùng lai không có ở trên đời
                                     Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
                                     Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó... 
                                   
                                                 
Nhưng qua nhiều tư liệu chứng minh, thực ra bài thơ L'Adieu của Guillaume Apollinaire không phải là một bài thơ Tình - như vẫn hiểu là Tình yêu đôi lứa, mà là một bài thơ Cha khóc con - Tình Phụ tử. Bài thơ này nhà thơ Apollinaire viết tặng cho nhà văn Victor Hugo, khi thi sĩ đến viếng thăm mộ của Leopoldine, con gái nhà văn chết đuối. Bài thơ viết vào tháng 9 năm 2013.  


Nàng thơ và Thi sĩ - Chân dung Apollinaire (1880 - 1918) của Henri Rousseau. 

Cũng như thế bài thơ Ngậm ngùi của thi sĩ Huy Cận với những câu tuyệt bích: "Lòng anh mở với quạt này / Trăm con chim mộng về bay đầu giường / Ngủ đi em, mộng bình thường" hay " Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?" để "Tay anh em hãy tựa đầu / Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...". 


Nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005)

Trong "Hồi ký song đôi" mà Huy Cận viết cùng Xuân Diệu, thi sĩ có cho biết bài thơ Ngậm ngùi không phải ông viết cho một người tình "rụng rơi" nào mà là nhớ người em gái mất sớm của mình. Trong một buổi chiều ông đi học từ Huế về thăm nhà và một mình đi ra khu mộ đồng làng thắp hương cho em. Những kỷ niệm của hai anh em ngày thơ ấu tươi đẹp không lo âu như trở lại. Những câu thơ mang hình tượng đắt giá như "Lòng anh mở với quạt này" lại chỉ là phiên bản từ "quá khứ có thật" của hai anh em khi cùng chơi đồ hàng, mở quạt ngày xưa!    

Nhưng tất cả những dấu vết "lai cảo thơ" có thực đó dường như đã bị tâm hồn tài hoa của nhạc sĩ Phạm Duy xóa hết. Hai bài thơ L'Adieu của Apollinaire và Ngậm ngùi của Huy Cận đã trở thành hai bản nhạc tình diễm lệ, độc đáo. Mà chắc không sao cả! Nàng Leopoldine trầm mình "nương tử chết theo nước xanh" hay cô em gái " sẵn tiếng thùy dương mấy bờ" vẫn đi vào lịch sử thi ca như những bài thơ đẹp nhất.   


Hoa tươi trên mộ của thi sĩ Guillaume Apollinaire. "Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa / Mộng trùng lai không có ở trên đời / Hương thời gian mùi thạch thảo..."                      

Để như trên tôi viết khi một bài thơ được phổ nhạc thì một tác phầm (thơ) sẽ hóa thân thành hai tác phẩm (Ca khúc). Và mỗi thể loại sẽ tách biệt, đứng riêng độc lập trong thế giới của nó. Muốn giải mã cần phải có một "trường - nghiên - cứu" riêng. Biết được căn nguyên không làm giảm đi giá trị của tác phẩm mà đôi khi sự cộng hưởng diễm tuyệt của tâm hồn và lịch sử làm tiếng hát hay hơn, sâu thẳm hơn! 

Sài Gòn, chiều 6.9.2021

Nguyễn Hữu Hồng Minh