VĂN HÓA

Khác biệt về tập tục cúng giao thừa giữa ba miền Bắc - Trung - Nam

TD • 28-01-2021 • Lượt xem: 2571
Khác biệt về tập tục cúng giao thừa giữa ba miền Bắc - Trung - Nam

Cúng giao thừa là một tập tục của dân tộc Việt đã có từ ngàn xưa và vẫn được giữ vẹn nguyên cho đến tận ngày hôm nay. Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền thì mâm cúng sẽ có sự bày trí cũng như những món ăn riêng mang một đặc trưng của vùng miền ấy.

Tin, bài đọc thêm
Nhìn về sự khác biệt giữa tết Trung Thu Việt - Trung, thêm trân trọng giá trị văn hóa dân tộc

Dự đoán thời tiết cả nước dịp Tết Nguyên đán

Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Theo từ điển Tiếng Việt của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì vậy đây là thời khắc khiến người ta trông mong nhất và vào dịp này thường diễn ra lễ trừ tịch. Lễ trừ tịch nhằm ý nghĩa bỏ hết những điều xấu xa của năm cũ để đón năm mới cùng những điều tốt đẹp hơn. Lễ trừ tịch còn là để “khử trừ ma quỷ” và thường được cử hành lúc giao thừa nên còn được gọi là lễ Giao thừa.

Theo tục lệ cổ truyền, mâm cúng giao thừa đa phần được đặt ở cửa chính mỗi nhà để đón các Thiên binh đi thị sát hạ giới. Tuy nhiên tùy theo phong tục mỗi miền mà mâm cúng có phần khác nhau nhưng tất cả đều được chuẩn bị tươm tất, chu đáo thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với các vị thần linh.

Mâm cúng giao thừa của miền Bắc
Mâm cúng giao thừa của người Bắc thường khá đầy đủ và rất phong phú. Mâm cỗ thông thường gồm bốn bát, bốn dĩa tượng trưng cho tứ trụ bốn mùa, bốn phương. Nếu cỗ lớn thì sáu bát, sáu dĩa hoặc tám bát, tám dĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao 2, 3 tầng Lễ vật cúng giao thừa tùy theo hoàn cảnh gia đinh thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà,…. Các dĩa thường là xôi đậu xanh, con gà luộc hoặc đầu heo, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa và còn có cau, trầu, rượu, vàng mã.

Đặc biệt gà cúng ở đây phải là gà trống bới theo các cụ xưa Giao thừa là đêm mặt trời ngủ sâu nhất, ma quỷ lộng hành nhất nên tiếng gáy của con gà trống sẽ đánh thức mặt trời dậy chiếu sáng rạng rỡ, hy vọng một năm sáng sủa, mưa thuận gió hòa, tiền tài, sức khỏe luôn thuận lợi. Con gà vàng ươm nằm yên trên mâm xôi thơm phức mùi đậu xanh đã trở thành hình ảnh không bao giờ quên được trong tâm trí những người con đất Bắc. Ở nhiều gia đình còn thay gà luộc bằng đầu heo.

Hoa quả trên bàn cúng phải là những loại quả chín mọng và còn tươi như thế mới bày tỏ sự kính trọng, biết ơn của chủ nhà dâng lên cho thần linh, thổ địa, ông bà tổ tiên. Thông thường sẽ là lê, táo, bưởi, cam, cam, quýt,... Cúng giao thừa xong người Bắc còn có tục treo xâu bủa nêu trước cửa nhà và ở đây thường coi trọng phong tục xông đất nên sau giao thừa sẽ ra đường chơi, đi hái lộc hoặc ở nhà ăn Tết không đến nhà ai cả để tránh trường hợp kỵ tuổi sẽ mang đến những điều không may mắn cho chủ nhà.

Mâm cúng giao thừa của miền Trung
Trên mâm cúng giao thừa của người miền Trung có đầy đủ các món ăn đặc trưng vùng miền như bánh chưng, dưa món,chả lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, bát ninh măng khô, miến Huế, cá chiên hay chả ram,…được cho vào từng dĩa nhỏ thể hiện sự khéo léo, chắt chiu, san sẻ.

Vì ở miền Trung thời tiết khắc nghiệt, quanh năm hạn hán, bão lũ, đất đai vốn cằn cỗi nên cây trái đặc sản rất hiếm, có gì cúng nấy, quan trọng là lòng thành tâm dâng kính tổ tiên. Tuy nhiên do có chút ảnh hưởng sự giao thoa văn hóa của hai miền Bắc – Nam nên dĩa trái cây thừa vẫn có: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài và theo quan niệm “cam đành quýt đoạn” nên cam và quýt thường không có trong mâm lễ của người miền Trung.

Theo như được biết thì không gian cúng giao thừa ở miền Trung rất đoan nghiêm với nghi ngút hương trầm, mọi người trong gia đình trật tự xếp hàng, lần lượt dâng hương. Sau khi cúng giao thừa xong sẽ đến phần cúng Thổ công tức là vị thần cai quản trong nhà.

Mâm cúng giao thừa của miền Nam
Thông thường ở miền Nam mâm cúng rất đơn giản với hoa, đèn, bánh mứt, trái cây, trà,…sau đó thắp hương nhưng nếu để đủ và gọi là đúng chuẩn mâm lễ mặn thì phải có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh tét, chè và đặc biệt là bắp cải thảo.

Nếu như ở miền Bắc, tất cả các loại trái cây đều có thể bày lên bàn thờ miễn sao trông đẹp mắt là được thì người miền Nam lại có sự kiêng kỵ, mâm trái cây sẽ không có chuối vì loại quả này tên gọi có âm từ giống “chúi” thể hiện sự khó khăn, nguy khốn, quả cam cũng không được xuất hiện trong ngày tết vì câu “quýt làm cam chịu”. Đêm 30 Tết cả gia đình thường quây quần bên nhau, đây là lúc đông vui nhất, mọi người thức ăn uống, vui chơi rất náo nhiệt. Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình thắp nhang, đèn cầy, rót rượu và khấn vái hy vọng một năm mới đầy đủ, ấm no.

Dù có những khác biệt trong văn hóa ba miền nhưng tất cả đều mang một ý nghĩa tâm linh đẹp đẽ và đêm giao thừa chính là thời gian hiếm hoi có đủ mặt các thành viên trong gia đình, cùng trò chuyện, cùng sẻ chia, cùng quan tâm nhau sau một năm vất vả với nhiều lo toan, cùng nhau hướng tới một năm mới với nhiều bất ngờ đang chờ đón.