VĂN HÓA

Khám phá điệu nhảy sạp đặc sắc của đồng bào Tây Bắc

Lan Hương • 29-05-2023 • Lượt xem: 2290
Khám phá điệu nhảy sạp đặc sắc của đồng bào Tây Bắc

Không chỉ khiến nhiều người thích thú bởi khung cảnh hoang sơ, núi non hùng vĩ, những mái nhà sàn độc đáo cùng những cánh đồng ruộng bậc thang thơ mộng, Tây Bắc còn ẩn chứa nét đặc sắc với điệu múa sạp lôi cuốn và có sức hút mạnh mẽ đến với nhiều người.

Tìm về nguồn cội của múa sạp

Múa sạp hay nhảy sạp (tiếng anh được gọi là Cheraw dance) là điệu nhảy được biểu diễn trên những thanh tre. Múa sạp từ lâu đã xuất hiện nhiều nơi ở vùng Tây Bắc, nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng điệu múa này có nguồn gốc từ dân tộc Mường, một số nghiên cứu khác lại cho thấy không chỉ có dân tộc Mường mà người Thái hay Khơ Mú cũng phổ biến điệu nhảy này từ rất lâu đời.

Sau này với tinh thần giao lưu học hỏi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện điệu múa sạp còn phổ biến rộng rãi ở nhiều dân tộc của châu Á, nhất là Ấn Độ. Cùng nhiều nơi ở Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines…

Ở Philippines, múa sạp được người dân coi như điệu múa quốc gia của họ và được gọi là Tinikling, hầu hết mọi người đều biết múa. Sức hấp dẫn của điệu múa rộng rãi đến toàn cầu, ở Mỹ người ta đã đưa nó vào tiết học thể chất trong các trường học như một bài thể dục nhịp điệu.

Tinikling được đặt theo tên của loài chim có đôi chân dài quen thuộc với người nông dân ở Philippines. Người nhảy múa bắt chước chuyển động của con chim một cách duyên dáng, uyển chuyển và khéo léo như đi trên cỏ, né bẫy tre của người nông dân trên cánh đồng lúa.

Múa sạp truyền thống của Philippines.

Thêm một truyền thuyết khác kể về nguồn gốc ra đời của điệu nhảy là vào thời Tây Ban Nha chiếm đóng tại Philippines (1521 - 1898). Khi người dân địa phương bị vua Tây Ban Nha ra lệnh làm việc trên các đồn điền lớn. Những ai không tuân theo lệnh hay người làm việc quá chậm sẽ bị trừng phạt đánh cọc tre vào chân của họ.

Để thoát khỏi hình phạt, các công nhân đã phải luyện tập chân thật nhanh nhẹn và việc thực hành nhiều lần như thế đã biến thử thách thành nghệ thuật. Từ đó điệu múa ra đời như một cách thể hiện sự chiến thắng thế lực thực dân cũng như để ca ngợi tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của người dân bản địa.

Ở Ấn Độ, múa sạp Cheraw là điệu nhảy văn hóa truyền thống nổi tiếng được biểu diễn ở Mizoram. Có 6 đến 8 người giữ những cặp thanh tre trên một thanh tre khác được đặt nằm ngang trên mặt đất. Các nam nghệ sĩ sẽ vỗ tay theo nhịp tre khi các vũ công nữ nhảy giữa các thanh tre đang đập với những bước phức tạp. Người ta cho rằng điệu Cheraw ra đời từ thế kỷ 1 sau Công nguyên, từ thủa xa xưa, điệu nhảy được thực hiện trong các nghi lễ quan trọng và họ sử dụng những thanh tre dài để biểu diễn. Ngày nay Cheraw dance đã được mở rộng hơn đáng kể.

Múa sạp, nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Bắc

Tại Việt Nam, múa sạp là nét văn hóa của các đồng bào thiểu số vùng Tây Bắc. Người ta thường tổ chức múa sạp vào những ngày hội, lễ Tết hay vào những đêm trăng sáng. Hiện nay vũ điệu đặc sắc này đã lan tỏa nhiều nơi và người Kinh cũng thường mượn điệu nhảy này để trình diễn trong các hoạt động mang tính dân gian truyền thống.

Múa sạp là môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích.

Tre là công cụ chính trong múa sạp, bởi thế nhiều nơi còn gọi đây là “điệu múa của các thanh tre”. Sạp gồm 2 loại, sạp chính và sạp con. Sạp chính được chọn từ những thanh tre chắc chắn, dài và lớn. Sạp con là những cây tre nhỏ hơn và chuẩn bị theo từng cặp.

Khi tổ chức nhảy sạp, người ta đặt 2 sạp chính song song cách nhau một khoảng nhất định (khoảng rộng đủ để gác hai đầu sạp con). Sạp con được đặt song song với nhau vuông góc với sạp chính, mỗi sạp con cách nhau khoảng 1 gang tay tạo thành dàn sạp.

Đội múa sạp sẽ chia làm 2 tốp, tốp đập sạp và tốp nhảy sạp. Những người có nhiệm vụ đập sạp ngồi hai bên dọc theo sạp chính và cầm sạp con gõ theo nhịp 4/4, tức 3 lần gõ sạp con xuống sạp chính và 1 lần chạm hai sạp con vào nhau sao cho đều tay, đúng nhịp, ăn ý với nhau. Tốp nhảy sạp cần nhảy sao cho đúng nhịp điệu, đúng tiết tấu, nhịp chân cần khéo léo kết hợp với động tác tay để không dẫm lên sạp và hỏng bài múa.

Thông thường ban đầu tốc độ đập sạp sẽ chậm để người múa dễ nhập cuộc, càng về sau nhịp điệu cành nhanh và tăng độ khó để buổi múa sạp trở nên sôi động và hấp dẫn người xem.

Không chỉ khắc họa bản sắc dân tộc, múa sạp còn là hoạt động giúp gắn kết tinh thần cộng đồng người Tây Bắc và cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Múa sạp mang đến âm hưởng vui nhộn hòa trong tiếng nhạc, tiếng thanh tre, tiếng chiêng trống rộn ràng, các chàng trai, cô gái tươi vui trong trang phục truyền thống… tất cả như vẽ nên bức tranh sống động từ âm thanh đến màu sắc. Không chỉ khắc họa bản sắc dân tộc, múa sạp còn là hoạt động giúp gắn kết tinh thần cộng đồng người Tây Bắc và cộng đồng 54 dân tộc anh em.