Kết nối bạn đọc

Kỳ 100: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 24-05-2019 • Lượt xem: 9533
Kỳ 100: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sự phân chia giữa nhạc trẻ và tân nhạc đã dần dần biến mất kể từ khi nhạc trẻ bắt đầu đi vào phòng trà và vũ trường vào cuối thập niên 60. Từ đó trở đi nhạc trẻ đã hòa nhập vào với làng tân nhạc Việt Nam, đặc biệt kể từ khi có mặt ban nhạc Phượng Hoàng với những sáng tác của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà vào năm 71.

Điểm lại những tiếng hát nổi tiếng của làng tân nhạc Việt Nam, người ta dễ dàng nhận ra những tiếng hát trước đó thường được coi là những tiếng hát nhạc trẻ. Như Elvis Phương chẳng hạn. Là một trong những ca sĩ tiền phong của giới nhạc trẻ, từ khi gia nhập lực lượng Hải thuyền và sau đó là đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương đã trở nên một giọng ca nam sáng chói của làng tân nhạc. Đức Huy cũng vậy, từ một người được coi là một nhạc sĩ nhạc trẻ đã trở nên một trong những nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng trong dòng âm nhạc Việt Nam. Trường hợp Khánh Hà cũng thế, khởi nghiệp trong lĩnh vực nhạc trẻ, khi ra đến hải ngoại đã trở thành một tiếng hát lẫy lừng của nền tân nhạc Việt Nam. Người anh của cô là Tuấn Ngọc, không ai có thể phủ nhận được là một trong những giọng ca tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam sau khi đã thành công với những nhạc phẩm ngoại quốc của Andy Williams hay của Engelbert Humperdinck và Tom Jones...

 

 Lưu Bích

 

Cô em út trong gia đình họ Lã là Lưu Bích cũng xuất thân từ nhạc trẻ sau một thời gian công tác với ban nhạc gia đình Uptight cũng đang là một khuôn mặt sáng chói trên những chương trình video. Carol Kim sau nhiều năm trình diễn tại các club Mỹ khi còn ở Việt Nam cũng đã bước vào vũ trường với những nhạc phẩm lời Việt để trở thành một giọng ca tên tuổi của làng tân nhạc. Vy Vân của The Apple Three cũng đã tạo cho mình được một chỗ đứng với những nhạc phẩm thuần túy lời Việt sau khi đã thành công lớn với những nhạc phẩm ngoại quốc thịnh hành. Chúng ta cũng không thể quên Thanh Lan là người đến với nhạc trẻ vào giữa thập niên 60 với những nhạc phẩm lời Pháp, sau đó đã trở thành một giọng ca được mến chuộng với những nhạc phẩm thịnh hành lời Việt. Với nhạc trẻ, Julie – một thời được gọi là Julie Quang, khi còn chung sống với Duy Quang - đã đến với lãnh vực ca hát từ thập niên 60. Từ đầu thập niên 70 cô xuất hiện tại vũ trường và nổi bật với nhạc phẩm “Mùa Thu Chết” để sau đó tiếng hát của cô đã trở thành một trong những giọng ca quyến rũ của làng tân nhạc Việt Nam.

 

Carol Kim

 

Vào năm 68, Duy Quang bước chân vào làng nhạc trẻ với những nhạc phẩm ngoại quốc khi cùng với ban nhạc The Starling Show trình diễn tại các club Mỹ. Qua đến năm 70 khi ban nhạc The Dreamers được thành lập anh vẫn chưa được biết đến với những nhạc phẩm Việt Nam. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi “bố già” Phạm duy soạn những nhạc phẩm dành riêng cho anh trình bày thì Duy Quang đã trở nên nổi tiếng ngay với những nhạc phẩm như “Em Hiền Như Ma Soeur”, “Thà Như Giọt Mưa”, “Bao Giờ Biết Tương Tư” hay “Con Đường Tình Ta Đi”... và một thời gian đã trở thành một trong những giọng ca ăn khách nhất. Cô bé Ngọc Hương của ban nhạc trẻ The Teen Sound dạo nào sau đó tại hải ngoại cũng đã được coi là một giọng ca tân nhạc rất có hồn với những nhạc phẩm tình cảm lời Việt. Nhìn vào những tên tuổi được nhắc tới ở trên, những tiếng hát ở trong làng nhạc trẻ trước kia đã trở thành những tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam, Nhạc Trẻ và Tân Nhạc đã hòa nhập làm một để đánh tan đi thành kiến cho rằng nhạc trẻ chỉ là nhạc ngoại quốc. Tại hải ngoại danh từ “Nhạc Trẻ” vẫn còn được sử dụng, tuy nhiên ý nghĩa của nó đã khác biệt hẳn với thời kỳ của những thập niên 60 và 70. Ý nghĩa thực sự của danh từ “Nhạc Trẻ” hiện nay chỉ được dùng để nhắm vào những khuôn mặt trẻ căn cứ trên tuổi tác, không còn phân biệt vấn đề trình bày nhạc Mỹ, Anh hay Việt hoặc những nhạc phẩm lời Việt được soạn từ những nhạc phẩm ngoại quốc. Nói tóm lại, trải qua trên 40 năm kể từ khi phong trào nhạc trẻ nhen nhúm tại Việt Nam, khởi đầu bằng những nhạc phẩm ngoại quốc, cho đến nay danh từ “Nhạc Trẻ” đã hoàn toàn biến đổi để trở thành một sự hòa nhập vào sinh hoạt ca nhạc Việt Nam nói chung.

 

Duy Quang và Julie Quang
 

Kể từ khi cùng với Jo Marcel về vũ trường Ritz, cuộc sống của tôi cũng đã có nhiều thay đổi qua sự tiếp xúc với những nghệ sĩ thuộc làng tân nhạc, trong khi trước đó chỉ thu hẹp sự giao tiếp với những nghệ sĩ trong làng nhạc trẻ.

 

Tại căn phòng rộng rãi có cửa thông qua vũ trường Ritz với đầy đủ tiện nghi như máy lạnh, nước nóng đàng hoàng, tôi đã thiết lập “bàn giấy” tại đây với điện thoại, máy đánh chữ hẳn hoi. Cứ như một ông chủ lớn. Không những thế còn có 3, 4 tên “đệ tử” phục vụ hết mình như Cẩu, Bé, Trí và Nô là những nhân viên của Jo Marcel mướn để làm những chuyện lặt vặt. Riêng Nô với tên thật là Lân, nhờ có năng khiếu về nhạc nên đã được Jo và tôi khuyến khích theo học nhạc để sau đó trở nên một thành viên của ban nhạc The Crazy Dogs. Cần gì cứ hô một tiếng là các đệ tử sẵn sàng phục vụ. Tuy nhiên “sư phụ” cũng không tránh khỏi những cặp mắt tò mò của các “đệ tử” khi có hẹn hò với đào địch. Những màn hú hí, mùi mẫn với đào sau cánh cửa đóng chặt tưởng như rất kín đáo, nhưng không ngờ sau này mới phát giác ra mấy lỗ nhỏ do các “đệ tử” đục khoét để nhìn trộm. Vào buổi tối, văn phòng của tôi tràn ngập những nghệ sĩ cộng tác với chương trình ca nhạc Jo Marcel. Họ dùng nơi này như hậu trường, trước khi ra sân khấu trình diễn. Nào là Nhật Trường và ban tổ ca của anh, nào là Quỳnh Giao cùng ban  hợp ca gồm các cô em gái Vân Quỳnh, Vân Hòa, Vân Khanh. Đây cũng là nơi lui tới của Vy Vân, Tuyết Dung, Tuyết Hương của The Apple Three, của The Cat's Trio với Uyên Ly, Kim Anh và Mỹ Hòa. Anh Khoa sau khi từ Phan Thiết vào Sài Gòn và được Jo Marcel “lăng xê” cũng thường xuyên có mặt tại căn phòng này.

 

Khánh Hà

 

Nhất là Lệ Thu – khi đó đang ở trong thời kỳ sáng chói nhất – đã là một trong những khuôn mặt quen thuộc của căn phòng này cùng với nhà báo Hồng Dương. Chưa kể đến các “gogo girls” là hai chị em Marie và Linda và các nhạc sĩ của ban nhạc Jo Marcel như Nguyễn Văn Trổ, Thanh Bình, Hưng, Hải (sử dụng trống, ông xã của Carol Kim, đã qua đời vài năm sau đó), Triệu Thoại Tinh... Cứ từ 8, 9 giờ tối trở đi cho đến khuya là “văn phòng” của tôi được bỏ ngỏ để trở thành một cái chợ, rất ồn ào và náo nhiệt. Bên ngoài thì tiếng nhạc ầm ầm, bên trong những tiếng đùa giỡn, chuyện trò cũng ầm ầm không kém.

(còn tiếp)