Kết nối bạn đọc

Kỳ 114: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 07-06-2019 • Lượt xem: 9237
Kỳ 114: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Liên tiếp cả tháng, sau khi lê lết ở Brodard hoặc Continental hay Pôle Nord, các em lại lũ lượt kéo nhau đến phòng tôi vào ban đêm để tán láo trước khi được “ông anh đạo đức” mướn phòng cho ngủ và được bè bạn của “ông anh” kéo nhau sang... tham quan. Qua những lần tiếp xúc như vậy, tôi đã có dịp hiểu rõ hơn về tình trạng của từng em. Tất cả đều mang một tâm trạng chán chường và bất mãn với cuộc sống nên đã sống một cách buông thả, không cần biết đến ngày mai ra sao.

Thấy “ông anh đạo đức” ân cần hỏi han về gia cảnh, lại còn tỏ lời khuyên răn an ủi, các em từ đó trở đi đóng một vai trò rất đứng đắn và đàng hoàng trước mặt ông anh, đã lỡ đóng vai đạo đức nên cũng phải tỏ ra ta đây là người đàng hoàng, đứng đắn. Từ đó bị các ông bạn chửi là... quân tử Tầu!

 

 Ngoài những chuyến thăm về ban đêm như vậy, cả ngày căn phòng lúc nào cũng kẻ ra, người vào. Hỗn độn và lốm nhóm với đủ mọi giới, văn nghệ cũng như báo chí và điện ảnh, cùng với vô số bạn bè cũ cũng như mới. Tiếp khách cả ngày nên mệt bở hơi tai, gần như không có lúc nào được ngơi nghỉ. Lúc nào cũng bừa bãi và hỗn độn nên nhận thấy cần có một “đệ tử” để làm tạp dịch trong phòng. Tôi để ý đến một cậu bé lanh lợi tên Hiệp, có “job” mở cửa thang máy cho khách lên xuống ở khách sạn Bồng Lai. Được “ông thây” đề nghị, Hiệp rất khoái chí để nhận lời tức thì trong vai trò phục vụ các ông thầy chịu chơi. Việc ăn uống ở Bồng Lai những khi đói kém vì “ế độ” đã có Bà Cả Đọi lo liệu. Đến giờ cơm nước mà anh chị em còn ngồi lổn nhổn trong phòng thì “đệ tử” Hiệp cứ lên tiếng hỏi để biết ai ăn hay không rồi xách “gà mèn” phóng lại Bà Cả Đọi order bằng cách “à la ghi”.

 

Nhạc trẻ một thời

 

Tiền bạc kiếm chác được bao nhiêu cũng đã phải chi cho Bà Cả Đọi một phần khá bộn. Sống kiểu này vui thì có vui, nhưng cũng có nhiều khi kẹt trong những lần hẹn hò đào địch. Những lúc đó phải năm nỉ hai ông bạn cùng  phòng là Kỳ Phát và Phan Kiên đi chỗ khác chơi để anh em... làm việc. Như vậy cũng vẫn chưa yên vì cứ một lúc lại có tiếng gõ cửa ầm ầm của những khách vãng lai, ghé chơi một cách bất tử như thường lệ. Đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi để tâm sự cùng em mà nghe tiếng đập cửa rầm rầm cũng mất mẹ nó cả hứng thú đến nỗi phát bực, phát cáu, phải hé cửa ra hiệu để anh em lảng đi chỗ khác.

 

Có những ông bạn còn đứng ngoài cười hô hố, đểu cáng vô cùng. Chị đào thấy tình trạng hỗn độn quá nên cũng chẳng còn lòng dạ nào mà mùi mẫn, mà tâm tình. Mặt khác, đôi khi để tiện việc sổ sách – thật ra là quá tham lam, đã gom 2, 3 cuộc hẹn đào địch lại một ngày, một “xuất” cách nhau chừng nửa tiếng. Đã cẩn thận làm một sự “timing” chính xác như vậy mà vẫn có những lần bị bể, vì “xuất” một chưa xong mà “diễn viên” của “xuất” hai đã chưa đến hẹn lại đã lên! Không cách nào khác hơn là phải mở hé cửa, mặt mày nhăn nhó khẩn khoản nói dóc với em rằng vì bất tử có... má lên thăm nên không có thể tiếp em được, Em cứ đi vòng vòng đầu đó, má sắp về rồi, lúc đó hãy trở lại.    

 

Song song với thời gian sống những ngày quá sức ồn ào, tôi có dịp quen biết với Trịnh Quan, lúc đó là chủ nhân “kiosque” bán băng nhạc Trịnh Quan trên đường Nguyễn Huệ, Trịnh Quan là một tay khoái nhạc trẻ, lại rủng rỉnh tiền bạc nên đã rủ tôi và Tùng Giang cộng tác làm báo cho vui, Tờ báo lấy tên là “Hồng”,  chuyên trị về nhạc trẻ cùng những sinh hoạt văn nghệ khác như tân nhạc, điện ảnh... Thấy Trịnh Quan bắt trúng đài, tôi nhận lời ngay không cần thắc mắc vì được đề nghị chi rất đẹp. Ngoài Tùng Giang và tôi, còn có Ngọc Hoài Phương và vài cây viết khác, với Viên Linh giữ vai trò tổng thư ký. Nhờ đánh đúng vào thị hiếu của giới trẻ nên ngay từ “Hồng” số ra mắt đã bán chạy như tôm tươi để rồi được coi như một loại "Salut Les Copains” của Việt Nam, Giấy in báo thời đó tuy có đen sì nhưng nhờ những hình ảnh sống động của các anh chị em nghệ sĩ nên cũng có vẻ sáng sủa hẳn ra. Báo  “Hồng” càng ngày càng trở nên nổi tiếng, do đó số phát hành đã lên rất cao. Nhưng do vấn đề thời cuộc nó chỉ sống được chưa đầy 2 năm đã phải “phục mê bu tích” trong sự tiếc rẻ của những độc giả trẻ tuổi.

 

Qua đến đầu năm 71, tôi được tiếp một vị khách đeo lon thiếu tá đến tìm tôi tại Bồng Lai. Anh tự giới thiệu là Phạm Huấn là người chủ trương tuần báo “Diều Hâu” ra đời trong khi tình hình chính trị và quân sự tại Việt Nam đang hồi sôi động. Mục đích anh Phạm Huấn đến gặp tôi là để mời tôi tổ chức một Đại Hội Nhạc Trẻ mà địa điểm tổ chức sẽ là sân vận động Hoa Lư, có thể chứa được khoảng 15 ngàn khán giả. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe lời đề nghị này, tuy nhiên tỏ ra lo ngại vì tầm vóc lớn lao và qui mô của một tổ chức như thế. Buổi tổ chức được coi là lớn trước đó diễn ra vào năm 70 tại sân trường Taberd với khoảng trên 5000 người tham dự đối với tôi đã là vĩ đại và cảm thấy vất vả vô cùng. Nay tổ chức tại sân vận động Hoa Lư thì sự vất vả và khó khăn sẽ còn  lớn lao tới đâu.

 

Thấy tôi có vẻ lưỡng lự khi đưa ra những khó khăn sẽ gặp phải, thiếu tá Phạm Huấn đã trấn an tôi bằng tất cả sự bảo đảm và lòng hăng say của anh. Với sự trợ giúp của quân đội, việc thiết lập một sân khấu to lớn ngoài trời chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề giữ gìn an ninh, trật tự ngăn chặn những vụ phá hoại rất có thể xảy ra hoặc những vụ lộn xộn trong đám khán giả đông đảo cũng không phải là một vấn đề.

 

Anh động viên tinh thần tôi rất nhiều để cuối cùng tôi nhận lời kêu gọi một số anh em lập thành một nhóm thực hiện chương trình. Dĩ nhiên những người được mời vào nhóm không ai khác hơn là những người đã cùng với tôi sát cánh trong những sinh hoạt nhạc trẻ từ lâu như Jo Marcel, Nam Lộc và Tùng Giang. Ngòai ra chúng tôi cũng đã mời nhạc sĩ Phạm Duy giữ vai trò cố vấn nhóm vì nhận thấy ông là một người luôn đứng ra bênh vực cho giới nhạc trẻ.

 

Cuối cùng ngày đại hội được chính thức được lấy tên là “Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời”, tổ chức vào ngày 29 tháng 5 năm 1971 tại sân vận động Hoa Lư.

(còn tiếp)