Kết nối bạn đọc

Kỳ 119: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 12-06-2019 • Lượt xem: 9573
Kỳ 119: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cũng trong những năm từ 71 đến 73, căn phòng số 22 là nơi lui tới hàng ngày của anh Nguyễn Văn Thành, một nhân vật trong ngành phát hành sách mà giới sáng tác và dịch thuật không ai không biết. Lúc đó anh Thành đang chủ trương nhà phát hành Hiện Đại (cùng một lúc với một số nhà xuất bản mang nhiều tên khác nhau, trong số có Tổ Hợp Gió). Đây là một nhân vật đặc biệt, tuy không có khả năng viết văn hay dịch thuật nhưng lại có tài nghiên cứu thị trường chữ nghĩa rất chính xác nên đã nhiều lần anh “cắn” được rất ngon lành.

 “Cắn” là chữ anh Thành thường dùng khi nhắm vào một tác phẩm mà anh nhận xét là ăn khách. Nhờ tài “đánh hơi” như thần, anh Thành – một người lè phè, chuyên mặc áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần, lê đôi dép Bata lép xẹp - đã “cắn” đâu trúng đó và trở thành một thứ “ông trùm” sách vở. Anh Thành đã tiên đoán được sự thành công của phong trào Việt Hóa nhạc trẻ nên khuyến khích anh em chúng tôi làm lời Việt cho hãng, cho nhiều. Bao nhiêu cũng bao thầu vì biết chắc là sẽ “cắn”. “Ông trùm” cũng chi rất điệu, tiền trao cháo múc, viết lời được bản nhạc nào là anh xùy tiền ra tức thì, không hề thắc mắc. Có những anh em một ngày "sáng tác” lời được cả 3, 4 bài như máy theo cách... tự do, không cần để ý đến nội dung nhạc phẩm gốc ra sao. Những lúc bí tiền, cần “chút cháo” dằn túi là “a-lê-hấp” ngồi ngay vào bàn hí hoáy mở máy nghe cho thuộc giai điệu một bài hát quen thuộc nào đó rồi “phịa” ra lời ca sao cho tình tứ, ướt át là ok.

 

Ca sĩ Duy Quang

 

Trước khi xuất bản thành từng tập nhạc, những nhạc phẩm soạn lời Việt từ nhạc ngoại quốc này cũng đã được nhà xuất bản Nhạc Mới của nhạc sĩ Ngọc Chánh đặt mua để in thành những bản nhạc rời trong cùng thời kỳ những sáng tác của Phạm Duy đang được nhiều người ưa thích qua tiếng hát của Duy Quang như: Em Hiền Như Ma Soeur, Con Đường Tình Ta Đi, Bao Giờ Biết tương Tư, Thà Như Giọt Mưa, Hai Năm Tình Lận Đận, Chuyện Tình Buồn, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ... Cũng trong thời gian này, tiếng hát của Thái Hiền với những nhạc phẩm của “bố già” rất được chú ý với: Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Hồng, Tuổi Thần Tiên, Ông Trăng Xuống Chơi, Chú Bé Bắt Được Con Công... Trong khi đó những nhạc phẩm Việt Hóa cũng đã bắt đầu được chú ý đến rất nhiều.

 

Trước sự đi lên của phong trào Việt Hóa nhạc trẻ trong những năm đầu thập niên 70, không ít những ca sĩ đã có dịp đưa tên tuổi mình lên cao hơn trong phần trình bày những nhạc phẩm ngoại quốc được chuyển qua lời Việt trên băng nhạc, trên những chương trình phát thanh và truyền hình cũng như trên sân khấu. Về nam ca sĩ, nổi bật hơn cả là Duy Quang khi trình bày những nhạc phẩm Việt Hóa của “bố già” và của tôi. Riêng với những nhạc phẩm chuyển qua lời Việt do tôi soạn rất thích hợp với tiếng hát của Duy Quang, nên không ít những nhạc phẩm Việt Hóa do anh trình bày trên băng nhạc đã do tôi chuyến lời Việt như: Mùa Đông Em Đi (I Started A Joke), Điện Thoại Tới Anh (Téléphones - moi), Coi Chừng Gái Đẹp (Belles! Belles! Belles!), Cô Em Tần Thời, Anh Hùng Thời Chiến (Billy Don't Be A Hero), Bài Luân Vũ Mùa Mưa (The Last Waltz)...

 

Ngoài Duy Quang, tôi cũng đã chuyển sang lời Việt một số nhạc phẩm của Pháp thường được Jo Marcel trình bày theo lời đề nghị của anh như: Cám Ơn Người Yêu Dấu (Merci Chérie), Mời Nàng Cười (Fais La Rire), Anh Ước Mong (J'ai Envie)... ngoài ra Jo Marcel còn được biết đến nhiều với những ca khúc được chuyển lời Việt từ những nhạc phẩm Pháp nổi tiếng khác như Capri C'est Fini, Kilimandjaro, Elle était Si Jolie... của Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên... Thường Jo hát cả lời Việt lẫn lời ngoại quốc khi trình bày những nhạc phẩm Việt Hóa như như trường hợp của Paolo với Adieu, Jolie Candy (Tiễn Em Nơi Phi Trường), Et Pourtant, Delilah, Coupable hoặc Elvis Phương với The Godfather (Thú Yêu Thương) hay cặp Minh Xuân - Minh Phúc với Lo Mucho Te Quiero (Rồi Mai Đây), Trọng Nghĩa (ban nhạc Le Crépuscule) với Adieu, Sois Heureuse...

 

Ca sĩ Thái Hiền 

 

Về phía nữ, ca sĩ Thanh Lan được coi là giọng ca nổi bật nhất với Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang), Căn Nhà Xinh (Anata), ôi Dàn  Thiên Lý Đã Xa (Scarborough Fair), Trong Nắng Trong gió (Dans Le Solei Et Dans Le Vent), Ngày Tân Hôn (The Wedding), Cơn đau Tình Ái (Mal)... Phần lớn những nhạc phẩm Việt Hóa do Thanh Lan hát đều do Phạm Duy chuyển lời. Ngoài ra còn có Julie Quang, Minh Xuân là những nữ ca sĩ thường trình bày những nhạc phẩm Việt Hóa từ những nhạc phẩm Sad Movies, Love Is Blue, Both Sides Now, To Sir With Love... Trong thời kỳ này người ta ghi nhận sự xuất hiện của một khuôn mặt xinh xắn, mang một vẻ rất hồn nhiên và ngây thơ của Thanh Mai được mệnh danh là - “Con Búp Bê” của nhạc trẻ Việt Nam, nhất là sau khi cô được mọi người chú ý đến với nhạc phẩm Con Búp Bê Bằng Sứ (Poupée De Cire, Poupée De Son). Thanh Mai cũng là nguồn cảm hứng để Tùng Giang sáng tác nhạc phẩm Biết Đến Thuở Nào do tôi viết lời do Tùng Giang... mướn viết! “Lão Ngoan Đồng” Tùng Giang thời gian này, rất có cảm tình với “Con Búp Bê” Thanh Mai nên khi tôi viết lời ca đầu tiên cho nhạc phẩm này là “phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng...” là Tùng Giang khoái chí ngay vì đúng với tâm trạng của anh.

 

Đến năm 72 ban nhạc Phượng Hoàng đã trở thành nổi tiếng như cồn với chủ trương sáng tác những ca khúc nhạc trẻ Việt Nam thuần túy của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Người đã đưa những nhạc phẩm này đến với khán thính giả không ai khác hơn là Elvis Phương, rất thích hợp với những nhạc phẩm của Phượng Hoàng. Những lần xuất hiện của Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng đã gây được rất nhiều thích thú nơi giới trẻ với những lời ca giản dị, nghệ thuật hòa âm mới mẻ khác biệt hẳn với những sáng tác ra đời trước đó. Tôi nhớ mãi một lần hướng dẫn ban nhạc Phượng Hoàng đến trình diễn tại trường trung học Gioan XXIII ở Mỹ Tho theo lời mời của ban giám đốc vào mùa xuân năm 72.

 

Ngoài phần trình diễn của bạn nhạc Phượng Hoàng, tôi đã có dịp nói chuyện trước hàng trăm học sinh và phụ huynh về lịch sử nhạc trẻ Việt Nam cùng chủ trương Việt Hóa nhạc trẻ. Mỗi lần đề cập đến một thời kỳ nào đó của nhạc trẻ Việt Nam, Elvis Phương đã là người trình bày một ca khúc tiêu biểu với sự phụ họa của Phượng Hoàng với: Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Lê Huy và hai anh em Hiển, Vinh. Chương trình được kết thúc bằng những ca khúc nhạc trẻ thuần túy Việt Nam với sự cổ vũ của tất cả khán giả có mặt.

(còn tiếp)