Kết nối bạn đọc

Kỳ 125: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 18-06-2019 • Lượt xem: 10640
Kỳ 125: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Mặc dù mang một tâm trạng chán chường và mỏi mệt, tuy nhiên vẫn còn một chút ham vui vương vấn nên tôi lại đã nhận lời, cùng với anh em đứng ra tổ chức những Đại Hội Nhạc Trẻ khác trong năm 73. Khởi đầu với Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd vào đầu năm 73, đến ngày 25 tháng 11 cùng năm, lại thêm một Đại Hội Nhạc Trẻ khác được tổ chức tại sân trường này để giúp Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ và Gây Quỹ Xã Hội Taberd.

Đây là một đại hội quy tụ những ban nhạc trẻ CBC, Uptigh (lần đầu tiên xuất hiện tại một Đại Hội Nhạc Trẻ, đặc biệt với sự tăng cường của Tuấn Ngọc), The Blue Jets (với 2 ca sĩ: Vény, em ruột Julie Quang và Daniel), The Jay Cees, The Family Love, The Blue Stars. The Hamnners, Mây Trắng, Phượng Hoàng (đã tan rã, nhưng đồng ý kết hợp lại để trình diễn tại đại hội), The Lobsters Monsters (với những ca sĩ Minh Xuân, Minh Phúc, Julie Quang, Thanh Tuyền và Phương Oanh), The Enterprise, The Crazy Dogs và The Peanuts Company. Đặc biệt trong lần đó nhạc trẻ đã có dịp “giao duyên” với những tên tuổi lớn của làng tân nhạc Việt Nam là Khánh Ly, Lệ Thu và nhất là ban hợp ca Thăng Long. Đây là một trong những Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd được coi là thành công nhất kể từ khi được tổ chức ngoài trời, mặc dù vậy cũng không khiến cho tôi có thêm được sự hăng hái. Trước sự kiện này, Huyền vẫn luôn khuyến khích tôi để lại một lần nữa cùng với các bạn đứng ra thực hiện chương trình cho một Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd vào mùa Hè năm 74, ngày 09 tháng 06 để gây quỹ xã hội cho trung tâm Lâm Tỳ Ni với hầu hết các ban nhạc đã trình diễn tại đại hội năm trước, thêm vào đó là ban nhạc Le Crépuscule với các ca sĩ Trọng Nghĩa, Hải Lý, Thế Dung và Hữu Hoàn cùng ban nhạc Black Stones với hai ca nhạc sĩ Ngọc Tùng và Hoàng Tạo. Và một lần nữa, nhạc trẻ lại có dịp “giao duyên” Với một số tên tuổi trong làng tân nhạc là Thanh Lan, Lệ Thu, ban hợp ca Thăng Long và ban tam ca AVT.

 

Một số ấn phẩm của Trường Kỳ

 

 Sau Đại Hội Nhạc Trẻ này tôi không còn thiết tha gì đến việc tổ chức hay những hoạt động liên quan đến nhạc trẻ khác. Tôi thật sự là thấy mình thay đổi, không còn hung hăng con bọ xít như trước, không còn hứng thú thư xưa và chẳng còn quan tâm đến những vụ đàn đúm, hội họp hay những vụ ăn chơi xả láng. Trong tình trạng chiến tranh sục sôi từng ngày, với những xáo trộn không ngừng về mặt xã hội, tôi cũng chẳng còn lòng lạ nào để viết lách về ca nhạc xét ra không còn thích hợp với hoàn cảnh.

 

Với tình trạng như thế, tôi muốn thay đổi cuộc sống để được... bình thường như mọi người. Cách thay đổi và sống cuộc đời bình thường hay hơn hết là... lấy vợ. Và người tôi chọn làm vợ không ai khác hơn là Huyền. Tôi quyết định như vậy vì không còn thấy hấp dẫn trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt và nhất là lại luôn luôn bấp bênh sau hơn một chục năm đắm mình trong đó. Chẳng cần rào trước đón sau, tôi ngỏ ý với Huyền, khi đó đã chính thức là cô “đào ruột”, song song với một số mối tình “mini” khác – do bản tính quá ư tình cảm của mình! - thỉnh thoảng vẫn còn lui tới chốn Bồng Lai mà lúc đó tôi không còn coi là một nơi tiên cảnh! Sau khi được Huyền nhận lời, tôi bay ngay về nhà cô Liễu để nhờ cô “đánh tiếng” với bố tôi. Cả gia đình có thể là quá sức ngạc nhiên khi thấy “cậu Kỳ” quyết định dừng bước giang hồ một cách bất ngờ vì trước đó mỗi khi nhắc tới chuyện lấy vợ, gả chồng thì “cậu” cứ dẫy lên đay đảy ra chiều mắc cỡ. Hơn nữa lại tuyên bố rằng lấy vợ mệt thấy bà, như đeo gông vào cổ, như đi vào vòng lao lý, tù tội. Bỗng dưng một cái đùng “cậu” quyết định như vậy, cả gia đình, nam phụ lão ấu tưởng “cậu” giỡn chơi. Nhưng sau khi biết “cậu” nói thiệt, ông bố và cả nhà hân hoan ra mặt, tính ngày giờ đế sang thăm “hai bác” để ngỏ lời cầu hôn. Trong khi đó Huyền cũng đã “bắn tiếng” với gia đình về ý định của tôi với một kết quả rất tốt đẹp, không hề bị “hai bác” điều tra cặn kẽ.

 

Trường Kỳ - Người có nhiều tâm huyết với nhạc trẻ

 

Tất cả sau đó đã diễn ra hoàn toàn suôn sẻ để Huyền và tôi chính thức trở thành vợ chồng bằng một lễ hôn phối vào năm 74 tại nguyện đường Mai Khôi trên đường Tú Xương, do cha bác Phạm Long Tiên chủ lễ. Rất tiếc Cha đã không được mặc quần jean và áo thun làm lễ như đã đề nghị vì bị bà nội tôi phản đối kịch liệt. Vào cùng ngày, một tiệc cưới lớn, có thể coi là một Đại Hội Nhạc Trẻ đã diễn ra tại nhà hàng Lê Lai. Jo Macel, Nam Lộc và Thanh Lan giữ vai trò điều khiến chương trình với phần trình diễn trong tình nghệ sĩ cũng như bạn bè thân thiết của Như An, Minh Xuân, Minh Phúc, Paolo, Thanh Mai, Thanh Tuyền, Julie Quang... cùng một số đông đảo anh em trong giới nghệ sĩ khác cũng như giới truyền thông.

 

Hôm đó cũng có mặt cô bạn nhậu Tú Trinh. Cô buồn buồn nắm tay tôi nói: “Kỳ ơi, thế là Trinh hết được nhậu với Kỳ rồi!”. Tôi cũng thoáng thấy vài “cuộc tình xưa” với cặp mắt buồn vời vợi như trách cứ một kẻ... bạc tình. Nhưng “em ơi tình duyên lỡ làng rồi, còn đâu nữa mà chờ” khi tôi đã quyết định ca bài “trả lại em yêu” thật là tha thiết, để “vẫy tay, vẫy tay chào nhau, một lần cuối, một lần cuối cùng rồi thôi”!

Trước ngày cưới, tôi đã giã từ Bồng Lai, giã từ những năm tháng nhộn nhịp để dọn qua một căn phòng khá khang trang trong ngôi biệt thự số 53 Hồng Thập Tự do bà chủ rạp chiếu bóng Long Vân cho thuê để sửa soạn một cuộc sống bình thường.

 

Trong khi đó Kỳ Phát và Phan Kiên cũng khăn gói lục tục kéo nhau qua ở một căn phòng nhỏ, nằm toòng teng trên hàng rào cùng của ngôi biệt thự đó mà chúng tôi gọi là một cái “chuồng chim”, lúc nhúc toàn những anh chim đực rựa. Thời gian sau, chúng tôi mướn được một căn phòng trong ngôi nhà số 251 đường Hai Bà Trưng và sống một cuộc sống bình thường của một cặp vợ chồng trẻ, rất vui và hạnh phúc cùng với sự tới lui của những bạn bè thân. Tên nào cũng có ý thăm dò coi ông “vua nhạc trẻ” kiêm “vua Hippy” sau khi lấy vợ có sống khác thiên hạ hay không!

 

Tôi tưởng đã xa rời những hoạt động ca nhạc từ đó sau khi quyết định lập gia đình. Nhưng với lời mời thiết tha của ban tổ chức cùng sự khuyến khích của Huyền, tôi lại cùng các bạn đứng ra thực hiện chương trình cho một Đại Hội Nhạc Trẻ Thảo Cầm Viên của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để giúp Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ 75 được tổ chức vào ngày 29 tháng 12 năm 74 cùng với những ban nhạc trẻ và các nghệ sĩ quen thuộc. Đây là Đại Hội Nhạc Trẻ cuối cùng được tổ chức tại Việt Nam khi tình hình chính trị càng ngày càng xáo trộn. Nó chẳng hề ghi lại nơi tôi một ấn tượng nào đặc biệt.

 

Vào ngày 31 tháng 3 năm 75, đứa con gái đầu lòng và duy nhất của tôi chào đời, sau khi tôi gọi một chiếc cyclo máy chở Huyền và tôi đến nhà bảo sanh An Kỳ, đường Bà Lê Chân khi Huyền lên cơn đau bụng báo hiệu cho sự sinh nở. Ông Nội đặt tên cháu là Tú Uyên. Một lần nữa, cuộc sống của tôi có thêm nhiều thay đổi. Vì không có kinh nghiệm nuôi con nên cặp vợ chồng trẻ chúng tôi gần như đã giao phó hắn Tú Uyên cho bà ngoại chăm sóc những ngày tháng đầu đời.

 

Đúng một tháng sau, khi những lá cờ đỏ sao vàng và những chiếc nón cối xuất hiện qua khe cửa của căn nhà chúng tôi mướn, tôi biết chắc cuộc đời mình sẽ phải đối phó với những sự thay đổi lớn lao.

...

Đến lúc đó, tất cả đã trở thành kỷ niệm. Kỷ niệm của một thời... Một Thời Nhạc Trẻ.

Montréal, Canada tháng 10 năm 2001

(Hết)

 

 

 Thế là các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi chặng đường 20 năm (thập niên 60& nửa thập niên 70 của thế kỷ XX)  hình thành nhạc trẻ Việt Nam tại Sài Gòn bởi nhà báo, nhạc sĩ, nhà tổ chức văn nghệ đa tài: Trường Kỳ.

Lần đầu tiên tôi gặp vợ chồng anh tại nhà nữ hoàng nhạc jazz Tuyết Loan. Vốn cùng nghiệp (viết báo, làm sô…) nên chúng tôi cảm nhau rất nhanh.

Anh đã tặng tôi cuốn “Một thời nhạc trẻ”. Tôi biết ngay đây là một tư liệu rất hiếm và phong phú, tư liệu của một người, mà Sài Gòn từng đặt cho anh cái tên “ông vui Hippy”, “ông vua nhạc trẻ”, người góp phần đặt nền móng cho nhạc trẻ Việt Nam lúc bấy giờ.

Lúc đó, tôi có ước vọng là làm sao phổ biến quyển sách này trên báo giấy ở Việt Nam. Anh cũng rất vui khi nghe tôi nói.

Những tản mạn về thời kỳ đầu nhạc trẻ Việt Nam rất nhiều trên mạng xã hội nhưng “Một Thời Nhạc Trẻ” của Trường Kỳ là đầy đủ nhất. Nếu như từ bộ khung, cột mốc này, chúng ta bổ sung từng chi tiết của những người trong cuộc nữa, thì bức tranh nhạc trẻ Việt Nam sẽ càng lung linh hơn. Bởi nó hình thành từ khát vọng, đam mê, nhiệt quyết của những người trẻ yêu âm nhạc và tự ái…dân tộc.

Rất tiếc là anh không kịp thời gian để viết về ẩm thực Việt Nam như anh đã tâm sự trong buổi gặp mặt (Trường Kỳ rất sành ăn uống, chúng ta thấy rất nhiều những địa chỉ ăn uống nổi tiếng ngày xưa gắn liền với hoạt động của anh trong sách).

Hơn 10 năm tôi mới thực hiện được lời hứa của mình.

Nhớ anh Trường Kỳ.

(Nguyễn Hải Ninh)