Kết nối bạn đọc

Kỳ 19: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 04-03-2019 • Lượt xem: 15327
Kỳ 19: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Thế là những buổi tập dượt được diễn ra một cách ồn ào và... khẩn trương. Đây là một dịp quí hóa, bỏ qua rất uổng. Các tiệm may quần áo cũng như giầy dép nổi tiếng dường như tấp nập hẳn lên trong dịp anh chị em tha hồ xe xua, chưng diện này. Sau khi Đại Hội Kích Động Nhạc mừng cách mạng thành công ở vũ trường Đại Kim Đô vào tháng 11 năm 63, ai cũng mong có dịp được thi thố tài nghệ trước một số đông người, nên được mời rất lấy làm hãnh diện, tiền bạc chỉ là chuyện nhỏ!

Khán giả đến với chương trình Đại Hội Kích Động Nhạc Văn Hoa tối hôm ấy thuộc đủ mọi thành phần: Ông già, bà cả, choai choai, sồn sồn, con nít, nhi đồng... Vì ngoài những màn trình diễn nhạc trẻ còn có phần phụ diễn kịch vui, tân nhạc... Có thể nói đây là lần đầu tiên nhạc trẻ không còn gò bó trong phạm vi giới học sinh trẻ, nhất là giới học sinh trường Tây như trước để được phổ biến rộng rãi hơn.

 

Những màn “à terre”, những điệu bộ nhịp nhàng, quay đàn quay đàn lại, nhảy nhót lung tung khiến khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Hơn nữa, họ còn thấy lạ mắt trước những mái tóc dài, những kiểu quần áo thời trang của các ca nhạc sĩ cùng những âm thanh ngoại quốc trẻ trung mà trước đó chưa từng thấy trên sân khấu Đại Nhạc Hội. Buổi ra mắt khán giả tối hôm đó được coi là thành công đối với những ban nhạc và ca sĩ tham dự dựa trên sự cố vũ của khán giả. Nhưng là một thất bại nặng nề đối với tôi vì ông bầu tổ chức có vẻ... lơ là trong việc chi tiền cho các ban nhạc mà tôi là đại diện.

 

Bìa nhạc bướm - Tình cho không 

 

Cũng như đại đa số những ông bà bầu tổ chức show, ông bầu Anh Nghĩa, người đã dụ dỗ tôi mời dùm các nghệ sĩ nhạc trẻ, than bị lỗ lã quá xá nên chỉ chi một số tiền tượng trưng. Tôi ít khi gặp ông bà bầu tổ chức nào khoe rằng mình lời, toàn là lỗ với lỗ, than thở từ chết đến bị thương, nhất là những lời than vãn này được dành nhiều nhất cho anh chị em nghệ sĩ. Ông bà nào mặt mày cũng bí xị, xưng xệ tả oán với ca sĩ là lỗ quá trời, em bớt cho chị, cho anh chút đỉnh nhé. Lần tới bảo đảm sẽ “chung” đủ. Từng đi show nhiều, anh chị em nghệ sĩ chắc chả còn lạ gì với những màn năn nỉ, ỉ ôi này. Bớt được chút nào hay chút đó, lỡ mình nói là lời, lại bị ca sĩ đòi “bonus” thì bỏ mẹ! Ngược lại, đối với ca sĩ thì luôn cho rằng ông bà bầu tổ chức show nào cũng lời hết ráo. Ấy, cái nhìn của hai bên nó khác nhau kịch liệt như vậy.

 

Với ông bầu Anh Nghĩa, khán giả tối hôm đó ngồi chật cả rạp như vậy mà ông ta than lỗ thì cũng cóc làm sao biết nổi. Khi hỏi, ông ấy trả lời là đông thì có đông thật nhưng đến nửa rạp là... vé mời không à! Không biết gì hơn là phải tin lời để mang số tiền thù lao rất tượng trưng về chia chác với anh chị em. Dĩ nhiên tôi bị sỉ vả một trận tơi bời, lại còn bị anh em nghi ngờ ăn bớt, ăn chận. Đi tìm ông bầu tổ chức thì sức mấy gặp được nữa. Chỉ còn biết thề thốt, thằng nào có óc gian tà sẽ bị xe nhà binh cán chết. Bây giờ tôi vẫn còn sống nhăn, chứng tỏ là không hề ma giáo một ly ông cụ nào! Tuy vậy, anh chị em cũng coi đó là chuyện nhỏ, vì quan trọng nhất là có dịp được tung hoành trước khán giả. Tất cả số tiền thù lao tượng trưng của buổi trình diễn sau đó đã được anh em góp lại cùng nhau đớp hít linh đình.

 

Những năm 64, 65 là những năm nhạc trẻ Anh Quốc gây được một ảnh hưởng rất lớn mạnh tại khắp các quốc gia trên thế giới, với sự xuất hiện của 4 ông mãnh Beatles trước đó 1, 2 năm, kéo theo sau hàng loạt ban nhạc tóc dài khác như The Rolling Stones, The Animals, The Dave Clark Five, The Kinks, The Who, The Yardbirds, The Pink Floyd, The Moody Blues, Cream, The Troggs... Sự kiện được gọi là “The British Invasion” (Sự xâm lăng của Anh Quốc) này đã làm lu mờ những thần tượng nhạc trẻ của Mỹ cũng như tại Pháp trước đó. Tại Mỹ, ca sĩ Rock tiên phong Bill Haley đã bị coi là “khứa lão”, Elvis Presley đã mềm hơn thời kỳ Hound Dog, Blue Suede Shoes hay Little Sistep... những cuốn phim được liệt vào hàng thứ yếu, không có nhạc phẩm nào được coi là đặc sắc. Trong khi đó Jerry Lee Lewis gặp phải một “sì căng đan” tai tiếng khi anh chàng cưới cô em họ mới 13 cái xuân xanh. Little Richard thì tuyên bố đi vào con đường tôn giáo, Chuck Berry đang “gỡ lịch” trong nhà giam, còn Buddy Holly thì từ trần trong một tai nạn thảm khốc. Loại nhạc hợp ca của các ban nhạc Hoa Kỳ như The Four Seasons (“Big Girl Don't Cry”. “Shery”,...), của The Chiffons (“He’s So Fine”) đã không còn thích hợp với giới trẻ đương thời, cũng như điệu nhảy Twist đã chìm vào quên lãng, trong khi ông vua của điệu này là Chubby Checker mất dần chỗ đứng.

 

Lời bài hát Tình cho không 

 

Ngay tại Anh Quốc, thần tượng Cliff Richard cũng như ban nhạc The Shadows một thời tung hoành vào những năm 62, 63 cũng không còn được ái mộ như xưa. Cặp kính gọng đen của tay nhạc sĩ Hank B. Marvin của The Shadows từng là một món thời trang không thể thiếu với những tay nhạc sĩ trẻ cũng đã phải nhường chỗ cho cặp kính tròn của John Lennon và những mái tóc dài của những ban nhạc xuất hiện sau này. Nơi xứ sở của Sylvie Vartan, Johnny Hallyday và Francoise Hardy là Pháp Quốc, ảnh hưởng của các ca sĩ và ban nhạc bên kia bờ biển Manche đã khiến cho giới trẻ tại đây chết mê, chết mệt. Phong trào nhạc Rock của Pháp bị đoàn quân tóc dài Anh Quốc lấn át dữ dội đã khiến cho những ca sĩ ông tây, bà đầm cũng phải hùa theo để hát những nhạc phẩm của nước láng giềng được dịch ra lời Pháp. Lần xuất hiện đầu tiên của ban nhạc The Rolling Stones tại rạp Olympia ở Paris vào năm 64 đã nói lên được sự ái mộ cuồng nhiệt của giới trẻ Pháp với kết quả là hơn 300 chiếc ghế trong rạp. bị đập phá và 40 cô cậu nhóc tì bị “phú lít” giải về bót!

 

Riêng tại Việt Nam vào thời 64, 65, những phương tiện truyền thông chưa được mạnh như tại những quốc gia Âu Mỹ nên vấn đề chạy đua theo thời trang - nhất là về ca nhạc - có vẻ chậm chạp hơn. Từ đó xảy ra tình trạng “pha trộn” tùm lum giữa nhạc Pháp, Mỹ và Anh. Giới trẻ vẫn còn trung thành với những “Tous Les Garcons Et Les Filles”, “J'suis d'Accord”, “L'Ecole Est Finie”, Dance Que Tu Sais”, “Et Pourtant”, vv... là những nhạc phẩm đã trở nên lỗi thời tại Pháp.

 

Từ trái sang: Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Thế Hưng, Nguyễn Duy Biên, Vương Đình Thời, nhân chuyến đi Đà Lạt năm 1968. 

 

Nhiều năm sau đó, nhạc Pháp vẫn còn tạo được nhiều thích thú trong giới trẻ Việt với những giọng ca như: Sylvie Vartan (“La Plus Belle Pour Aller Danser”, “La Maritza”), Adamo (“La Nuit", "Tombe La Neige”, “Mes Mains Sur Tes Hanches”, “Ma Vie”), Richard Anthony ("J'Entends Siffler Le Train”), Art Sullivan (“Adieu, Sois Heureuse”, “Ensemble”) , France Gall (“Poupée De Cire, Poupée De Son”), Claude Francois (Belles, Belles, Belles!), Enrico Macias (“J'ai Quitté Mon Pays”, “ L'Amour C'est Pour Rien”), Claude Jérôme, Alain Barrière ("Elle Était Si Jolie”), Hervé Villard (“Capri C'est Fini”), Joe Dassin (“Le Café Des 3 Colombes”, “À Toi”), Michel Ponareff ("Love Me Please Love Me”, “Holiday"), Jean Francois Michael (“Adieu Jolie Candy”, “Si L'Amour Existe Encore"), Mike Brant (“Rien Qu’une Larme”)... và nhất là Christophe với những nhạc phẩm như Aline, Les Marionnettes, Je Suis Parti, Main Dans La Main, Oh Mon Amour...

 

Trong khi đó ngay tại Pháp, Christophe không được liệt vào hạng “siêu sao” nhưng lại được coi là một thần tượng ở Việt Nam với những nhạc phẩm tình cảm nhẹ nhàng. Ngược lại, Johnny Hallyday được coi là một “anh hùng của làng nhạc Pháp thì tại Việt Nam, những nhạc phẩm của anh chàng này không được ưa chuộng lắm, ngoài một vài bản như "Retiens La Nuit”, L'Idole Des Jeunes” hay “Les Bras En Croix”...

(Còn nữa)

 

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng là giáo sư dạy ngoại ngữ và triết học tại trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Đồng Tiến. Sau đó ông về làm tổng thư ký tạp chí Kịch Ảnh. Năm 1970, nhờ vốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, ông đã chuyển ngữ hàng loạt ca khúc nước ngoài với ca từ đầy chất thơ, trong sáng được mọi người yêu thích như: Búp Bê Không Tình Yêu, Em Đẹp Như Mơ, Chuyện Phim Buồn, Lãng Du, Xin Em Gõ Ba Tiếng, Mong Manh, Nụ Hôn Dưới Mưa, Dòng Sông Tuổi Nhỏ, Anh Thì Không, Nói Sao Cho Em Hiểu...