Kết nối bạn đọc

Kỳ 22: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 07-03-2019 • Lượt xem: 9723
Kỳ 22: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cũng do hoàn cảnh đất nước trong thời chiến, loại nhạc được gọi là kích động đã gặp phải nhiều phản ứng bất lợi trong thời kỳ đầu tiên nơi những người lớn tuổi. Trước cái nhìn của những người này, kích động nhạc bị đánh giá như một loại nhạc thác loạn không thích hợp với hoàn cảnh đất nước lúc đó, nếu chỉ nhìn vào cách ăn mặc hay tóc tai cùng với một số nhạc phẩm giật gân mà đối với những người lớn tuổi nó rất “ngứa mắt”.

Cũng từ sự “ngứa mắt” đó, hình ảnh của những thanh niên bị các ngài Quân Cảnh sởn mái tóc dài hay dùng lưỡi lê rạch quần ống túm không còn xa lạ gì với những người trẻ lúc đó. Quang cảnh hỗn độn của một “bùm” lậu bị “xì” khi gặp thiên hạ xấu miệng báo “phú lít” đến hết thảy lên xe cây về bót cũng rất quen thuộc vào những năm 64, 65 nữa. Đào đào, kép kép hàng hàng lớp lớp bị đẩy lên xe cây coi bi thảm lạ thường. Trước đó cười nói bao nhiêu thì bây giờ mặt mũi lại “xưng xê” bấy nhiêu. Quần áo thì tơi tả, tóc tai thì bù xù, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bao nhiêu thuốc xịt nách hay dầu thơm cũng bị mồ hôi làm cho tan biến nhanh chóng để trở thành một cái mùi... xú uế khó tả. Tôi cũng không thoát khỏi cảnh “vào tù ra khám” về tôi đi “bùm” lậu vài phùa. Chị đào nhí của tôi khóc lóc thảm thiết vì là lần đầu tiên chịu cảnh “nằm gai, nếm mật”, tưởng tượng đến màn bị “khứa lão” sản phăng đi mái tóc dạ lý hương để trở thành một ni cô bất đắc dĩ.

 

 

Các nghệ sĩ nước ngoài với quần ống loe

 

Các cô cậu con ông lớn, bà lớn thì chẳng lấy gì làm sợ hãi vì chả bao lâu đã có người đi “xế hộp” láng coóng tới đón về, để lần tới đi nhót tiếp. Các cô cậu thuộc hàng “thấp cổ bé miệng” thì phải ngủ qua đêm để sáng hôm sau lếch tha, lếch thếch trở về nguyên quán theo chân “khứa lão” hoặc “ghế mẫu” với vẻ mặt đằng đằng sát khí, hứa hẹn một màn “cố tình đả thương trí mạng” một cách rất tận tình. Chỉ có tôi là cảm thấy... oan ức khi bị tống lên xe cây vì đến trễ, chưa được hưởng một bổn “sì lô mùi” nào với chị đào nhí thì đã bị “hỏi giấy” khiến trong lòng hậm hực lạ thường. Đôi giầy “bottine” chưa đi quen chân nên còn... khập khiễng, chiếc quần “tergal” mới may ở Nguyễn Văn Phú và cái áo chemise may ở Tố (vải do thằng bạn học cùng lớp, có bố là chủ một hiệu bán vải ở Chợ Cũ cung cấp!) chưa kịp để thiên hạ ngắm nhìn đã bị tóm thì không đau khổ sao được.

 

Viễn ảnh ôm sát đào nhúc nhích, cựa quậy và thủ thỉ bên tai nàng những lời đường mật thì thật là thú vị tình thâm kể gì. Ấy thế mà bị các ngài cảnh sát – thường được gọi là bạn dân – chẳng hề thông cảm mà còn nói xỏ, nói xiên đau như hoạn. Nhưng chứng nào tật nấy, bị hốt vài lần là đã có ngay kinh nghiệm để “Quẳng gánh lo đi và vui sống” vì đã  biết dễ dàng “đánh hơi” những “bùm” nào an toàn với giấy phép đàng hoàng nên sau đó cũng bớt đi cảnh “vào tù ra khám”.

 

 

Thanh niên, nghệ sĩ Việt Nam thời đó với quần ống loe

 

Kích động nhạc – tức nhạc trẻ sau này – còn bị coi là loại nhạc ngoại lai vì những người trình bày toàn hát những nhạc phẩm lời ngoại quốc. Thêm vào đó, những phương tiện truyền thông như các chương trình phát thanh đã không dành cho loại nhạc này một chỗ đứng để các bạn nhạc có thể thi thố tài năng của mình, ngoài những chương trình phát thanh những đĩa nhạc ngoại quốc hàng tuần. Đi sâu hơn sẽ dễ dàng nhận thấy nhạc trẻ Việt Nam khác biệt hoàn toàn với nhạc trẻ của các quốc gia Âu Mỹ, ngoài một sự giống nhau về mặt hình thức. Trong những năm đầu tiên, không một ban nhạc hay ca sĩ nào hoạt động với tính cách nhà nghề, mà thật sự chỉ để thỏa mãn một nhu cầu giải trí hoặc nhu cầu được nổi tiếng để “lấy le” với bạn bè hay đào địch. Chẳng hề có một ai đi theo con đường “showbusiness” như các ban nhạc ngoại quốc để tìm cho mình một ông bầu hay một “agent” chuyên lo việc “book” show hay tìm cách “lăng xê” tên tuổi. Muốn có cũng chẳng đào đâu ra người lo việc này.

 

Thật ra cũng có một vài người được gọi là “ông bầu” như ông bầu Bùi Quốc Tuấn của ban The Teddy Bears, ông bầu Nguyễn Ngọc của The Black Caps, ông bầu người Mỹ tên Bill của Les Vampires hay ông bầu Henri Thưởng của The Teen Sounds; nhưng vai trò bầu bì này không thể nào so sánh được - dù chỉ là một phần nhỏ xíu – với Brian Epstein của Beatles hay “Colonel” Parker của Elvis Presley là những người có thế lực rất mạnh, nắm trong tay cả giới truyền thông về ca nhạc tại Anh và Mỹ. Gọi ông bầu chỉ để là cho vui, cho ra vẻ hợp thời, không hơn không kém. Từ khi số lượng quân nhân Mỹ gia tăng tại Việt Nam, do sự đòi hỏi của các “club Mỹ” thì vai trò các ông bầu rõ nét hơn chút xíu trong việc chạy show cho các ban nhạc của mình.

 

 

Người mẫu với quần ống loe

 

Và nếu như vậy vai trò này chỉ có thể được gọi là các người thầu ban nhạc để đưa đi trình diễn để kiếm lợi nhuận. Nhưng dù sao thì vai trò của các người được gọi là bầu này cũng rất quan trọng khi các bạn nhạc trẻ Việt Nam bước vào giai đoạn “bán nhà nghề”. Một điểm khác biệt nữa là không có một hãng đĩa nào thu thanh những nhạc phẩm ngoại quốc do các ban nhạc Việt Nam trình bày để tung ra thị trường, cũng chẳng hề có một cơ quan nào có khả năng và thẩm quyền xếp hạng cao thấp về tài nghệ của những ban nhạc hay ca sĩ nhạc trẻ nên không và chẳng bao giờ có được những bảng sắp hạng “Top 10” hay “Top 20” hoặc “Hit Parade” như Anh, Mỹ, mặc dù chỉ là một sự xếp hạng những nhạc phẩm ngoại quốc được những ca nhạc sĩ Việt Nam trình bày lại!

 

Trở lại với những rắc rối của nhạc trẻ Việt Nam khi không có được cùng “tầng số” như nền nhạc trẻ Âu Mỹ, nhiều vấn đề đã được đặt ra, gây nhiều bàn cãi – ủng hộ cũng như chống đối - trong thời kỳ đầu tiên trước khi được công nhận như một phong trào mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng rất lớn về mặt văn hóa nơi thế hệ trẻ của thập niên 60.

(còn tiếp)