Kết nối bạn đọc

Kỳ 23: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 08-03-2019 • Lượt xem: 13186
Kỳ 23: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cũng kể từ năm 65, một số ban nhạc trẻ Việt Nam bắt đầu chuyển qua giai đoạn bán nhà nghề song song với sự có mặt của các clubs Mỹ tại các thành phố lớn. Những người đứng ra thầu ban nhạc để cung cấp cho các nơi này được gọi là bầu show. Nhiều ca nhạc sĩ được coi là lớn tuổi, nổi tiếng vào thời đó cũng đã cùng với những ca nhạc sĩ trẻ nhẩy vào chơi trong các Clubs thuộc các cơ quan của Hoa Kỳ như USOM, USAID, USO...

Trong số này phải kể đến Huỳnh Anh, Huỳnh Hiếu, Lê Văn Thiện... trong số nhiều nhạc sĩ quen biết tại các vũ trường cùng các ca sĩ như Ngọc Mỹ và Pat Lâm (thường được phát âm là Pạt Lâm theo tiếng Trung Hoa) là hai ca sĩ được coi là trình bày xuất sắc những nhạc phẩm Mỹ thuộc loại “easy listening” như The Shadows Of Your Smine, A Certain Smile, Where The Boys Are... Về phía trẻ, ngoài những người trong các ban nhạc đã xuất hiện trước đó, còn có thêm nhiều khuôn mặt mới, biết ca hát chút đỉnh, võ vẽ một tí tiếng Mỹ cũng nhẩy ra đi hát do sự đòi hỏi của nhu cầu. Mỗi ông bầu thành lập một vài ban nhạc cấp thời để đáp ứng ngay phương tiện giải trí cho các đấng “bàn tay lông lá” đến từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Các ban nhạc thay phiên nhau trình diễn tại nhiều Clubs để chương trình được luôn luôn thay đổi. Do đó trong một tuần, một ban nhạc có khi trình diễn tại nhiều địa điểm khác nhau.

 

 

Ban nhạc Đại Nam – từ trái: Lê văn Thiện (Piano), Đan Thọ (Saxo Tenor & Violon), Nguyễn văn Hạnh (Bass), Văn Ba (Trumpet), Huỳnh Anh (Trống)

 

 

Vào những năm kế tiếp, có những ban nhạc đã ký giao kèo trình diễn tại các căn cứ quân sự Hoa Kỳ ngoài Sài Gòn như Long Bình, Biên Hòa, Lai Khê; có khi còn ra tận Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh và nhiều nơi hẻo lánh khác cùng với sự trăm hoa đua nở của các Snack Bar (văn chương phóng sự phiên âm là “Sờ Nách Ba”) nhan nhản khắp nơi. Thêm vào đó, ngành thoát y vũ cũng trở nên phát triển mạnh. Trong một chương trình nhạc như vậy, thành phần ban nhạc còn được tăng cường thêm những nữ vũ công được gọi là “go go girls”, thỉnh thoảng ra nhẩy “à go go” theo điệu nhạc giựt gân, quay cuồng loạn xạ rất vui mắt. Một show căn bản lúc đó cần phải có màn một chị uốn éo, cởi bỏ xiêm y từ từ trong tiếng nhạc đệm lả lơi, khiêu gợi (thường dùng bài “Tabou”) trước những tiếng vỗ tay, la hét khoái chí của những anh chàng GI xa nhà, nhớ vợ hoặc người yêu và thèm cái sự đời muốn chết.

 

Màn uốn éo kéo dài được vài phút là đến lúc thiên hạ nín thở, hồi hộp chờ đợi mảnh vải cuối cùng trên người nàng được tung hê ra trong tiếng nhạc dồn dập và kết thúc bằng những tiếng “cymbales” khua lên inh ỏi và tiếng trống phách dồn dập. Chưa kịp thấy cái sự đời hình thù ra sao thì nàng đã chạy tót vào trong hậu trường khiến thiên hạ ngẩn, cả đám, chặc lưỡi tiếc rẻ vì đã không được nhanh mắt. Với thời gian, dần dần màn phô trương cái sự đời được kéo dài thêm một đỉnh với những tiếng huýt sáo và cười hô hố phụ họa của những chàng GI nốc bia, whisky ừng ực và hút thuốc lá như máy. Ngành nhẩy “Go Go” cũng trở nên phát triển nhanh chóng. Chẳng cần biết căn bản nhạc nhõng là gì, cứ uốn éo nhún nhảy theo điệu nhac, mặc xiêm y cho hấp dẫn là có thể đi hành nghề “tút suýt” kiếm chút cháo ngon ơ. Mỗi show của một ban nhạc, ngoài phần trình diễn, cần phải có thêm màn thoát y và màn phụ họa của vài “go go girls” mới được gọi là đủ bộ. Do đó các ông bầu ráo riết tuyển mộ những mầm non thoát y và “go go girls” để cạnh tranh với những ông bầu khác, có dưới trướng một bầy người đẹp phây phây và rất nẩy nở rưng rưng!

 

 

Lê Văn Thiện và các nghệ sĩ

 

Ngay đến cả ban nhạc, có những nhạc sĩ mới chỉ biết đàn địch tí ti cũng được chiêu mộ đi làm tại các clubs Mỹ. Sau này với sự xâm nhập của rất nhiều ban nhạc ngoại quốc, nhất là Phi Luật Tân thì muốn được chơi trong các clubs Mỹ, cần phải qua một màn được gọi là “audition” mới được thu nhận. Phải nhìn nhận ngoài một số rất ít ban nhạc trẻ Việt Nam có thể đương đầu nổi với những ban nhạc ngoại quốc này, các bạn nhạc phe ta khác khó lòng địch nổi những tay đàn, giọng hát của Phi là những người mà âm nhạc đã thấm vào trong máu, hơn nữa đã từng hành nghề trước đó nhiều năm với kinh nghiệm đầy mình. Qua những “floor shows”, họ đã làm lác mắt những tay đàn, trống của các ban nhạc trẻ Việt Nam chưa từng xông pha nhiều nơi trận địa. Có những bạn nhái giọng hát của các danh ca như đúc. Muốn nghe bài “Jailhouse Rock” chăng, cứ nhắm mắt lại sẽ tưởng như Elvis đang ca trước mặt. Cứ việc yêu cầu “Where The Boys Are”, sẽ có một giọng hát nữ y khuôn Connie Francis ra sân khấu trình bầy. Khoái nhạc phẩm “Big Girl Don't Cry” thì cả ban nhạc sẽ tụm lại hòa ca y hệt The Four Seasons chính hiệu.

 

Chưa kể đến những màn biểu diễn như tung dùi trống vòng vòng, liệng micro qua lại cùng những điệu bộ nhún nhẩy nhịp nhàng của toàn ban nhạc đã khiến một số ban nhạc Việt Nam tập tễnh vào club Mỹ phát rét. Một vài nhạc sĩ đã tâm sự là muốn dẹp quách cái nghề đờn địch của mình đi cho xong chuyện vì cho rằng không sao địch nổi những ban nhạc Phi hay Hồng Kông, Singapore thay nhau làm mưa làm gió. Dĩ nhiên, không phải tất cả những ban nhạc đến từ nước ngoài đều chơi hay, chơi trội thường được ưu tiên trình diễn tại các clubs sĩ quan mà cũng có nhiều ban nhạc xập xệ được gửi đến giúp vui cho những anh binh nhì hoặc cấp hạ sĩ quan. Những năm sau đó, nhờ sự chuyên cần luyện tập và nhất là do lòng “tự ái dân tộc” bốc lên vùn vụt, đã có những ban nhạc Việt Nam khiến cho nhiều ban nhạc ngoại quốc phải nể mặt.

(còn tiếp)

 

 

Nhạc sư Lê Văn Thiện: Ông được sinh ra trong một gia đình yêu thích âm nhạc và thể thao. Ông cụ thân sinh chơi đàn accordeon và flute, thường tổ chức hòa nhạc tại gia cùng với những người bạn như cụ Hai Chương (violon), cụ Nhi (banjo). Trong môi trường thuận lợi đó cộng với năng khiếu và niềm đam mê riêng của mình, ông nhanh chóng nắm bắt những kiến thức sử dụng các nhạc cụ khác từ các bậc tiền bối, như violon từ cụ Hai Chương và banjo từ cụ Nhi. Sau một thời gian, ông nhận thức được rằng piano hợp với sở thích của ông hơn.

Vào năm 1942, khi có dịp gặp gỡ ông Võ Đức Tuyết, một dương cầm thủ nổi tiếng thời đó, ông liền xin theo học. Trình độ ngày một phát triển, ông đàn piano trong những buổi hòa nhạc thường xuyên của gia đình.

Đến năm 1948, khi gặp gỡ ông Trần Văn Lý, ông học thêm về contre bass, đồng thời, dưới sự hướng dẫn của ông Lý, ngón đàn piano của ông ngày càng thêm điêu luyện.

Cùng với ông Lý đàn piano và ông đàn contre bass, hai ông đã đi biểu diễn các phòng trà thời bấy giờ. Cũng trong thời gian này, ông tìm hiểu và học cách thức hòa âm. Với sự am hiểu nhiều loại nhạc cụ khác nhau, khả năng hòa âm của ông phát triển thật nhanh chóng. Điều đó khiến những buổi hòa nhạc của ông trở nên linh động, hấp dẫn và cuốn hút. Vào năm 1950, ông đã được mời trình diễn tại hầu hết các phòng trà ca nhạc, vũ trường lớn như Grand Monde, Arc en Ciel, Văn Cảnh, Olympia, Tour d’Ivoire, Croix du Sud… Tên tuổi ông được gắn liền với những ngôi sao ca nhạc như nam ca sĩ Mạnh Phát, nữ ca sĩ Minh Diệu, Minh Trang. Ông cũng đã từng cộng tác với ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc.

Đến đầu thập niên 60, ông cộng tác với vũ trường Đại Nam. Tiếng đệm đàn của ông cho các ca sĩ như Bích Chiêu, Yến Hương, Jo Marcel… đã làm say mê ngây ngất giới yêu nhạc Saigon. Thời gian này, thành phần ban nhạc đã phát triễn phong phú hơn, với Đan Thọ (saxophone), Văn Ba (trompette), Huỳnh Anh (trống), Văn Hạnh (guitar)…

Không những tham gia biểu diễn tại các phòng trà, vũ trường và các chương trình đại nhạc hội, ông còn được mời hòa âm cho các hảng dĩa Asia, Việt Nam, Continental… Mặt khác, ông cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Quí Lãm, Nguyễn Hiền và một số nhạc sĩ khác biểu diễn trong chương trình “Tiếng Tơ Đồng” của nhạc sĩ Hoàng Trọng trên đài truyền hình.

Sau này, hoạt động của ông còn lan rộng ra trên lãnh vực thu âm. Ông đã soạn hòa âm cho các băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh (trung tâm Shotguns, Nhạc Trẻ và vài nhản hiệu khác), của Thanh Thúy (trung tâm Thanh Thúy), và sau này là các trung tâm Trường Sơn, Diễm Ca, Nhã Ca…

Đến năm 1971, khi nhạc sĩ Ngọc Chánh cùng ban nhạc Shotguns hợp tác với Thanh Thúy khai thác phòng trà Queen Bee, và Quốc Tế, ông đã được mời làm trưởng ban nhạc, hoà âm và đàn piano biểu diễn hàng đêm…

Như nhà thơ Nguyên Sa từng viết về ông: “Băng nhạc nào muốn bán chạy, phải có ba chữ hòa âm Lê Văn Thiện”.