Kết nối bạn đọc

Kỳ 41: Một thời nhạc trẻ

DDVN • 26-03-2019 • Lượt xem: 10530
Kỳ 41: Một thời nhạc trẻ

Nói về chuyện sex trong đám choai choai, không thể không nhắc tới phong trào được gọi là “Bề Hội Đồng” xẩy ra từ những năm giữa thập niên 60. Không ngày nào mà báo chí trong mục “Xe Cán Chó” không đăng tải những vụ “bề hội đồng”, nói trắng ra là hiếp dâm tập thể. “Sau khi thỏa mãn thú tính, đồng bọn đã nhanh chân tẩu thoát. Nhà chức trách đang tiến hành cuộc điều tra”, đó là câu viết thường thấy của báo chí Sài Gòn thời đó để kết luận về những tin liên quan đến hành động đáng lên án này. Từ những vụ “bắt bò lạc”, “bắt ghế tơ” đã khiến nhiều cô gái nhẹ dạ, nghe theo lời đường mật của những tên ma đầu, dụ dỗ đưa về tổ quỉ để dở trò dâm ô.

Tuy nhiên không phải vậy mà không có những màn “bế hội đông” có sự thỏa thuận và đồng tình giữa đôi bên. Sự kiện này đến từ chủ trương “yêu cuồng sống vội” nơi một số thanh niên nam nữ phần đông thuộc gia đình khá giả, thuộc thành phần con ông cháu cha hồi đó. Cả bọn rủ nhau đến một địa điểm, tụ họp rượu chè, hút sách và sau đó cùng nhau hưởng lạc một cách điên cuồng. Nạn “bề hội đồng” một thời gian dài được coi như một tệ nạn của xã hội. Không những chỉ ở Sài Gòn mà còn tràn lan đến khắp mọi nơi khác, trở thành một sự đua đòi xấu xa.

 

 

Bán báo lề đường xưa

 

Nhóm từ “bề hội đồng” ra đời cùng một lúc với rất nhiều tiếng lóng khác, được sử dụng một cách rộng rãi trong giới trẻ, thường bắt nguồn từ Sài Gòn trước khi phổ biến ở những nơi khác. Tôi chẳng hiểu nguồn gốc của chữ “bề” ở đâu ra, để chỉ cái hành động giao lưu mật thiết giữa nam nữ, mà trước đó theo tiếng lóng của những đàn anh còn được gọi là “dế”, “phán”, “cưa”, “nhập”, “ẩn”, “dích”... ngoài những chữ thông thường khác. Chữ nghĩa của dân Mít ta thật là phong phú vô cùng. Chẳng thế mà từ những năm 65, 66 trở đi đã nẩy sinh ra rất nhiều tiếng lóng, phát xuất từ giới giang hồ, tay chơi tứ chiếng, đã mau chóng trở thành thông dụng trong giới choai choai. Thời đó, ai không biết sử dụng những tiếng lóng này sẽ bị coi là... chậm tiến! Để thay thế cho “ông bố”, “bà via” để gọi hai đấng phụ mẫu của ta như các đàn anh trước đó thường dùng thì ta dùng “khứa lão” và “ghế mẫu”. “Khứa” dùng để chỉ những nhân vật giống đực, thí dụ: “cái mặt thằng khứa đó trông thấy ghét!” hoặc “khứa này mập địa lắm!” chẳng hạn. Khi ghép với chữ “nhí” sẽ trở thành “khứa nhí” để chỉ một anh oắt con (“Thằng chứa nhí đó mà lớ vớ, tao sẽ định cho một trận!”).

 

Cột mục tờ báo xưa

 

Trong khi đó thì “ghế” (nhiều khi được đọc trại đi thành “ghệ” (“con ghệ này chỉ khoái khứa nào cố tại”) dùng chỉ phái nữ để trở thành những “ghế nhí”, “ghế lủng”, “ghế mục”, vv... từ năm 68, 69 trở đi còn có thể ghép thêm chữ “khứa” hay “ghế” trước những “hippy choai choai”( hoặc “choi choi”), “hippy yaourt”, vv... khi phong trào hippy xuất hiện. “Bà chòi” cũng là một tiếng lóng rất phổ biến để chỉ sự lẳng lơ của một “ghệ”: “con ghệ đó bà chòi thấy mẹ! Bị bề hội đồng cũng đáng đời!”. Những bộ phận hấp dẫn của “ghế” cũng được dùng tiếng lóng để gọi, như “xôi” (bộ ngực) và “chảo” (cái chỗ để ngồi) rất là tượng hình! Để chỉ sự đồ sộ, cốt-si-nái của những bộ phận đó, ta cứ việc thêm trước đó một chữ “cổ” là xong: “Hôm qua đi “bùm”, tao gặp một con ghệ bà chòi, cổ xôi và cổ chảo không chịu được!”. Anh nào nhiều tiền, nhiều của được gọi là một “cổ tại” hay là “mập địa” thường là nạn nhân của những tay chuyên “bắt địa”, “phi đổng” (giật đồng hồ) hoặc “quái xế” (ăn cắp xe). Còn muốn nói về những hành động mùi mẫn của “khứa” đối với “ghế” thì có những chữ “xào khô” hay “xào ướt”. Quí vị độc giả thân mến có tài nào tưởng tượng ra được không? Riêng tác giả không dám đi xa thêm, sợ bị cho là tả chân, tả cẳng quá sức! Còn nhiều tiếng lóng khác như “bo”, “đinh” (đánh đấm), “đa” (đi hoặc chạy ra khỏi hoặc có ý đuổi đi chỗ khác chơi “Không có địa thì đa di khứa!”).

 

Ki ốt bán báo

 

Tác giả không có khả năng của một nhà ngôn ngữ học, nhưng cũng cố gắng ghi lại những gì còn nhớ được nơi ngôn từ hàng ngày của lớp trẻ trong một giai đoạn có nhiều đổi thay về mặt xã hội và văn hóa trong những thập niên 60, 70 mà cho đến nay vẫn còn tồn tại. Để giúp những “khứa lão” của những thế hệ trước cũng như những “ghế” và “khứa nhí” sau này cần tìm hiểu về nền văn hóa... tiếng lóng, tác giả mạn phép sáng tác một đoạn văn tả cảnh tựu trường, pha trộn giữa những tiếng lóng và văn chương phóng sự của báo chí thời đó thường dùng. Sự pha trộn hỗn hợp văn chương đó,  ít ra cũng nói lên được tính cách đặc thù và phong phú cũng như khôi hài trên một khía cạnh nào đó của nền văn hóa Việt Nam.

 

Quầy bán báo

 

Và sau đây là một đoạn văn ngắn, diễn tả buổi tựu trường của một “khứa” học sinh trung học chịu chơi tại một trường tư thục qui tụ nhiều tay chơi nam nữ ăn diện - trong số có không ít những học sinh bị “phế thải” từ những trường Tây lớn như J.J.Rousseau, Taberd, Marie Curie... vào khoảng giữa thập niên 60 – được viết theo lối văn chương... tiếng lóng để diễn giải cho những danh từ rất được phổ biến vào thời đó, đã được nêu trên. Thêm vào đó là những chữ thường thấy trong loại văn chương phóng sự được xử dụng trên báo chí cùng trong thời kỳ này.

 

“Mùa hè qua nhanh như điên, nhanh thấy bà. Chưa có “đã”, lại phải xách “xế”, “da” đến trường trở lại. “Khứa lão” và “ghế mẫu” tôi định sai anh Năm tài xế chở tôi đến trường bằng “xế hộp”, nhưng tôi nhất định không chịu. Tôi khoái lái “xế”Honda mới “cáo cạnh” của tội hơn, để cho mấy con “ghệ” lé mắt chơi. Đến ngày tựu trường, mấy thằng “khứa” và mấy con “ghệ” bạn tôi chắc cũng rầu ra rít vì không còn được vui chơi thỏa thích như những ngày trước đó. Tối hôm trước, tôi đã chọn một cái “y” và một cái “quẩn" đẹp nhất cùng đôi “hia” láng coóng, rất “xì tin” để “giựt le” với lũ bạn vào ngày mai cho đúng điệu “dân chơi”. Đối với tôi, “khứa” nào chỉ có “nhất y, nhất quẩn”, chỉ có đáng là “dân chơi cầu ba cẳng”.

 

 

Đến cổng trường đã thấy mấy thằng “khứa”, mấy nhỏ “ghế quen đang tụm năm, tụm ba tán dóc, khoe khoang về những thành tích đi “bùm”, đi “nhót” trong lịp hè. Kìa là nhỏ Dung “Ngựa”. nổ tiếng “cổ xôi” và rất “chì”, đang ghếch chân lên chiếc Cady, cạnh xe bò bía”. Kìa là nhỏ Cathy, lừng danh “cố chảo”, “xếp xong” một nhóm nữ quái, phá phách và nghịch ngợm không ai bằng, đang ngồi nghênh ngang trên chiếc PC 50, đấu hót vung vít với đám “nữ quái” vây quanh. Đó là “khứa” “Long Mụn”, rất “cổ tại” vì “khứa lão” của hắn có một cơ sở làm ăn to lớn, nổi tiếng là chuyên viên “chi địa” cho các đào “nhí”. Có vài “ghệ” hú hồn kể lại chuyện thoát được cảnh “bề hội đồng” khi từ một party ra về vào lúc đêm hôm khuya khoắt. Lại cũng có mấy thằng khứa mắc dịch, khoe khoang thành tích “bắt bò lạc” của mình với đủ trò “xào khô”, “xào ướt” và cười lên hăng hắc ra chiều khoái chí. Có khứa bầy đặt “kên sì tin”, mắt lim dim “cảo dược” có vẻ rất “phê”.

 

Trình bày của một tờ báo

 

Trong số đó, tôi biết có mấy mạng chuyên “phi sì ke”, “chôm chĩa” tiền ở nhà để mua cần sa loại “Bù Đà” hít lén trong cầu tiêu nhà trường. Lảng vảng gần cổng trường còn có những tên “cô hồn các đảng” không biết từ đầu đến rình rập để giở trò “quái xế” hay “phi đổng” cho nên ai nấy đều phải đề phòng. Với đám này, tên nào bầy đặt “nghinh”, chắc chắn sẽ bị “bo”, bị “đinh” một trận nên thân, nếu không cũng bị “hỏi giấy” hay “bắt địa” tới số. Quang cảnh tựu trường nhộn nhịp lạ thường với đủ mọi kiểu quần áo và màu sắc lòe loẹt như ngày hội. Chợt chuông reo lên inh ỏi báo hiệu giờ nhập học, khiến những tiếng ồn ào lắng hẳn xuống cùng một lúc với sự chen lấn tùm lum bước vào trường lớp. Trước mắt tôi là cả một năm học dài thoòng loòng, chán thấy mồ. Tôi bồi hồi và xao xuyến nhớ lại những ngày hè vui đã qua mà tiếc quá sức. Nhưng cũng an ủi là thế nào chả có những màn “cúp cua” cùng với mấy “khứa” bạn thân để đi vòng vòng đây đó...”.

 

Đọc đoạn văn tả cảnh tựu trường tân thời ở trên, chắc chắn ông Thanh Tịnh của An Nam ta hay ông Anatole France của Tây cũng sẽ phải thốt lên hai tiếng “than ôi” bi đát, não nề.

(còn tiếp)