Kết nối bạn đọc

Kỳ 43: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 28-03-2019 • Lượt xem: 14610
Kỳ 43: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Ngoài những mối tình nhất thời giữa lính Mỹ và chị em bán bar, cũng đã có những mối tình Việt-Mỹ rất đẹp xẩy ra. Những John, Jim, Bill hay Peter... đã tỏ ra mê mệt trước cách chiều chuộng của chị em. Ngược lại tình cảm cũng có chiều nở rộ nơi những Phấn, những Đào, Gấm, Lụa... với những chàng GI hiền lành, chất phác đến từ các miền hẻo lánh như Montana, Wyoming, Kentucky... bên Mẽo. Kết quả của những mối tình Việt-Mỹ là những đứa con lai bắt đầu xuất hiện từ Cam Ranh đến Đà Nẵng, Chu Lai, Nha Trang, vào đến Biên Hòa, Lai Khê, xuống đến tận miền Tây và bất cứ nơi nào có mặt đông đảo quân nhân Mẽo.

Dĩ nhiên có những anh “quất ngựa truy phong”, nhưng cũng không có thiếu gì anh đã cố gắng tìm kiếm tông tích của con mình sau một thời gian được trả về nguyên quán, hoặc sẵn sàng bảo lãnh đứa con mang hai giòng máu của mình. Cứ nhìn danh sách những đứa trẻ lại trong viện mồ côi hoặc được bảo lãnh sang Mỹ theo diện con lai sau này thì đủ biết số lượng đông đảo ra sao. Thời đó, phụ nữ đi ngoài đường với một anh Mẽo – dù là một anh Mẽo có chức vị có vai có vế - cũng không được thiên hạ nhìn bằng con mắt thiện cảm, mà đều bị loại vào thành phần “gái bán bar” hay “me Mỹ”.

 

Thành kiến đó đã tạo nên một sự mặc cảm nặng nề nơi chị em do hoàn cảnh xã hội tạo nên, vì sinh kế đã phải lao đầu vào nghề này kiếm sống. Đi sâu vào thế giới đó mới biết được có những tâm hồn chị em rất giầu tình cảm, có nghĩa khí giang hồ, còn hơn chán vạn những thành phần được gọi là “nhà lành”. Ngược lại, cũng có một số những thiếu nữ con nhà gia giáo được những người bạn Huê Kỳ xin cưới hỏi làm vợ một cách đàng hoàng, nhưng có đến trên 90 phần trăm bị ông bố, bà via từ chối một cách thẳng thừng và quyết liệt vì không muốn con gái mình mang tiếng là “gái bán bar” là một thành phần thấp kém trong xã hội, theo như thành kiến. Léng phéng bị bắt gặp đi ngoài đường với Mỹ sẽ không tránh khỏi những trận đòn nhừ tử, nếu không cũng là những lời mạt sát thậm tệ.

 

Riêng đối với nhạc trẻ, phải thành thật nhìn nhận là sự phát triển của nó đã nhờ một phần lớn ở sự có mặt của quân đội Mỹ và đồng minh tại Việt Nam. Từ nhu cầu giải trí cho thành phần này, đến năm 66 đã có rất nhiều ban nhạc Việt Nam được thành lập để cung ứng cho các clubs, các bar, mặc dù đã có rất nhiều phái đoàn nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng vẫn bay đến Việt Nam giúp vui binh sĩ. Nổi bật nhất là phái đoàn của Bob Hope, thường đến Việt Nam trong dịp Giáng Sinh, chưa kể đến những James Brown, Chuck Berry, The Surfaris... cũng đã được gửi đến đây trình diễn tại các căn cứ quân sự. Cũng do sự đòi hỏi này mà một số ban nhạc trẻ đã bước vào lãnh vực nhà nghề, không kể những tay đàn, tay trống nhà nghề đã chơi trong những vũ trường trước đó đã có một chỗ đứng tại những Club dành cho sĩ quan. Kể từ giai đoạn này, nhạc trẻ Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh.

 

Năm 1966 là năm học cuối cùng của tôi ở Taberd và cũng là năm “căng” nhất về việc học hành để mong qua được cửa ải Bacc 2. Trong 3 ban ở lớp “Terminales” (tương đương với Đệ Nhất) là Sciences Ex, Math Elem, và Philo, dĩ nhiên tôi chọn ban sau cùng vì không cách chi theo nổi 2 ban đầu. Nhưng phải thú thật là môn Philo cũng không phải dễ nuốt với những tư tưởng cao siêu và vĩ đại của những ngài triết gia khắp mọi thời đại. Một phần, đầu óc thỉnh thoảng cũng lãng đãng với những câu hỏi thuộc về triết lý... vụn có thể nói là trong lứa tuổi thanh niên ai cũng đã từng thắc mắc, như về Thượng Đế (“Thượng Đế là ai, ở đâu mà có”) về con người (“Người ta sinh ra đời làm chi vậy, rồi cũng lại khoác Sơ-mi gỗ đi tầu suốt, chẳng ra cái thống chế gì”), về Lành Dữ (“Tại sao có những tên độc ác, gian xảo lại được ưu đãi, giầu sang phú quí trong khi những anh hiền lành lại nghèo rớt mồng tơi, bệnh tật triền miên, bị đì tới số”).

 

Bìa một tập thơ của Nguyên Sa

 

Nhiều khi nhìn lên bầu trời vào ban đêm thăm thẳm và suy nghĩ về sự bao la vô cùng tận của vũ trụ mà thấy con người chẳng có nghĩa lý gì hết ráo. Bon chen, giành dựt với nhau làm gì cho mệt xác, cuối cùng rồi cũng... Amen tắt đèn đi ngủ. Đủ muôn vạn thứ lỉnh kỉnh lúc nào cũng lởn vởn trong đầu óc. Từ đó, đôi khi tôi đã tự coi mình như một... triết gia nên chọn ban Philo cho thích hợp, trong khi trước đó cũng đã bày đặt đọc những Sartre, Sagan, Beauvoir mà thú thật chỉ hiểu tơ lơ mơ, càng cố tình nghiền ngẫm bao nhiêu để “nổ” với bạn bè thì lại càng lờ tờ mờ bấy nhiêu. Cũng bởi vậy tôi cảm tưởng theo học môn này một thời gian sẽ dễ dàng trở nên... “mát giây” nếu không cũng trở thành lẩm cà, lẩm cẩm. Nhưng chẳng thà lẩm cẩm còn hơn va chạm với những con số và những công thức rườm rà, chằng chịt không... văn nghệ tí nào.

 

Nhà thơ Nguyên Sa

 

Có chút văn chương, thi phú thú vị hơn nhiều. Tôi chẳng cần suy nghĩ lôi thôi để thông báo cho bố tôi biết là cương quyết trở thành một... triết gia. Nhưng triết gia mà không nắm được cái Bacc 2 trong năm đó thì cũng sẽ rất dễ dàng bước vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung như chơi. Cái viễn ảnh cầm súng “ắc ê” hoặc “em ơi chiều nay một trăm phần trăm” không hấp dẫn tí nào. Đó là một sự thật đối với hầu hết những học sinh, sinh viên thời đó. Tuy nhiên không phải vậy mà không có những thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội qua những chiến dịch vận động của chính phủ rất mạnh mẽ. Chẳng may hụt cẳng một năm thì đường vào quân trường mở rộng thênh thang.

 

Vì lo lắng cho cậu quý tử, bố tôi đã “xúi” tôi ghi tên theo học lớp luyện thi Tú Tài ban C ở trường Văn Học của giáo sư Trần Bích Lan, là chỗ quen biết thân tình. Như vậy cho chắc ăn. Lạng quạng không lấy được cái Bacc 2 thì sẽ có một “cứu cánh” là Tú Tài 2 ban C chương trình Việt hỗ trợ. Nhiều bạn bè tôi thấy có lý cũng đua nhau ghi tên theo học luyện thi ở Văn Học như điên. Cầm mảnh giấy giới thiệu của bố tôi trao cho chị Nga, vợ giáo sư Trần Bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa ở văn phòng là tôi được nhận vào học “chùa” ở Văn Học trong suốt một mùa luyện thi. Sở dĩ được ưu ái như vậy vì thân mẫu của nhà thơ Nguyên Sa, tôi thường gọi là bác Chi - là bạn thân của bố tôi, thường hội họp ở nhà bác Đỗ Mạnh Quát vào mỗi ngày chủ nhật để đánh chắn. Những danh từ “cửu sừng”, “bát vạn”, “ông cụ”, “chi chi”, “thang thang”... đã trở thành quen thuộc với tôi qua những lần theo chân bố đi chầu rìa hay để chia bài kiếm chút cháo tại ngôi nhà số 23 Trần Quý Khoách rất quen thuộc này. Khuôn mặt những người bạn thân của bố tôi và bác Quát cho đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một vì thường “lì xì” cho tôi rất hậu hĩnh như bác Lý Trung Dung, bác Trần Kim Tuyến... cũng đã qua đời, kẻ trước người sau bố tôi một thời gian.

 

Hình ảnh lè phè của nhà thơ Nguyên Sa trong những giờ Triết với chiếc áo sơ-mi trắng bỏ ngoài quần, phủ kín cái bụng bự và đôi dép lép xẹp nơi lớp luyện thi Văn Học cũng đã là một hình ảnh khó quên nơi tôi. Chỉ tiếc một điều tôi đã không được thăm ông trong những ngày cuối cùng ở nam California, mặc dù ông đã nhận lời tiếp tuy đang ở trong tình trạng sa sút về sức khỏe. Từ nơi ở của nhà thơ Du Tử Lê, trong khi tôi đang thực hiện buổi phỏng vấn nhà thơ này, tôi gọi điện thoại để xác nhận giờ sẽ đến thăm ông. Nhưng chị Nga ở đầu giây bên kia cho biết là rất tiếc vào giờ chót vì quá suy yếu nên nhà thơ đã không thể tiếp tôi như đã hứa, mặc dù chị đã soạn sẵn cho tôi những hình ảnh, những tập thơ và những CD do ông thực hiện. Tất cả những tài liệu này, sau khi nhà thơ Nguyên Sa qua đời chỉ khoảng hơn một tuần sau đó, đã được chị Nga gửi cho tôi. Tôi coi đó là những tài liệu rất trân quí.

 

 

Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1/3/1932 tại Hà Nội, mất ngày 18/4/1998. Theo gia phả thì tổ tiên của nhà thơ người có gốc Thuận Hóa (Huế), ông cố là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời vua Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội sinh sống. Tên thật của ông là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc, thuộc trường phái thơ lãng mạn với những tác phẩm nổi danh như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi mười ba”, “Tháng Sáu trời mưa”. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Vì thế đã có nhiều bài thơ nổi tiếng của Nguyên Sa, được ông sáng tác trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, cả hai ông bà về nước, lập trường học và giảng dạy triết học.

(còn tiếp)