Kết nối bạn đọc

Kỳ 44: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 29-03-2019 • Lượt xem: 11035
Kỳ 44: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Thời gian theo học luyện thi ban C ở Văn Học cũng là thời gian phong trào nhạc trẻ lên cao. Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ muốn làm một tờ báo về Nhạc Trẻ. Ý kiến đưa ra được bạn bè hoan nghênh liền. Nói là báo cho xôm, thật sự ra chỉ được quay bằng ronéo trên khổ giấy viết thư gấp đôi. Ngoài giờ học, cả bọn kéo qua tiệm đánh máy chữ mướn ở xế trường Văn Học nhờ mấy nhân viên ở đây phụ giúp một tay trong việc viết tựa bài vở, đánh máy và trình bầy.

Viết tựa cho đẹp trên giấy ronéo không phải là chuyện dễ dàng nên được mấy tay nhà nghề ở đây cũng rất khoái nhạc trẻ ra tay giúp nên cũng rất xôm trò, ra vẻ “nhà nghề” hơn mấy tập san được quay bằng ronéo khác. Tờ báo dĩ nhiên được đặt tên là Nhạc Trẻ, ở dưới là hàng chữ “Tiếng Nói Của Giới Trẻ Yêu Nhạc”, bìa bằng giấy dầu màu vàng. Còn bìa của Nhạc Trẻ được dán hình ban nhạc The Vibrations (với Tùng Giang, Thụy Ái, Tiến Chỉnh, Mario Cruz và Billy Shane), rửa theo khổ “carte postale”. Chỉ tiền rửa 300 tấm hình này cũng đã “hao địa”, chưa nói đến tiền thuê đánh máy, tiền giấy, tiền đóng gáy... Nhưng anh em ta rất hăng hái trong việc móc hầu bao, có đồng nào bỏ ra hết để mong nhìn thấy mặt tờ báo của mình.

 

Cầm tờ Nhạc Trẻ dầy trên 100 trang khổ nhỏ trên tay sau khi lấy từ nơi đánh máy mướn chở về “trụ sở” trên đường Trương Công Định, cả bọn khoái chí lật đi lật lại, coi không biết chán. Bố khỉ! Làm báo dễ thấy bà, thế mà mấy ông bà chủ báo làm ra điều quan trọng. Điều này dám “bye bye” ông Quốc Phong của Kịch Ảnh để đứng ra làm một tờ báo riêng cho nó sướng. Tuổi trẻ nhiều khi hăng tiết vịt, háo thắng quá xá, coi trời bằng vung. Nhạc Trẻ đâu có thua gì báo nhà nghề với đủ các mục: Trả Lời Thư Tín (phịa ra để trả lời, đã làm gì có ma nào biết mà thư với từ), Tử Vi Tây Phương (dịch từ báo Pháp và vẽ hươu vẽ vượn thêm cho ra vẻ), Kết Bạn Bốn Phương (đăng tùm lum tên và địa chỉ của bạn bè quen biết để “cò mồi”!), Phóng Sự, Giới Thiệu Ca Sĩ, Ban Nhạc. Lại có cả mục Rao Vặt, đâu thua gì báo Chính Luận, thế mới hách. Tên nào có đàn cũ, trống cũ, đĩa nhạc, sách báo về nhạc cứ việc đăng miễn phí, cũng để “cò mồi” luôn! Mục theo kiểu “Gợ Rối Tơ Lòng” cũng có mặt. Lấy trường hợp của một tên bị đào đá , buồn quá “ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu” thì biết làm sao bây giờ, đế nhờ “chị Huyền Mai” trả lời một cách ngon ơ đại khái 1 “buồn làm mẹ gì, đi cua đào khác cho được việc!”.

 

Say sưa nâng niu “tác phẩm” của mình đã đời, cuối cùng có bọn mới bật ngửa ra: “Chết mẹ! Làm sao mà tiêu thụ nổi cho hết 300 tờ?. Đang mùa thi cử, giờ giấc đâu mà đi bán, đi buôn!” Quíu cả lên để rồi đè đầu, đè cổ bất cứ ai gặp để bắt mua cho bằng được. Bán “dí” theo kiểu này cũng chỉ được trên 100 tờ, cuối cùng sau khi “nhân viên tòa soạn” mỗi người lấy 5, 10 tờ cũng còn tồn kho ngổn ngang trên 100 bản để sau đó được mang đi... biếu! “Bán” thì không chạy, nhưng “biếu” thì nhanh như chớp. Tình trạng chả khác gì ở hải ngoại hiện nay. Khi được hỏi “báo anh chạy không?”, câu trả lời sẽ là: “Dạ, cám ơn, biếu chạy lắm!”

 

Tay trống - nhạc sĩ Tùng Giang

 

“Nhạc Trẻ” số 1 chẳng gây được một tiếng vang nào, ngoài nơi một số bạn bè thân thuộc. Cái hăng hái lúc đầu tiêu tán đường, mặt anh nào chị nấy ỉu xìu xìu như chiếc bánh bao chiều. Hô hào đóng tiền làm tiếp số 2, chẳng có ma nào hưởng ứng, chỉ ngoảnh mặt làm ngơ. Vận động viết bài, viết vở để “cho nội dung được phong phú và khởi sắc” cũng đếch có ma nào nhận lời. Ngay cả đến mục Rao Vặt “chùa” cũng cóc có tên nào để ý. Ông chủ nhiệm rét quá, gân đít lên viết bài hùng hục, nhưng chữ nghĩa không tài nào tuôn ra lênh láng nổi khi tưởng tượng sẽ phải gồng mình viết tới trên 100 trang, trong khi mùa thi gần kề. Thế là “Nhạc Trẻ” âm thầm “phục-mê-bu-tích”, không kèn không trống, và “tiếng nói của giới trẻ yêu nhạc” cũng tắt lịm luôn. Tờ “Thời Đại” viết bằng tay nguệch ngoạc của mấy năm trước cũng tức tưởi bị đình bản sau khi bị các sư huynh bắt gặp đang... “phổ biến văn hóa đồi trụy”. Bây giờ Nhạc Trẻ cũng chịu chung số phận.

 

Như vậy đúng là tôi không có số làm chủ báo, chỉ có số viết báo mướn hoặc viết “chùa” cho thiên hạ. Tuy vậy cái mộng làm chủ báo vẫn còn quyến rũ tôi mãnh liệt để đến năm 82 bay sang Cali rủ ông bạn Tùng Giang bỏ tiền làm báo chơi cho bõ ghét. Lần này thì thật sự là nhà nghề, với bìa in offset 4 mầu lộng lẫy. In luôn một lèo 4 bìa cho chắc ăn. " báo được đặt tên là “Chào” do họa sĩ ViVi vẽ bìa. Bài vở được sự cộng tác của nhiều tay trong làng nhạc trẻ như Đức Huy, Nam Lộc, Trung Nghĩa... và nhiều cây viết nhà nghề khác. Ông Tùng Giang bỏ ra 5 “xin” (vào năm 82, số tiền này đã là lớn lắm!) để làm tờ báo này cùng với tôi trong thời gian đang phất về nghề thu băng nhạc và cũng là thời gian bài “Tôi Với Trời Bơ Vơ” của ông ban tôi đang sáng giá. Sau khi phát hành số 1, “Chào” đã được nhiều người khoái và có chiều hướng đi lên thấy rõ. Nhưng tôi phải trở lại Montréal để tiếp tục viết bài và liên lạc xin bài của những nhà văn, nhà báo quen biết. Tùng Giang ở Cali lo phần xin quảng cáo cũng như in ấn nơi nhà in của ông Ngoạn là An Nam Printing.

 

Cũng vì vấn đề “nghìn trùng xa cách” như vậy nên đã gây ra nhiều trở ngại, nhất là Tùng Giang lại bận bịu với việc thu băng nên “Chào” số 2 cứ tà tà mãi không sao ló đầu ra chào thiên hạ nổi. Cuối cùng thì “Chào” đành phải... chào từ biệt độc giả của nó với hàng ngàn bìa của 3 số sau, không bao giờ có được nội dung. Tùng Giang chửi thề như giặc khi phải chi ra số tiền khá lớn vào thời đó, cách đây gần 20 năm.

 

Sau kinh nghiệm của “Chào”, tôi tin chắc chắn là mình không có số làm chủ báo nên yên thân với nghề viết mướn cầm hơi. Đã có khá nhiều lời đề nghị hậu thuẫn tôi trong việc làm chủ báo, nhưng tôi cương quyết chối từ. Vào đầu thập niên 70, tướng Nguyễn Cao Kỳ đã nhờ ông bạn thân khác của tôi là Jo Marcel, lúc đó trong binh chủng Không Quân đưa vào trại Phi Long để ông gặp bàn về việc ra một tờ báo nhắm vào giới trẻ, lúc đó đang say mê với phong trào nhạc trẻ. Có thể Ông Nguyễn Cao Kỳ cần có một sự hậu thuẫn nơi giới trẻ lúc đó, khi ông đang nắm giữ một vị thế cao trong chính trường nên mới nảy ra ý định như vậy. Hơn nữa ông nổi tiếng là một tướng lãnh trẻ trung và “chịu chơi” nên việc dùng giới trẻ làm hậu thuẫn là một việc làm có ý nghĩa. Buổi nói chuyện với tướng Kỳ vào buổi sáng hôm đó diễn ra trong vòng một tiếng, xoay quanh việc bàn thảo ra một tờ báo với cách tiếp khách rất cởi mở và tự nhiên của ông với đôi dép da lép xẹp và chiếc áo “sơ-mi ca-rô” cao bồi trẻ trung. Nhưng một thời gian ngắn sau, vì tình hình thời cuộc đổi thay nên tôi đã không còn được nhắc nhở về chuyện này. Mộng thành chủ báo cũng “đi điện” luôn!

(còn tiếp)