Kết nối bạn đọc

Kỳ 58: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 12-04-2019 • Lượt xem: 9652
Kỳ 58: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cũng trong năm 67, khi cuộc sống tình cảm của tôi có chiều lắng dịu thì sự đam mê đối với ca nhạc càng ngày càng cao, thêm vào đó lại còn có sở thích khoái chụp hình. Làm phóng sự phải có hình ảnh kèm theo mới gọi là sống động, cho nên tiền bạc kiếm được bằng viết báo tôi đã dành dụm mua được hai máy Nikon cũ, một FTN và một Nikkormat. Nhờ có tên bạn thân là Trần Đình Thục (thường làm design cho trung tâm Thúy Nga và nhiều trung tâm khác) nên đã được hắn huấn luyện cũng như truyền cho những “chiêu độc” nên bước đầu có vẻ tiến bộ rõ rệt.

 

Từ đó, đi đâu cũng kè kè đeo hai cái máy hình như là phóng viên chính cống. Nơi ông bầu rất chịu chơi Bùi Quốc Tuấn của The Teddy Bears ngày nào ở ngay trên lầu trường Nguyễn Huệ ở đường Công Lý được trang bị thành một studio rộng rãi với đầy đủ đồ nghề cần thiết cho một “lab” chụp hình. Ông bầu Tuấn cũng rất khoái món nhiếp ảnh nên đã trang bị đầy đủ cho anh em đến “quậy”. Trong suốt thời gian mấy năm trời, trong khi các đàn anh - trong số đó có các anh Đằng Giao, Ngô Tằng Giao, Nguyễn Đức Nhuận, “Có” Công...  xoa “mạt chược”, thì đàn em tha hồ lôi các ca sĩ và ban nhạc đến chụp hình. Khách hàng quen thuộc nhất là Ngọc Bích (tức Bích Trâm), Kim Thoa và ban nhạc The Blue Stars, Minh Lý (tài tử của “Thế Giới Nhạc Trẻ” và “Tuổi Lang Thang” vài năm sau), ban nhạc The Spotlights. Các thằng bạn ông mãnh cũng đua đòi sắm máy hình lia chia, nào Đức Huy, Tiến Chỉnh, Hải “Heo”... mỗi tên một cái máy ngon lành, vác đào địch tới làm người mẫu lia lịa khiến nhà ông bầu Tuấn đương nhiên trở nên một nơi tụ họp, chứa chấp một bầy lâu la tiểu tốt mà hai ông ăn dầm ở dề nhiều nhất là các ông nhạc sĩ Đức Huy và Tiến Chỉnh.

 

Ban The Who tại Monterey International Festival

 

Những lần lui tới ở đây, những nhạc phẩm được mở nghe nhiều nhất là Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Biển Nhớ... của Trịnh Công Sơn. Những nhạc phẩm đó đã trở thành một thứ thời trang trong giới trẻ lúc bấy giờ. Những người trẻ như chúng tôi quả thật đã thấy rất gần gũi với những bài tình ca của Trịnh Công Sơn, được dùng bằng một thứ ngôn ngữ trừu tượng mà nhiều khi có ai hỏi về ý nghĩa, quả thật cũng không biết giải nghĩa như thế nào. “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” nghĩa như thế nào, “ôi tóc em dài đến thần thoại “ hay “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” là như thế nào? Thật tình chúng tôi chẳng cần hiểu làm quái gì, chỉ biết là hay hay, là lạ do tiết điệu nhẹ nhàng và những lời ca đẹp như thơ mà thôi.

 

Poster và vé

 

Chẳng thế mà Trịnh Công Sơn được nhiều người coi như là một thi sĩ hơn là nhạc sĩ, đến từ những lời ca mượt mà bóng bẩy của anh. Trong khi đối với giới trẻ ở thành phố như chúng tôi thì phong trào nhạc trẻ đã có một ảnh hưởng lớn mạnh, trong khi chưa được phát triển mạnh mẽ lắm tại các tỉnh, mặc dù đến năm 67 đã có một số ban nhạc được thành lập tại Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ hoặc Vũng Tầu. Nhưng trong thời kỳ này nhạc Trịnh Công Sơn đã trải rộng ra khắp nơi. Không quán cà phê nào không có nhạc của họ Trịnh. Có thể nói thẳng ra là giới trẻ ở những năm cuối thập niên 60 đã lớn lên với nhạc của Trịnh Công Sơn với những bản tình ca của anh, trước khi anh chuyển qua sáng tác những nhạc phẩm được coi là “phản chiến” một thời gian sau, khi phong trào Hippy của lớp trẻ trên thế giới bành trướng lớn mạnh khắp nơi.

 

Sâu khấu Monterey International Festival

 

Thật ra phong trào Hippy đã bắt nguồn từ năm 67 mà biến cố quan trọng nhất về ca nhạc là đại hội nhạc trẻ tổ chức tại Monterey dưới tên “Monterey Pop Festival” với rất nhiều danh tài nhạc trẻ tham dự Đại hội này chính là nguồn gốc đưa đến những thay đổi lớn lao trong lãnh vực âm nhạc và xã hội. Dĩ nhiên cả luôn về mặt thời trang trong giới trẻ. Đại hội này do người điều hành hãng đĩa nhạc Dunhill Record là Lou Adler và một nhạc sĩ trong ban The Mamas & The Papas là John Phillips đứng ra thực hiện, lấy ý từ những đại hội nhạc Jazz tổ chức trước đó. Trước sự thành công của những Jazz Festival, hai nhân vật này muốn chứng tỏ sức mạnh của nền nhạc Pop (hay thường quen được gọi là nhạc trẻ tại Việt Nam vào thời kỳ này cũng thế) nên đã cùng nhau vận động để thực hiện được điều mong muốn của mình.

 

Monterey International Pop Festival được tổ chức trong 3 ngày 16, 17 và 18 tháng 6 năm 67 tại quận Monterey, miền bắc tiểu bang California, cách San Francisco không xa. Đại hội này tổ chức vào mùa hè, được gọi là “Mùa Hè Của Tình Yêu” (“Summer Of Love”). Đây là một cuộc tập họp lớn lao nhất những danh tài nhạc trẻ, đã tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào nhạc trẻ những năm kế tiếp và cũng là nguồn gốc của nền nhạc trẻ hiện nay. Đó cũng là khởi điểm của phong trào Hippy với nhạc phẩm không ai không biết tới là “San Francisco” do Scott Mac Kenzie cất tiếng hát lần đầu tiên tại đại hội này với những lời kêu gọi: “nếu bạn đến San Francisco, đừng quên cài một vài cánh hoa trên mái tóc”(“If you're going to San Francisco, be sure to wear some flowes in your hair...”). “Sức mạnh của hoa” (“Flower Power”) tượng trưng cho tuổi trẻ, cho hòa bình cũng khởi nguồn từ nhạc phẩm nằm lòng này của giới Hippy. Trước sự thành công vẻ vang của Monterey Pop Festival, lòng tự ái dân tộc và sự háo thắng của tuổi trẻ nơi tôi bùng lên dữ dội. Lại một lần nữa, câu hỏi “tại sao Tây, Mỹ nó làm được mà mình lại chịu thua sao?”.

 

Thế là bạn bè được tụ tập lại để cùng nhau bàn thảo kế hoạch. Ta cũng phải làm một đại hội nhạc trẻ ngoài trời cho ngon lành, chứ đâu chịu thua. Tôi lóc cóc cùng vài tên bạn trở lại trường Taberd gặp ban giám đốc để đề nghị tổ chức một đại hội nhạc trẻ ngay trong sân trường. Các sư huynh đã dẫy nảy và trợn tròn mắt lên khi nghe lời đề nghị mà đối với các ngài quá sức táo bạo. Cố gắng năn nỉ nhưng không thể nào lay chuyển được sự cương quyết của các ngài. Đồng ý cho phép tổ chức nhạc trẻ trong  thính đường của trường đã là một sự “bạo” quá lắm rồi, “được voi đòi tiên”, bây giờ còn đòi tổ chức ngoài trời nữa thì đúng là quá quắt. Tôi tiu nghỉu và hậm hực ra về vì “âm mưu cách mạng” không thành công khi “Flower Power” không thể địch nổi với sức mạnh của chiếc áo dòng đen. Đối với các sư huynh một buổi tụ họp thanh niên nam nữ trong sân trường – mà sức chứa có thể lên đến khoảng 5000 người, ở trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời đó thật khó lòng diễn ra và chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều nguồn dư luận chống đối. Thế là đại hội nhạc trẻ Taberd lại một lần nữa vào năm 67 được diễn ra trong tính đường của trường và đã trở thành một địa điểm gặp gỡ quen thuộc của giới trẻ từ năm 65.

 

Qua những báo chí, đĩa nhạc nhờ một vài quân nhân Mỹ mua hộ, tôi đã mê mẩn theo dõi những hình ảnh và âm thanh của Monterey Pop Festival mà không biết chán, khiến trong lòng luôn mơ ước có ngày sẽ thực hiện được một chương trình tương tự như vậy. Thời ấy, California đối với tôi còn quá xa lạ, chỉ biết đến một cách rất mơ hồ qua những tài liệu báo chí, do đó luôn có một sự “California Dreaming” (tựa đề một nhạc phẩm đặc sắc do The Mamas & Papas trình bày) trong đầu óc để mơ ước một ngày nào đó được đặt chân đến San Francisco hay Los Angeles. Nhưng niềm ước vọng của một anh sinh viên 21 tuổi vào năm 67 thật ra chỉ là một sự mơ mộng hão huyền. Thôi ta cứ đành biết những nơi đó qua sách vở, báo chí cho đỡ ghiền.

HẾT CHƯƠNG II.

(còn tiếp)