Kết nối bạn đọc

kỲ 60: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 14-04-2019 • Lượt xem: 10023
kỲ 60: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Mộng ước thực hiện những chương trình nhạc trẻ hàng tuần cho giới choai choai Sài Gòn như vậy đang được thành hình nơi tôi một cách rõ rệt. Chưa gì đã tưởng tượng ra cảnh mình đứng trên sân khấu, đèn đóm chói lòa và âm thanh tưng bừng, giới thiệu hết ban nhạc này đến ban nhạc nọ trước mặt cả trăm cô cậu nhóc tì cùng lứa tuổi. Thấy ham dễ sợ, oai hùng kể chi. Điều này tha hồ được đào địch nế phục. Có anh kép như thế là oai quá sức, hiếm có quá trời quá đất. Nghĩ như vậy lại khiến lòng háo thắng và háo danh của tuổi trẻ bùng lên ghê gớm quá sức, để miên man phóng đại tô mầu thêm vào óc tưởng tượng của mình.

 

Nghĩ đi nghĩ lại, tra cứu sách báo tùm lum để cuối cùng chọn được một cái tên đặt cho chương trình hàng tuần này là “Teen À GoGo”. Chữ “Teen” để chỉ những cô cậu choai choai từ 19 xuống đến 13 tuổi theo lối Mỹ. Còn “À GoGo” để chỉ về sự uốn éo, nhảy nhót tưng bừng hoa lá thì quá thích hợp.

 

Chương trình “Teen À GoGo” đầu tiên được tổ chức vào khoảng tháng 11 năm 67 tại Watusi Club với phần trình diễn của 2 ban nhạc như dự trù. Ban nhạc nhà dĩ nhiên là The Rising Sun, trong đó có 2 ông chủ con của Watusi là hai anh em Tuấn và Cường. Ban nhạc khách được mời trình diễn hôm đó là The Souls với 2 ca sĩ, sau đó trở thành hai vợ chồng là Robert “Tarzan” và Mỹ Hằng. Tôi không nhớ rõ tên thật của Robert là gì, chỉ thấy bạn bè gọi anh bằng một cái tên ngắn gọn là Robert. Nhưng khi vẽ “poster” cho chương trình quảng cáo dựng trước cửa, chả lẽ chỉ để một cái tên cộc lốc như vậy, coi không đặng. Hơn nữa lại gấp rút quá nên không có thì giờ để hỏi cho chắc nên tôi phang đại chữ “Tarzan” vào phía sau tên Robert. Trường hợp này cũng xẩy đến với nữ ca sĩ Cathy Huệ của ban nhạc The Hammers một thời gian sau, khi ban nhạc này được tôi mời xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình nhạc trẻ do tôi tổ chức tại vũ trường Ritz. Chỉ biết cô tên Huệ, tôi chọn đại tên Cathy ghép trước tên cô. Từ đó tên Cathy Huệ ra đời và trở thành một trong những nữ ca sĩ được mến chuộng trong những năm đầu thập niên 70 nhờ giọng hát mạnh và cao vút.

 

Cô trở thành “bà xã” của trưởng ban nhạc là Thành “Hammer”, hiện là giám đốc trung tâm Kim Lợi ở San Jose. Thành “Hammer” và Cathy Huệ rã đám vài năm sau, mỗi người mỗi ngả. Cathy Huệ sang Úc và không còn hoạt động gì về ca nhạc. Cả chục năm sau  biến cố tháng 4 năm 75, Thành “Hammer” sang San Jose, thành lập ngay ban nhạc The New Look cùng với một phòng thu thanh mang cùng tên và dần dần dựng lên trung tâm Kim Lợi, là trung tâm đầu tiên tại hải ngoại “nhập cảng” những giọng ca trong nước vào Hoa Kỳ dưới những hình thức CD và video. Sau lần xuất hiện tại Watusi Club, ông bạn ca sĩ trong ban The Souls của tôi dính luôn với cái tên Robert Tarzan. Robert mang trong người 2 dòng máu Việt và Pháp. Mặt mũi bảnh bao, trắng trẻo, lại còn thêm mái tóc dài nên trông rất đẹp trai và hợp thời trang vào lúc đó. Anh chuyên trình bày những nhạc phẩm thuộc loại “giựt gân”, ngoài những nhạc phẩm Pop thịnh hành.

 

 

Vài năm sau, Robert Tarzan từ trần, hình như do một sự xung đột có tính cách thù oán cá nhân trong lúc tên tuổi đang trên đà lên cao trong làng nhạc trẻ. Vợ anh, Mỹ Hằng, là em ruột của tay trống lừng danh Huỳnh Hiếu, “ông thầy” của rất nhiều tay trống ở Sài Gòn, được coi là một kiện tướng trong làng trống và từng ngự trị một thời gian dài tại những vũ trường từ Sài Gòn vào đến Chợ Lớn. Mỹ Hằng tuy thấp người  nhưng lại có một giọng ca rất mạnh, được giới trẻ rất mến mộ qua những nhạc phẩm “Soul” đặc biệt cần đến giọng tương tự những nữ ca sĩ da đen như Aretha Franklin hay Diana Ross. Sau năm 75, người ta không còn được nghe nhắc nhở đến tên tuổi Mỹ Hằng.

 

Mặc dù chỉ quảng cáo bằng hình thức “vô tuyên truyền tai”, nhưng dân choai choai Sài Gòn thính và nhậy không chịu được. 2 giờ mới bắt đầu, nhưng mới hơn 12 giờ trưa anh chị em đã tụ tập lao nhao trước cửa Club, với những tiếng xe gắn máy nổ rầm rầm, diện đủ mọi kiểu quần áo màu mè khiến tôi là người thực hiện chương trình hồ hởi ra mặt vì không ngờ có được sự chiếu cố tận tình đến như thế. Ngoài khách khứa, còn nhiều ban nhạc trẻ khác cũng đến tham dự vì hình thức tổ chức này khiến họ cảm thấy gần gũi nhau hơn. Nhất là lớp khán giả được dịp thấy sát mặt, sát mũi các nhạc sĩ và ca sĩ mà đối với họ thuộc về một thành phần rất ư le lói. Mở đầu chương trình, dĩ nhiên ông thực hiện chương trình cũng phải bước lên sân khấu lảm nhảm vài câu cho phải phép. Hồi hộp trước công việc “làm ăn” đầu tiên trong đời của mình, tôi lắp bắp được vài câu ngắn gọn, đại ý “Cám ơn sự hiện diện của các bạn” và “Nếu có điều chi sơ sót, xin các bạn niệm tình tha thứ” thường được nghe trong rất nhiều dịp, từ đám cưới tới đám ma, từ  tiệc tùng đến giỗ chạp.

 

 

Phiền một điều là tôi đã hàng chục lần bị mấy người nhờ bán vé vào gọi ra gặp “người quen”. Những “người quen” này nhất định không chịu chi tiền mua vé, cứ lôi tên tôi ra đòi gặp để nhờ dẫn vào... chùa. Các đấng “người quen” đực rựa đứng chờ ở bàn bán vé, vừa thấy mặt tôi đã nhao nhao: “Ê, dắt anh em vô với chứ!, quen quá mà!”. Tính vốn cả nể, nên mặc dù chỉ quen mặt sơ sơ mấy “người quen” này, cũng phải can thiệp để anh em bước vào, kéo thêm vài ba mạng lạ hoắc. Không những thế, lại có vài trường hợp, vừa ló đầu ra sau khi được thông báo có “người quen” chờ trước cửa, đã bị phang ngay: “E! Đ.M., hồng nhớ anh em sao? Quen quá mà bắt anh em mua giấy chi vậy?”. Nhìn kỹ thì chẳng thấy quen biết gì với mấy “người quen” cô hồn các đảng này. Nhưng lúc đó vì... bản năng sinh tồn, thêm cái tính vừa cả nể, vừa cả... sợ nên lại thêm một lần nữa nhận là người quen để anh em thơ thới hân hoan, hiên ngang bước vào. Ngoài ra không muốn làm người khác mất mặt khi người ta nói là quen mình mà lại “gặp nhau làm ngơ” thì không thể được.

 

Do đo lòng tự nhủ lòng, quen biết thêm càng tốt chứ sao. Không nhận là quen biết, gặp mặt ngoài đường, bị anh em hỏi “giấy” phiền lắm. Về phần “người quen” phái nữ thì chắc chắn là không cầm lòng cho nổi trước những câu ngọt sớt như: “Trời ơi! Anh Kỳ, anh hổng nhớ tụi em sao, anh hổng điệu chút nào hết, bắt tụi em mua giấy chi vậy?”. Bố khỉ! Nào có biết em nào ra em nào trong cái đám lố nhố đó. Hơn nữa còn đang cuống quít với chương trình đang diễn ra ở trong, nên một lần nữa lòng lại nhủ lòng – cùng với bản tính cả nể và nịnh đầm - nên thôi kệ nhận mấy em là người quen cũng chả thiệt hại gì, biết đâu còn được lợi lộc sau này. Bèn sửa ngay giọng “À! Em đấy hả (gọi khơi khơi như vậy, vì chả biết em tên họ là chi). Nhớ chứ sao không? Vô đi! Vô đi!”. Thế là thêm một đám ùa vào khi bên trong đã chật cứng. Sợ gặp “người quen” quá xá nên sau hai, ba lần nhận họ nhận hàng, tôi đã cương quyết cố thủ ở bên trong, không còn dám thò mặt ra ngoài nơi bán vé để tránh chạm mặt. Trong khi đó thì những tay bán vé cũng nhất định không vào trong gọi tôi ra mặc dù có lần bị một số “người quen” hăm dọa: “Đ.M. nó trốn ở trỏng, không chịu ra. Biểu nó coi chừng, gặp ngoài đường tao uýnh cho thấy mẹ”. Nghe báo cáo lại, ông thực hiện chương trình rét quá, mỗi lần tới Watusi Club thực hiện “Teen À GoGo” nhất định phải rủ vài ba tên bạn có tướng tá “cốt sì tô” và mặt mũi khá “ngầu” đi theo, chả may gặp người quen “hỏi giấy” còn dễ có đường tẩu thoát.

(còn tiếp)