Kết nối bạn đọc

Kỳ 70: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 24-04-2019 • Lượt xem: 9374
Kỳ 70: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Vào đầu năm 68, Sài Gòn bị nếm mùi pháo kích rất ác liệt trong khi chiến tranh tiếp tục leo thang. Gần như hàng đêm, sau khi chương trình ca nhạc Jo Marcel chấm dứt, Jo, Hướng và tôi thường kéo nhau ra “balcon” trên lầu 3 hoặc có khi lên tuốt sân thượng - của khách sạn Catinat để nhìn quang cảnh phố xá về khuya với những chiếc xích lô đạp uể oải, với những gánh hàng khuya từ phía bến Bạch Đằng trở về, xen lẫn tiếng huýt sáo của những dân chơi về khuya, cặp kè đào địch là những chị em “cave” của những vũ trường quanh đó với những tiếng cười hinh hích, chen lẫn với những tiếng... chửi thề rất... vô tư!

 

Và hầu như đêm nào chúng tôi cũng nghe được những tiếng rít xé trời của hỏa tiễn từ phía Thủ Thiêm pháo vào Sài Gòn gây nên những tiếng nổ vang dội, những chiếc trực thăng bay vần vũ trên bầu trời cùng với những ánh sáng hỏa châu chói lòa. Chúng tôi lo ngại nhìn nhau, không biết số phận mình sẽ ra sao trước những vụ pháo kích ồ ạt này. Trời gọi ai, người nấy dạ. Chúng tôi chỉ còn biết tự an ủi như thế, ngoài ra không còn biết làm gì khác. Sống được ngày nào hay ngày đó, mặc cho sự hên xui may rủi.

 

Trong hoàn cảnh căng thẳng như vậy, không ít giới trẻ Sài Gòn không cần biết ngày mai sẽ ra sao nên lăn xả vào nếp sống “yêu cuồng sống vội”, phó thác cho định mệnh, muốn ra sao thì ra cho đến khi bị bắt lính hay đến tuổi phải gia nhập đời sống quân ngũ.

 

Chợ hoa Tết Nguyễn Huệ

 

Chợ hoa vào dịp Tết Mậu Thân trên đường Nguyễn Huệ đã được bày bán như hàng năm, trải dài từ phía Lê Lợi đến gần Tổng Nha Ngân Khố. Mang trong lòng sự nôn nao và rạo rực của những ngày xuân, chúng tôi cũng bắt đầu bầy biện lại căn phòng trên khách sạn Catinat cho hợp vẻ Tết nhất, cùng một lúc sửa soạn cho những chương trình “Hippies À GoGo” vào dịp Tết dự định vào tháng 2 năm 68, sau khi luôn luôn thành công với những chương trình trước đó với tổng cộng khoảng 15 ban nhạc đã thay phiên nhau trình diễn tại đây.

 

Đường Nguyễn Huệ năm nào xôn xao chợ hoa Tết

 

Những chương trình đặc biệt Xuân được ấn định tổ chức vào ngày mùng 2 và 3 Tết với phần trình diễn của 8 ban nhạc đã không được diễn ra vì xẩy ra cuộc tổng công kích vào đúng ngày Tết của các ông “Vi Xi” được gọi là biến cố Tết Mậu Thân, gây nên một ảnh hưởng lớn lao đến những hoạt động liên quan đến các vũ trường cũng như phòng trà ca nhạc sau đó.

 

Tôi từ giã Jo Marcel và Hướng để trở về ăn Tết với gia đình vào chiều ngày 30 Tết sau khi hẹn gặp lại vào ngày 2 Tết để tổ chức những chương trình đặc biệt như đã ấn định, sau khi đã dặn dò từng ban nhạc, từng ca sĩ có mặt đúng ngày. Ngày trước đó tôi đã lang thang vào chợ Bến Thành mua vài ký lạp xưởng Mai Quế Lộ thật ngon, vài cây chả lụa, mấy tràng pháo và mấy cặp bánh chưng để làm quà cho gia đình.

 

Phụ nữ Sài Gòn xưa đi chơi chợ hoa ngày Tết

 

Mang tiếng đi làm ăn, dịp Tết nhất bắt buộc phải có quà, có cáp cho lịch sự và ra vẻ người lớn với thiên hạ. Tôi khệ nệ xách hai túi quà nặng chịch leo lên xích lô trở về nguyên quán với một sự nôn nao và bồi hồi khó tả. Quang cảnh tiêu điều và vắng vẻ của một chiều 30 Tết càng làm cho tôi nhớ nhà, chỉ mong về thật mau để gặp lại những người thân, Chỉ cách xa chừng mươi cây số, nhưng tôi đã tưởng tượng ra mình là một lữ khách, đi giang hồ ở một nơi xa xăm biền biệt mong trở về với gia đình trong một bầu không khí ấm áp. Nhưng những ngày Xuân vào dịp Tết Mậu Thân đã không diễn ra như ý muốn của tôi khi những tiếng súng đạn vang lên khắp Sài Gòn.

 

Đường Nguyễn Huệ xưa vốn là một con kênh

 

Trong sự hỗn loạn và nhốn nháo mọi người trong gia đình đã hốt hoảng kéo nhau chui vào cái “lô cốt” dựng bởi những bao cát tránh pháo kích đã được đắp lên trước đó. Cuối cùng bố tôi dùng chiếc xe Hillman của ông chở bà nội tôi và tôi lên tá túc ở nơi cư ngụ của linh mục Phạm Long Tiên, cạnh nhà thờ Mai Khôi trên đường Tú Xương. Bà tôi hưởng ứng ngay ý kiến này vì càng được ở gần Chúa càng tốt. Hai ngày sống trong cảnh di tản, tôi đã trở thành một con chiên ngoan ngoãn lại thường vì tối ngày bị dựng đầu dậy đọc kinh, lần hạt. Vừa đọc kinh  tôi vừa nghĩ tới những chương trình “Hippies À GoGo” không thực hiện được trong dịp Tết. Mặt khác còn thắc mắc không biết sau đó còn có cơ hội được tổ chức nữa hay không. Bố tôi thì cứ lái xe đi thăm dò tình hình, thường ông hay đến gặp bác Cao Giao, bác Trần Kim Tuyến trong thời kỳ này để lâu lâu trở lại báo cáo tình hình chiến sự cho cha Tiên và bà tôi biết.

 

Qua đến ngày thứ ba, bố tôi trở lại đón bà cháu tôi trở về đường Da Bà Bầu trong khi chợ  búa chưa lấy lại được vẻ thường ngày, chỉ có vài sạp hàng lèo tèo bán thực phẩm khô. Thèm tô hủ tíu, thèm tô phở quá sức nhưng không thể đào đâu ra trong lúc đó để “trả thù” cho những bữa cơm nắm muối vừng cùng với những miếng thịt kho mặn đến ná thở do bà nội tôi mang theo ăn tạm trong hai ngày ở nhà cha Phạm Long Tiên. Nhận thấy tình hình đã có mòi yên ổn, mặc sự can ngăn của gia đình, tôi không thể chờ đợi lâu hơn để vọt ngay lên khách sạn Catinat mấy ngày sau. Vào cửa trước, thấy “Chez Jo Marcel” đóng cửa im ỉm, nhìn vào trong chẳng có ma nào. Leo lên phòng mở cửa cũng chẳng thấy bóng dáng một ai. Jo không biết lưu lạc ở đâu, còn Hướng thì chắc còn kẹt với gia đình trên đường Phan Ngữ, chưa được bà cụ cho phép ra khỏi nhà.

(còn tiếp)