Kết nối bạn đọc

Kỳ 74: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 27-04-2019 • Lượt xem: 10359
Kỳ 74: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Thời kỳ đó ngoài mặt đường Nguyễn Huệ chưa có những nhà cao cửa rộng và dân cư đông đúc như thời kỳ tôi khám phá ra quán ăn của bà vào năm 68. Trong một lần trèo lên mái nhà để sửa sang, ông Cả, được gọi theo một chức vụ trong hệ thống tổ chức làng xã trước kia – đã từ giã cõi đời sau khi xẩy chân ngã từ trên cao xuống đất, để lại bà Cả và đàn con nhỏ dại.

 

Với bản tính cần cù, nhẫn nại và chịu đựng của một bà mẹ Việt Nam thuần túy, bà Cả ở vậy nuôi các con để cuối cùng nghĩ ra cách lập nên một quán ăn ngay tại gia để hy vọng được sự chiếu cố của những người dân lao động quanh vùng, làm việc quanh đó. Lúc đó theo lời bà kể là vào khoảng những năm đầu thập niên 60. Nhờ tài nấu nướng những món Bắc Kỳ khéo léo cùng với sự phụ giúp siêng năng của hai cô con gái lớn, quán ăn của bà đã thu hút được những người khách ít tiền nhưng muốn có những bữa cơm ngon miệng trong một bầu không khí gia đình. Tôi phục sự nhẫn nại hy sinh của bà ngoài tài làm những thức ăn thật ngon và trở nên có cảm tình thật nhiều với bà. Tôi đề nghị bà đặt tên cho quán ăn độc đáo này, nhưng bà cho biết “Đặt tên, đặt tuổi làm gì cậu! Tôi chỉ mong mỏi buôn bán sống qua ngày nên chẳng bao giờ nghĩ đến việc đặt tên hết sốt cả! Vả lại, người này đồn người kia, nếu mình tiếp đãi đàng hoàng và cố gắng làm thức ăn cho ngon với giá rẻ là được rồi!”. Tôi chợt nảy trong đầu ra ý kiến: “Vậy tôi gọi quán ăn này là quán “Bà Cả Đọi” nhé. Vừa có tên bà, lại vừa thích hợp với tình trạng của thành phần khách khứa ở đây, bà chịu không?”. Bà cả cười cười: “Cậu muốn gọi sao thì gọi, tôi thì chẳng chú ý gì mấy đến tên tuổi”. Sau đó bà nhờ tôi giải nghĩa về chữ “Đọi” mà tôi gắn liền với tên của bà. Đọi là rách, là đói, là kiết xác, nghèo mạt rệp, cóc có địa để đi đớp hít ở những nơi có sơn hào, hải vị. Khách khứa của bà – trong số có tôi - gần như đều ở trong tình trạng như thế. Bà đã cười lên thú vị khi nghe tôi giải thích: “Cái cậu phải gió này, đặt cái tên như vậy thì ai mà dám đến ăn nữa”.

 

Cầu thang đi lên quán cơm Bà Cả Đọi

 

Thế là tên quán “Bà Cả Đọi” ra đời từ đó, tuy rằng không bao giờ có bảng hiệu cho đến một thời gian sau biến cố tháng 4 năm 75 khi bị nhà nước quản lý. Tôi là người đã phổ biến ngay cái tên hấp dẫn và rất kêu do mình đặt ra này đến các anh em ban nhạc thường tụ họp ở “Chez Jo Marcel”. Ngay ngày hôm sau quán “Bà Cả Đọi” đã bị xâm lấn bởi một đội quân gồm những anh chàng đầu bù tóc rối, áo quần đủ kiểu và các nàng choai choai với những chiếc mini-jupe ngắn cũn cỡn, nhất định không bao giờ dám nhẩy phóc lên chiếc phản gỗ đặt sát tường, ngay dưới bàn thờ tổ tiên như những anh đực rựa. Anh chị em dần dần trở nên quen thuộc như ở nhà, cứ đến giờ cơm là ào tới ăn uống linh đình, trong khi chỉ phải chi một số tiền rất khiêm nhượng nhưng được no nê căng rốn. “Bà Cả Đọi” trở nên nổi tiếng ngay tức thì sau khi được các anh chị em nhạc trẻ phổ biến bằng cách “vô tuyến truyền tai” tùm lum, tà la để trở thành một qui luật là “không biết quán Bà Cả Đọi là không phải tay chơi”. Thoạt đầu là những anh em trong ban nhạc The Papa's, The Shakers; sau đến ông ca sĩ tóc dài đen thui Kasim và “10 Ngón Tay Vàng” Trung Nghĩa của bạn The Enterprise cùng cô ca sĩ Thanh Tuyền (con gái cố tài tử Đoàn Châu Mậu). Kế đó là Trung Hành, Cao Giảng, Tuấn Dũng, Tứ Đệ, Đức Vượng, Phùng Thuận... của những ban The New Flintstones, The Fourty Six, Mây Trắng. Những năm sau có mặt Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương, Vinh, Hiến của ban Phượng Hoàng. Rồi thì The Black Stones, The Jet Set, The Blue Jets, The Uptigh, Candy Xuân. Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Anh Tú, vv... Tóm lại gần như không thiếu một mống nào trong làng nhạc trẻ mà không từng nhận quán “Bà Cả Đọi” làm quê hương một thời gian. Ngay cả những ông bạn tôi là Jo Marcel, Tùng Giang cũng rất thiết tha với “Bà Cả Đọi”. Không có bà ấy thì đọi chỏng gọng cả lũ khi túi tiền xẹp lép, không còn đủ khả năng mua vài ổ bánh mì Ba Lẹ hay Sáu Voi để cầm hơi chờ ngày huy hoàng hơn. Những “Ba Con Mèo” với Uyên Ly, Kim Anh, Mỹ Hòa hay “Ba Trái Táo” Vy Vân, Tuyết Hương, Tuyết Dung ai nấy cũng đã từng say sưa với những món ăn của “Bà Cả Đọi”. Khánh Ly, Ngọc Minh chắc cũng khó quên được những bữa cơm với rau đay và cà pháo. Sau khi tôi phổ biến tên quán “Bà Cả Đọi” trên báo chí thì nơi đây bắt đầu có mặt những tay viết báo như Ngọc Hoài Phương, Huyền Anh, Trần Quân, Nguyễn Toàn... và nhiều tên tuổi khác trong làng báo bổ. Rồi các tài tử điện ảnh cũng như các diễn viên kịch cũng kéo tới đây nườm nượp. Nào Trần Quang, nào Huy Cường, Như Loan, Minh Lý, Tú Trinh.

 

 

Cứ như là một đại hội nghệ sĩ và báo chí diễn ra thường xuyên tại quán “Bà Cả Đọi”. Những khách khứa cũng như những người con của “Bà Cả Đọi” tha hồ ngắm nghía và xuýt xoa khen ngợi những khuôn mặt trước đó chỉ được nghe nhắc nhở tới trên báo chí hay trên truyền hình hoặc màn bạc. Con đường hẻm dẫn lên quán “Bà Cả Đọi” trở nên tấp nập lạ thường và nó đã trở nên nơi dừng chân của giới văn nghệ sĩ Sài Gòn. Bà Cả trở nên bận rộn hơn xưa và tỏ ra rất hài lòng với số khách đông đảo này đã mang lại cho quán bà nhiều màu sắc tươi trẻ và một bầu không khí sống động hơn trước rất nhiều. Nếu Givral, La Pagode hay Brodard là nơi phát xuất nhiều nguồn tin tức liên quan đến thời sự và chính trị thì quán “Bà Cả Đọi phải được coi là một “đài phát thanh văn nghệ” qua những mẩu chuyện được loan truyền từ nơi đây qua sự phát ngôn của các anh hào thuộc các giới nhạc trẻ, tân nhạc, điện ảnh, kịch nghệ, văn chương và báo chí! Chỉ cần đến đúng... giờ phát thanh vào buổi trưa là có thể biết được rất nhiều tin tức đủ loại, “Bà Cả Đọi” dù có bằng lòng với cái tên được đặt cho quán bà hay không, nhưng đã tỏ ra rất hồ hởi trước sự tấp nập ra vào với những xiêm y lộng lẫy, áo quần bảnh bao của các tài tử giai nhân càng ngày càng đông đảo, nhất là từ cuối thập niên 60. Qua những lần nói chuyện, bà Cả tỏ ra biết ơn tôi đã dắt díu đông đảo khách hàng thuộc giới nghệ sĩ đến quán bà nên đã tỏ ra rất “phe đảng” với tôi về tiết mục đớp hít. Món gì ngon nhất cũng để dành cho “Cậu Kỳ”.

 

Thời đó, một trái tim heo hay ruột trường được coi là xa xỉ phẩm thuộc hàng cao cấp, nhưng “Cậu Kỳ” muốn là có ngay, sau khi đã dặn dò cô Hường hay cô Xuân ngày hôm trước. Quả tim đã được luộc để tênh hênh trên mặt bàn để thức ăn, nhưng có ai muốn thưởng thức thì nhất định không được thỏa mãn vì đó là quả tim “Cậu Kỳ”, bất khả xâm phạm! “Cậu Kỳ” được ưu đãi quá sức! Thế mà có một bài báo đăng trên một tạp chí xuất bản trong nước cách đây khá lâu, có anh ký giả nào đó viết một bài về quán “Bà Cả Đọi”, đã viết câu trả lời của bà Cả khi được hỏi về lai lịch của quán bà đại khái là: “Ấy, cái tên đó do cái thằng Trường Kỳ bố lếu bố láo đặt cho tôi đấy!”. Tôi dám bảo đảm là chính anh ký giả nào đó đã bố láo bố lếu viết bừa ra như vậy, không đời nào bà Cả lại tuyên bố những câu như thế với một người đã trở nên thân thiết với bà và gia đình. Năm 92, tôi về Việt Nam và dĩ nhiên là có ghé thăm bà tất cả hai lần mà lần đầu chỉ gặp một người con gái của bà, khi tôi đặt tên cho quán thì cô còn bé tí ti. Cô Xuân đã sang Úc định cư từ lâu, cô Hường thì khai thác một quán “Bà Cả Đọi” thứ nhì trên đường Ngô Đức Kế, cũng phát đạt không kém quán của mẹ cô. Hiện nay tại Sài Gòn, quán “Bà Cả Đọi” đã là nơi tụ họp của những văn nghệ sĩ, ký giả từ miền Bắc. Cái qui luật trước kia là “không biết quán Bà Cả Đọi là không phải tay chơi” cũng vẫn tiếp tục được áp dụng một cách triệt để.

(còn tiếp)